Ngân hàng nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém được lợi gì?

(Banker.vn) Sau hơn chục năm kéo dài tình trạng yếu kém, các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt sẽ được “xử lý” trong năm nay nhờ sự đẩy mạnh của Ngân hàng Nhà nước và sự tham gia của các nhà băng lớn.

Hiện nay, toàn hệ thống ngân hàng có 5 nhà băng đang bị kiểm soát đặc biệt bao gồm OceanBank, CB, GPBank, DongABank và SCB. Trong đó, SCB là ngân hàng có quy mô lớn hơn rất nhiều 4 ngân hàng còn lại và quá trình tái cơ cấu sẽ phức tạp hơn.

Hình thức chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém sẽ phù hợp với những ngân hàng phải chuyển giao bắt buộc có tổng tài sản dưới 100.000 tỷ đồng, như CB, GPBank, OCeanBank, DongABank. Bên nhận chuyển giao bắt buộc là những ngân hàng lớn, nếu thấy có triển vọng khắc phục được nợ xấu, cải thiện chất lượng tài sản đảm bảo của ngân hàng yếu kém, thì họ vẫn tham gia tái cơ cấu.

Còn đối với ngân hàng yếu kém có tổng tài sản quá lớn như SCB (tổng tài sản hơn 760.000 tỷ đồng cuối quý II/2022), thì việc chuyển giao bắt buộc sẽ rất rủi ro với ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc.

Ngân hàng nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém được lợi gì?
Hình minh họa.

Liên quan đến chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, Vietcombank đã hoàn thiện phương án, đang trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt. Tiến độ chuyển giao tùy thuộc vào quyết định của Chính phủ, NHNN. Dự kiến việc chuyển giao được thực hiện trong năm 2024.

Không chỉ Vietcombank, 3 ngân hàng khác cũng đã công bố kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém là MB, VPBank và HDBank.

Trả lời cổ đông về việc HDBank tham gia tái cơ cấu một ngân hàng khác, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho hay: “Khoảng 6-7 năm trước, khi HDBank nhận được lời đề nghị từ phía NHNN, chúng tôi đã sắp xếp và sẵn sàng tham gia một cách nghiêm túc. Đây là vinh dự, trách nhiệm của HDBank”, bà Thảo nói.

Trao đổi tại hội nghị nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo HDBank cho hay, không nhiều tổ chức tín dụng được các cấp có thẩm quyền lựa chọn tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Việc HDBank được lựa chọn thể hiện sự tin tưởng của cơ quan chức năng đối với năng lực, kinh nghiệm thực hiện tái cấu trúc thành công các định chế tài chính, cũng như phương án tái cơ cấu của HDBank.

HDBank được biết đến là ngân hàng thực hiện thành công 2 dự án M&A, gồm sáp nhập một ngân hàng thương mại (DaiABank) và mua lại một công ty tài chính (SGVF). Cả hai thương vụ diễn ra vào thời điểm ngành ngân hàng phải tái cấu trúc, rất nhiều ngân hàng có nợ xấu tăng vọt, âm vốn chủ sở hữu… Tuy nhiên, nhà băng này cũng từng thất bại trong thương vụ sáp nhập thêm PGBank.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, việc tham gia tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém là cơ hội để HDBank phát triển mạng lưới, nghiệp vụ, năng lực quản lý quản trị, năng lực tiếp nhận các định chế tài chính, mua bán - sáp nhập (M&A) và hướng tới mục tiêu về tăng trưởng, chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB cho biết, phía ngân hàng này đã sẵn sàng với nhiệm vụ được giao. Về tiến độ, MB đã hoàn thiện đề án trình Chính phủ, NHNN và đề án đang được xử lý tại NHNN để trình Chính phủ. MB kỳ vọng, chương trình này có thể hoàn thành trong năm 2024 hoặc năm 2025. Khi đó, MB sẽ có không gian để phát triển trong 5 năm tới.

Tuy nhiên, MB không sáp nhập ngân hàng, mà dự kiến nhận chuyển nhượng bắt buộc một ngân hàng. Sau khi được nhận về, ngân hàng này vẫn là một ngân hàng độc lập trực thuộc MB. Hết thời gian cơ cấu, MB mới tính đến việc có thực hiện sáp nhập, thoái vốn hay không.

Ông Lưu Trung Thái chia sẻ thêm, năm 2024, MB được phân bổ room tín dụng 16% và dự kiến dư nợ cuối kỳ là 360.000 tỷ đồng. MB kỳ vọng, với việc tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, Ngân hàng sẽ được phân bổ room tín dụng cao hơn. Về việc nhận sáp nhập thêm OceanBank, Ngân hàng đã hoàn tất thủ tục trình Chính phủ, đang chờ phê duyệt của NHNN và kỳ vọng sẽ hoàn thành dự án trong năm 2024.

Bà Phạm Thị Nhung, Phó tổng giám đốc VPBank cho biết, ngân hàng này cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để tiếp quản một ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc và sẽ bắt tay vào tái cơ cấu ngân hàng đó ngay khi được chuyển giao.

Việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém từng được nhắc đến nhiều lần tại các kỳ Đại hội đồng cổ đông trước đây của VPBank. Nhưng phải tới kỳ họp Đại hội đồng cổ đông năm 2023, lãnh đạo cấp cao ngân hàng này mới lên tiếng khẳng định rằng, VPBank là một trong 4 ngân hàng tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Hậu lùm xùm vụ thẻ tín dụng, Eximbank báo lãi trượt dốc trong quý đầu năm

Dù nguồn thu chính tăng trưởng tốt, tuy nhiên thu nhập ngoài lãi trượt dốc, cộng thêm chi phí dự phòng cũng nhảy vọt gấp ...

Rủi ro tiềm ẩn từ các khoản cho vay doanh nghiệp trong hệ sinh thái

Việc ngân hàng cho vay doanh nghiệp trong hệ sinh thái đang tạo ra một môi trường tài chính phức tạp và rủi ro, mức ...

Thùy Chi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục