Ngân hàng Nhà nước xử lý tình trạng sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ, tránh lừa đảo

(Banker.vn) Trước tình trạng lừa đảo trực tuyến gia tăng, Ngân hàng Nhà nước triển khai nhiều giải pháp nhằm xử lý tình trạng sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ.
Ngân hàng Nhà nước: Lãi suất cho vay sẽ giảm từ 0,2-2,5 điểm % Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút ròng 10.000 tỷ đồng qua phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ giảm lãi suất thêm 100 điểm cơ bản?

Xác thực sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền vượt hạn mức

Tại Họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, đại diện Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trước tình trạng lừa đảo trực tuyến gia tăng và tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp, nhằm xử lý tình trạng mở, sử dụng tài khoản thanh toán không chính chủ, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai, chỉ đạo triển khai một số giải pháp.

Xử lý tình trạng sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ
Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo thường kỳ

Chẳng hạn như: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán. Trong đó: Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan mở và sử dụng tài khoản thanh toán theo hướng quy định chặt chẽ hơn về quy trình nhận biết, định danh khách hàng mở và sử dụng tài khoản thanh toán; sửa đổi, bổ sung quy định Quyết định 630/QĐ-NHNN theo hướng bổ sung quy định cho phép tổ chức tín dụng áp dụng xác thực sinh trắc học đối với giao dịch chuyển tiền vượt hạn mức nhất định.…

Bên cạnh đó, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng: Các văn bản khuyến nghị, cảnh báo toàn ngành về tăng cường phòng, chống, ngăn chặn các hành vi gian lận trong hoạt động thanh toán, trong đó có nội dung yêu cầu thực hiện kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo tính hợp pháp hợp lệ và phù hợp, khớp đúng của giấy tờ tùy thân với khách hàng mở tài khoản thanh toán.

Kiểm tra, đối chiếu đảm bảo việc sử dụng tài khoản thanh toán được thực hiện bởi chính chủ tài khoản thanh toán hoặc người được ủy quyền hợp pháp như định kỳ áp dụng các biện pháp để kiểm tra, xác minh đảm bảo chủ tài khoản thanh toán là chủ số thuê bao di động đã đăng ký sử dụng dịch vụ SMS Banking, dịch vụ Internet/Mobile Banking.

Đồng thời, có văn bản chỉ đạo nghiên cứu ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử trong hoạt động ngân hàng; trong đó có nội dung xây dựng kế hoạch làm sạch dữ liệu khách hàng cá nhân thông qua đối chiếu, xác thực dữ liệu khách hàng với nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước công dân và triển khai các giải pháp rà soát, đối chiếu thông tin căn cước công dân với chứng minh nhân dân của khách hàng để làm sạch dữ liệu khách hàng góp phần rà soát đối tượng nghi ngờ giả mạo giấy tờ tùy thân để mở tài khoản thanh toán.

Triển khai "làm sạch" dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán

Ngân hàng Nhà nước đã và đang phối hợp với Bộ Công an triển khai một số nội dung: Ban hành Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN ngày 24/4/2023 về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước, trong đó có nội dung về kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm sạch dữ liệu khách hàng và xác minh thông tin nhận biết khách hàng góp phần rà soát đối tượng nghi ngờ, giả mạo giấy tờ tùy thân để mở tài khoản thanh toán.

Xử lý tình trạng sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ
Lừa đảo trực tuyến gia tăng và tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp

Kết quả triển khai đến hết tháng 8/2023 có 27 tổ chức tín dụng liên hệ/đang phối hợp C06 để triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán; có 42 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip.

Bên cạnh đó, có 7 tổ chức tín dụng đã và đang liên hệ C06 để triển khai ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID); có 05 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai rà soát đối tượng nghi ngờ, giả mạo các loại giấy tờ với dữ liệu sinh trắc của căn cước công dân phục vụ công tác phòng, chống tội phạm.

Mặt khác, thực hiện kiểm tra hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại một số ngân hàng; triển khai nhiều chương trngaình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong sử dụng các sản phẩm dịch vụ thanh toán an toàn hiệu quả như: Chương trình “tay hòm chìa khóa”, “tiền khéo, tiền khôn”, “Đồng tiền thông thái”, cuộc thi “Hiểu đúng về tiền”...

Ngoài ra, phối hợp tuyên truyền trong các buổi hội thảo, tọa đàm như: Hội thảo “Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến gia tăng” của Báo tuổi trẻ, Tọa đàm “Đảm bảo an ninh an toàn cho thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số” của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo toàn ngành về việc đẩy mạnh thông tin, truyền thông đến khách hàng bằng nhiều hình thức để hướng dẫn, nâng cao nhận thức, hiểu biết của khách hàng về đảm bảo an ninh, an toàn khi giao dịch trên môi trường điện tử; những lưu ý, cảnh báo để hỗ trợ khách hàng nhận biết, phòng tránh những phương thức, thủ đoạn lừa đảo, gian lận…

Ngân hàng Nhà nước cũng dự kiến sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông về phương án hỗ trợ các ngân hàng làm sạch dữ liệu, đối khớp thông tin chủ tài khoản đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến với thông tin chủ thuê bao di động theo số điện thoại di động.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương