Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ đồng bộ, linh hoạt, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

(Banker.vn) Ngày 17/10/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2024. Đồng chí Đào Minh Tú - Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN chủ trì họp báo.
Ngày 17/10/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2024. Đồng chí Đào Minh Tú - Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN chủ trì họp báo.

Tham dự Họp báo có lãnh đạo, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc NHNN; đại diện lãnh đạo các ngân hàng: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), NHTM cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NHTM cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, NHTM Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Đại dương, NHTM TNHH MTV Xây dựng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam.
 

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì Họp báo
 
Bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới

Trong 9 tháng đầu năm 2024 và quý III/2024, kinh tế trong nước và thế giới có những thuận lợi và khó khăn đan xen. Trên thế giới, lạm phát tại nhiều nước tiếp tục hạ nhiệt dù vẫn khó lường, củng cố xu hướng hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương. Triển vọng giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến chỉ số USD quốc tế giảm mạnh. Trong nước, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra tại các địa phương phía Bắc, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ1, tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2024 duy trì xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước2. Lạm phát được kiểm soát phù hợp và hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế3.

Bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, diễn biến kinh tế thế giới và trong nước, NHNN đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD).

Một số kết quả đạt được trong thời gian qua

Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Thứ hai, về điều hành lãi suất: NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, góp phần hỗ trợ nền kinh tế; chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên website của ngân hàng. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm so với cuối năm 2023.

Thứ ba, NHNN điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài; đồng thời, phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ; tỉ giá diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm, phù hợp với điều kiện thị trường.

Thứ tư, nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được NHNN triển khai đồng bộ, quyết liệt, bảo đảm cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.  

Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế còn thấp; mức tăng trưởng tín dụng của các TCTD không đồng đều, có TCTD tăng thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong khi một số TCTD tăng sát chỉ tiêu NHNN đã thông báo, ngày 28/8/2024, NHNN đã thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm cho các TCTD bảo đảm công khai, minh bạch. Theo đó, kể từ ngày 28/8/2024, TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên điểm xếp hạng của TCTD.

Tín dụng toàn hệ thống 9 tháng đầu năm 2024 tăng khoảng 9% so với cuối năm 2023. Với thanh khoản tốt và còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các TCTD hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay đối với nền kinh tế.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản… Đặc biệt ngành Ngân hàng đã khẩn trương, kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Thứ năm, trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các giải pháp đồng bộ của NHNN và sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan, đến nay, mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.

Thứ sáu, sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Thứ bảy, khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và hoạt động ngân hàng số tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển TTKDTM, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số, ứng dụng công nghệ mới và bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng trên môi trường mạng. Nhờ đó, hoạt động TTKDTM và chuyển đổi số ngân hàng tiếp tục đạt kết quả tích cực4.
 
Thứ tám, hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng tiếp tục được chú trọng hoàn thiện, vừa bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn vừa bám sát yêu cầu thực tiễn, đáp ứng kịp với xu thế và chuẩn mực, thông lệ quốc tế. NHNN đã và đang tiến hành xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Các TCTD 2024 để bảo đảm thực hiện đồng bộ với các quy định của Luật Các TCTD 2024.
 

Toàn cảnh Họp báo
 
Một số nhiệm vụ ngân hàng những tháng cuối năm 2024

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết một số nhiệm vụ của ngành Ngân hàng những tháng cuối năm như sau:

Một là, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT. ​

Hai là, điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ CSTT để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Ba là, chỉ đạo các TCTD: (i) Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; (ii) Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; (iii) Rà soát, đơn giản hóa thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; (iv) Mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Bốn là, triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” góp phần phát triển hệ thống các TCTD hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

Năm là, tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ quy định về TTKDTM, các thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Các TCTD, Nghị định số 52/2024/NĐ-CP; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Kế hoạch triển khai Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, Kế hoạch số 01/KHPH-BCA-NHNNVN về triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030); tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Phát biểu kết luận tại Họp báo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, quý III vừa qua Việt Nam đã ghi nhận nhiều điểm sáng trong nền kinh tế nhưng cũng chứng kiến nhiều thiệt hại từ cơn bão số 3 gây ra, đặc biệt đối với ngành Ngân hàng. Trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nguồn lực toàn Ngành, NHNN đã chỉ đạo, động viên các NHTM đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định lại cuộc sống và sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo sát sao các CSTT về tỉ giá, lãi suất, tín dụng, kiểm soát lạm phát… để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đến cuối năm và mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 13%.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng bày tỏ tin tưởng, ngành Ngân hàng sẽ giành thắng lợi mục tiêu đã đặt ra với sự quyết tâm của toàn hệ thống cùng sự đồng hành, hỗ trợ từ các cấp, các ngành liên quan trong việc tạo điều kiện cung ứng nhiều dịch vụ ưu việt hơn, hiệu quả hơn.

1Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng; Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
2Quý I tăng 5,87%; quý II tăng 7,09%; quý III tăng 7,40%. Tính chung 9 tháng năm 2024, GDP tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước.
3Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,63%; bình quân 9 tháng CPI tăng 3,88%, có khả năng đạt mục tiêu Quốc hội đề ra trong năm 2024 là 4% - 4,5%.
4Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở Top đầu, đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số. Hơn 87% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Số liệu hoạt động thanh toán trong 8 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ 2023 cho thấy: Giao dịch TTKDTM tăng 59,05% về số lượng và 33,64% về giá trị, qua kênh Internet tăng tương ứng 50,85% và 33,15%, qua kênh điện thoại di động tăng 58,95% và 36,60%, qua QR Code tăng 109,03% và 111,37%. Giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 6,46% về số lượng và tăng 30,51% về giá trị; qua Hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 34,03% về số lượng và 18,49% về giá trị.


Quỳnh Anh

Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục