Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp

(Banker.vn) NHNN vừa có văn bản yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/01/2024 của Thống đốc NHNN
Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/01/2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024 (Chỉ thị số 01/CT-NHNN); Quyết định số 83/QĐ-NHNN ngày 15/01/2024 của Thống đốc NHNN ban hành Chương trình hành động của NHNN thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoạt động ngân hàng năm 2024 (Quyết định số 83/QĐ-NHNN); Thông báo số 81/TB-NHNN ngày 29/02/2024 kết luận Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (Thông báo số 81/TB-NHNN); Công văn số 3053/NHNN-VP ngày 12/4/2024 về triển khai Công điện của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp điều hành về tăng trưởng tín dụng ngân hàng năm 2024 (Công văn số 3053/NHNN-VP), Thống đốc NHNN yêu cầu Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD), thực hiện các nhiệm vụ quan trọng sau:
 
 
NHNN vừa có văn bản yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp (Nguồn ảnh: Internet)

1. Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố

Thứ nhất, thường xuyên tổ chức Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn theo chỉ đạo của NHNN tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN, Quyết định số 83/QĐ-NHNN, Thông báo số 81/TB-NHNN, Công văn số 3053/NHNN-VP. Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp được tổ chức theo hình thức phù hợp (Hội nghị, làm việc, trao đổi...) nhằm đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với khách hàng; để nắm bắt, xử lí, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Thứ hai, chủ động báo cáo lãnh đạo tỉnh, thành phố, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ban, ngành và hiệp hội có liên quan tại địa phương tình hình tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp; không để tình trạng doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả, đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật mà không tiếp cận được vốn vay.

Thứ ba, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn: (i) Tích cực tham gia Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp do NHNN chi nhánh trên địa bàn đầu mối tổ chức; (ii) Chủ động thường xuyên triển khai có hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp với các hình thức phù hợp (như hội nghị khách hàng, chương trình đối thoại, trao đổi với khách hàng...); (iii) Cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ và các lĩnh vực thế mạnh của địa phương; (iv) Chủ động tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, NHNN để được thụ hưởng.

Thứ tư, kịp thời báo cáo chính quyền địa phương, NHNN những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền để được xem xét, xử lí, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn.

2. Đối với các TCTD

Thứ nhất, thường xuyên tổ chức Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp theo chỉ đạo của NHNN; đa dạng hóa nội dung, chuyên đề hội nghị bằng các hình thức phù hợp nhằm tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng với doanh nghiệp; tháo gỡ hiệu quả, thực chất các khó khăn, vướng mắc của khách hàng; chủ động thông báo cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, NHNN và TCTD cho khách hàng; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thường xuyên, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.

Thứ hai, chỉ đạo các chi nhánh TCTD trong hệ thống: (i) Tích cực tham gia Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại địa bàn do NHNN tổ chức; (ii) Bản thân từng chi nhánh tổ chức có hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp (hội nghị khách hàng, trực tiếp làm việc, trao đổi, đối thoại với khách hàng...); (iii) Nghiên cứu, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với các đối tượng doanh nghiệp và đăng kí các chương trình tín dụng cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng; (iv) Cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; (v) Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Thứ ba, chủ động, kịp thời xử lí khó khăn, vướng mắc trong hệ thống; báo cáo chính quyền địa phương, NHNN, các bộ, ngành có liên quan về những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền; qua đó, đề xuất, kiến nghị các giải pháp trong quá trình triển khai thực hiện.


Bảo Ly
 

Theo: Tạp chí Ngân hàng