Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng

(Banker.vn) Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, đơn vị này đã trình Chính phủ về việc gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng, thay vì hết hiệu lực từ tháng 6/2024.
Gia hạn Thông tư 02: Hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và nền kinh tế Lãnh đạo các ngân hàng nói gì về triển khai Thông tư 02 và gói tín dụng 120.000 tỷ đồng Cần thời gian để thẩm thấu Thông tư 02 về trả nợ, giãn nợ

Thông tư 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02) được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành vào cuối tháng 4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024. Đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Ngân hàng Nhà nước trao quyền chủ động cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ do tổ chức tín dụng quyết định nhưng không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/12/2023, có gần 188.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02, với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là trên 183.500 tỷ đồng.

Một số ngân hàng có lãi suất thấp sẽ được ưu tiên điều chỉnh room tín dụng (Ảnh H.H)
Tính đến ngày 31/12/2023 tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu theo Thông tư 02 là trên 183.500 tỷ đồng

Thực tế cho thấy, kể từ khi Thông tư 02 được ban hành đã tạo điều cho doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, thu nhập và doanh thu sụt giảm do phát sinh từ thị trường, tiêu thụ sản phẩm và trong hoạt động sản xuất kinh doanh giảm bớt áp lực trả nợ vay... Doanh nghiệp được gia hạn nợ, giãn nợ, mà không bị chuyển nhóm nợ, và vẫn tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, phục hồi và phát triển. Các ngân hàng cho rằng, nếu không tiếp tục gia hạn sẽ khiến người vay gặp áp lực khi phải trả cùng lúc cả nợ cũ và nợ mới.

Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) cho rằng: “Những khách hàng năm 2023 được gia hạn thì năm nay phải tập trung trả nợ, mà số nợ dồn từ năm 2023 sang 2024. Tức là năm 2024 khách hàng vừa phải trả nợ từ 2023 chuyển sang lại vừa trả nợ của 2023 thì sẽ càng khó trong khi nền kinh tế chưa thực sự khởi sắc”.

Những yếu tố tác động khi Thông tư 02 hết hiệu lực vào tháng 6/2024, có thể kể đến như các khoản nợ tái cơ cấu trước đây sẽ về đúng nhóm phân loại nợ; bộ đệm dự phòng của các ngân hàng thu hẹp trong năm 2023 khiến dư địa xử lý nợ cho năm sau không nhiều.

Như vậy, các ngân hàng có tệp khách hàng đa dạng, trích lập đầy đủ, bộ đệm dự phòng vững chắc, ít rủi ro với bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ có khả năng kiểm soát chi phí rủi ro tín dụng tốt hơn các ngân hàng khác. Nhóm ngân hàng còn lại sẽ chịu nhiều áp lực và không có dư địa để loại bỏ nợ xấu ra khỏi bảng cân đối…

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, nợ xấu sẽ vẫn rất áp lực trong năm 2024: “Năm 2023 là một năm hết sức khó khăn, trong đó hệ thống ngân hàng đối diện với những khó khăn này. Hệ thống ngân hàng đã thực hiện khá tốt những quy định của Chính phủ, ngân hàng Nhà nước như tạm giãn hoãn, giữ nguyên nhóm nợ… cho doanh nghiệp. Chúng ta thấy nợ xấu đang gia tăng liên tục, tạo tổng thể một khoản nợ xấu khá lớn”.

Trước những khó khăn mà nhiều ngân hàng, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp (Agribank) đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép tổ chức tín dụng được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 đối với dư nợ gốc phát sinh trong năm 2023, đồng thời kéo dài thời gian cơ cấu đến ngày 31/12/2024 thay vì ngày 30/6/2024 như hiện nay. Trên cơ sở đó, đề nghị phân bổ trích lập dự phòng bổ sung trong 3 năm, tối đa đến ngày 31/12/2025 trích đủ 100%.

Để ngành da giày đủ khả năng xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, chính sách hỗ trợ đó cần tập trung ưu đãi cho doanh nghiệp nội.
Để tiếp tục tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ gia hạn thông tư 02 thêm 6 tháng nữa, thay vì kết thúc vào 30/6/2024

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPbank) cho rằng, Thông tư 02 cũng nên sửa đổi theo hướng có một chính sách chung cho tất cả các ngân hàng thương mại về cơ cấu lại nợ.

“Vấn đề là nếu một ngân hàng cơ cấu khoản nợ cho khách hàng nhưng ngân hàng khác không cơ cấu thì ở ngân hàng đó, khách hàng bị cơ cấu nên nhóm nợ xấu, như vậy các ngân hàng khác không cho vay, cơ cấu nợ được cho khách hàng đó, vậy cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách chung, hoặc sửa đổi thông tư 02 theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hưng kiến nghị.

Chia sẻ tại hội thảo “Khơi thông nguồn vốn ra thị trường” được tổ chức mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, để thúc đẩy tín dụng, ngay từ đầu năm, ngành ngân hàng đã tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng như giảm lãi suất.

Theo Phó Thống đốc, trước bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, tác động đến kinh tế Việt Nam. Sắp tới được biết Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có chỉ thị yêu cầu các bộ ngành làm sao hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa để tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tễ vĩ mô. Dù vốn ngân hàng dồi dào nhưng vẫn là vấn đề khó khăn đối với một số doanh nghiệp, nhất là hiện lãi suất thấp nhất trong 20 năm qua. Vấn đề còn lại là làm thế nào để khơi thông được dòng vốn.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, đối với các ngân hàng thương mại, ngân hàng luôn đảm bảo thanh khoản đầy đủ, thậm chí dư giả. Ngoài ra, phía cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước sử dụng các công cụ chính sách để đảm bảo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn.

“Vốn nền kinh tế không thiếu. Hạn mức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước giao cho ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm với 15%. Nếu như điều kiện nền kinh tế cho phép, nền kinh tế cần vốn cho các lĩnh vực là động lực tăng trưởng thì có thể tăng hạn mức tín dụng lên”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Phó Thống đốc cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02. Để tiếp tục tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ gia hạn thông tư 02 thêm 6 tháng nữa, thay vì kết thúc vào 30/6/2024.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương