Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút ròng 10.000 tỷ đồng qua phát hành tín phiếu

(Banker.vn) Trong phiên giao dịch hôm nay 25/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hút ròng 10.000 tỷ đồng qua phát hành tín phiếu nhằm góp phần ổn định tỷ giá USD/VND.
Ngân hàng Nhà nước phát hành gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày Doanh nghiệp Hà Nội kêu khó tiếp cận vốn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo "nóng" Ngân hàng Nhà nước thay Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB, tập trung xây dựng Đề án tái cơ cấu

Theo kết quả chào bán tín phiếu vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, trong phiên ngày 25/9, cơ quan này tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất.

Kết quả có 4/13 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là 10.000 tỷ đồng, lãi suất 0,49% - thấp hơn phiên trước 22/9 (0,5%) và phiên 21/9 (0,69%).

Trước đó, liên tiếp trong 2 phiên 21/9 và 22/9, Ngân hàng Nhà nước cũng chào thầu thành công gần 20.000 tỷ đồng tín phiếu 28 ngày và không phát sinh nghiệp vụ trên thị trường mở, qua đó rút khỏi hệ thống ngân hàng lượng tiền tương ứng.

Như vậy, trong 3 phiên giao dịch gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 30.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu.

Ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 30.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu

Ngân hàng Nhà nước đã mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm ngưng trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tục duy trì ở mức thấp kỷ lục. Động thái này được giới chuyên môn đánh giá là sẽ góp phần ổn định tỷ giá USD/VND vốn đang chịu áp lực lớn do sự trái ngược chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Việt Nam.

Đánh giá về việc Ngân hàng Nhà nước liên tục hút ròng, ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích - Công ty VCBS cho hay, với mức hút ròng trung bình khoảng 10.000 tỷ đồng/phiên, theo tôi, là nhỏ và hợp lý, đặc biệt là khi so sánh với mức giao dịch trung bình trên 220 nghìn tỷ đồng một phiên trên thị trường liên ngân hàng trong tháng 8 và tuần đầu tháng 9.

Bên cạnh đó, lãi suất trúng thầu giảm đáng kể từ 0,69%/năm xuống 0,5%/năm trong khi trong khi số lượng thành viên trúng thầu tăng từ 2 lên 5 cho thấy sức mua tốt từ phía các ngân hàng thương mại.

Như vậy, có thể thấy việc phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước gần đây không gây ra những cú sốc hay thay đổi quá nhanh đối với thanh khoản VND trong hệ thống ngân hàng, từ đó sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cung cấp đầy đủ tín dụng cho nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng.

Động thái kể trên, theo tôi, thể hiện sự định hướng và can thiệp thị trường một cách mềm mại và linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước nhằm hướng tới bài toán đa mục tiêu cho nền kinh tế với các trọng tâm:

Một là, cân bằng và trung hòa vấn đề thanh khoản tiền đồng quá dư thừa trên hệ thống ngân hàng thương mại.

Hai là, giải tỏa áp lực từ hướng tới mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt liên quan đến tỷ giá và lạm phát.

Ba là, tạo cơ sở để có dư địa tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua duy trì một mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ở mức thấp hợp lý trong thời gian tới.

Ông Hoàng dự báo trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoạt động hút ròng VND trên thị trường mở thông qua nghiệp vụ phát hành tín phiếu.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục