Tại thông báo gọi thầu của Ngân hàng Nhà nước, trong lần thứ 5 (ngày 8/5) nhà điều hành sẽ đấu thầu khối lượng không đổi như các lần trước 16.800 lượng vàng. Thế nhưng, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc lần này là 85,3 triệu đồng/lượng, tăng 2,4 triệu đồng/lượng so với phiên gọi thầu lần 4 và tăng 4,6 triệu đồng/lượng so với phiên gọi thầu lần 1.
Ngoài giá cọc thay đổi, điểm khác biệt nữa của phiên đấu thầu vàng ngày mai là khối lượng đặt thầu tối thiểu chỉ còn 7 lô, tương đương 700 lượng. Trong 4 phiên đấu thầu vàng trước đó, Ngân hàng Nhà nước quy định khối lượng đặt thầu tối thiểu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng. Khối lượng tối thiểu này bị nhiều chuyên gia, doanh nghiệp phản ánh là quá lớn.
Khối lượng đặt thầu tối đa mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra vẫn là 20 lô, tương đương 2.000 lượng.
Giá vàng miếng SJC tăng không ngừng từ đầu năm đến nay |
Về các điều kiện tham gia đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các thành viên tham gia đấu thầu phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Thông tư số 06 hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước và Quyết định 563 về quy trình mua, bán vàng miếng.
Từ khi tái khởi động hoạt động đấu thầu vàng đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 4 lần gọi thầu vàng, song có đến 3 phiên bị hủy do không đủ số lượng thành viên tham gia dự thầu. Phiên đấu thầu duy nhất thành công ngày 23/4 chỉ có 2 đơn vị trúng thầu 3.400 lượng, chiếm 20% khối lượng lượng vàng đem ra đấu thầu. Giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng.
Động thái can thiệp của Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ giúp tăng cung vàng trên thị trường và hạ nhiệt giá vàng. Tuy nhiên, sau một loạt phiên đấu thầu thất bại, giá vàng SJC đã tăng mạnh và liên tiếp thiết lập mức kỷ lục mới.
Cập nhật đến 15h00 ngày hôm nay (7/5), giá vàng SJC tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn mua vào - bán ra ở mức 85,3 - 87,5 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng.