Nhận diện rủi ro liên quan đến tội phạm rửa tiền phổ biến
Cùng với xu hướng phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, phương thức và thủ đoạn của tội phạm để thực hiện hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Rủi ro tội phạm tài chính/rửa tiền mà các tổ chức tín dụng đối mặt và chia sẻ giải pháp, kinh nghiệm triển khai” do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức, ông Phạm Tiên Phong, Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền, NHNN cho biết, thời gian qua, NHNN thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình triển khai, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện các biện pháp ngăn ngừa hành vi rửa tiền và các tội phạm có liên quan, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra trao đổi thông tin, kịp thời xử lý nhiều vụ việc.
Qua công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm rửa tiền và các tội phạm có liên quan, qua hoạt động đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, NHNN nhận thấy một số rủi ro rửa tiền qua hệ thống TCTD phổ biến hiện nay gồm:
Thứ nhất, tổ chức đánh bạc, đánh bạc dưới các hình thức cá độ thể thao, lô đề online; game bài đổi thưởng.
Sự phát triển của internet kết hợp với công nghệ phát triển trò chơi điện tử kéo theo nguy cơ rửa tiền gia tăng do các đối tượng phạm tội dễ tiếp cận người chơi qua môi trường mạng. Các trang web cá độ thể thao, lô đề online; game bài đổi thưởng thường trái pháp luật, không được đăng ký nên các cơ quan quản lý khó có thể thể giám sát hoạt động của các trang web này, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro rửa tiền.
Ông Phạm Tiên Phong thông tin, qua phân tích các báo cáo giao dịch đáng ngờ, có thể thấy các dấu hiệu giao dịch tài chính đáng ngờ để thanh toán cho các hoạt động đánh bạc online như sau: thông qua việc chuyển tiền lòng vòng giữa các cá nhân với nhau, tiền gửi vào và rút ra nhanh khỏi tài khoản; tài khoản phát sinh nhiều giao dịch chuyển khoản qua Internet Banking, tần suất lớn trong ngày với nội dung là một đoạn mã, ký tự, dãy số, nickname; cá nhân thực hiện giao dịch qua ví điện tử, các loại thẻ viễn thông, thẻ game, cổng thanh toán điện tử; cá nhân nước ngoài thường xuyên nhận tiền từ một số cá nhân Việt Nam, sau đó rút tiền tại ATM tại nước ngoài hay các cá nhân tại Việt Nam thường xuyên nhận tiền từ nhiều cá nhân khác qua tài khoản, sau đó rút tiền tại ATM.
Thứ hai, trốn thuế, gian lận thuế.
Thời gian qua, NHNN đã xử lý hàng trăm báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR) liên quan đến hoạt động chuyển tiền lòng vòng giữa các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu liên quan đến hoạt động trốn thuế, gian lận thuế.
Kết quả cho thấy, trong giai đoạn năm 2017 – 2023, có hàng nghìn khách hàng thực hiện giao dịch và có liên quan đến các giao dịch chuyển tiền lòng vòng qua nhiều tài khoản ở các TCTD có dấu hiệu nhằm trốn thuế, gian lận thuế, bao gồm cá nhân (chiếm 38% trên tổng số khách hàng) và tổ chức (chiếm 62% trên tổng số khách hàng).
Các loại hình của tổ chức như: công ty trách nhiệm hữu hạn (chiếm 69%), công ty cổ phần (chiếm 30%), doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã (1%). Các tổ chức này có lĩnh vực hoạt động đa dạng, như: sản xuất, kinh doanh, đầu tư, thương mại, dịch vụ (trong đó tập trung ở ngành nghề về hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, xây dựng chuyên dùng, xây nhà các loại, tư vấn quản lý; các hoạt động về vận tải, hoạt động dịch vụ tài chính, ...).
“Giao dịch chuyển tiền lòng vòng thông qua tài khoản tại các TCTD của các cá nhân, tổ chức chủ yếu liên quan đến mục đích thanh toán các hoạt động sản xuất, dịch vụ, thương mại... Qua kết quả phân tích dữ liệu từ các STR đã xử lý, giao dịch chuyển tiền lòng vòng qua tài khoản của các khách hàng này có dấu hiệu tạo chứng từ qua ngân hàng cho mục đích có thể là trốn thuế, gian lận thuế. Nội dung giao dịch đơn giản như chuyển tiền/chuyển khoản/thanh toán hợp đồng/thanh toán tiền hàng”, Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền lưu ý.
Thứ ba, tài khoản giả mạo.
Ngày nay, sự phát triển của công nghệ, hệ thống ngân hàng với các dịch vụ số hóa mang đến cho người tiêu dùng cơ hội tương tác với các tổ chức tài chính 24/7 qua Internet với các sản phẩm như ngân hàng số, ví điện tử và tiền điện tử. Với hệ thống ngân hàng trực tuyến, tội phạm tài chính có thể lợi dụng thực hiện giao dịch mà không cần đến ngân hàng gặp mặt trực tiếp, ngân hàng cũng khó có thể xác minh danh tính của cá nhân thực sự truy cập vào tài khoản dẫn đến việc theo dõi, truy vết sẽ khó khăn hơn.
Trong quá trình kiểm soát mở, sử dụng tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử, các ngân hàng thương mại đã phát hiện một số hành vi mạo danh, gian lận hoặc dấu hiệu bất thường như: (i) mạo danh, làm giả, chỉnh sửa thông tin giấy tờ tùy thân; (ii) khách hàng mở tài khoản thanh toán không phải thực thể sống do sử dụng hình ảnh tĩnh, hình ảnh qua các phần mềm chỉnh sửa khuôn mặt, sử dụng video cắt ghép, mạo danh khuôn mặt (deepfake) hoặc sử dụng mặt nạ 3D, chiếm đoạt thông tin đăng nhập, xác thực và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng; (iii) khách hàng có 02 mã CIF trên hệ thống theo chứng minh nhân dân và thẻ căn cước công dân, dùng chung mặt sau CMND; nhiều giấy tờ tuỳ thân cùng 1 ảnh chân dung nhưng khác thông tin...
Thứ tư, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một số thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền qua hệ thống ngân hàng bị phát hiện gần đây như: (i) Giả danh cán bộ các cơ quan chức năng thông báo có bưu phẩm nộp thuế để nhận bưu phẩm hoặc hướng dẫn khách hàng xác nhận thông tin, thay đổi mật khẩu....thông qua truy cập đường link có gắn mã độc 3 gửi kèm trong tin nhắn, qua đó chiếm đoạt quyền kiểm soát tài khoản giao dịch ngân hàng điện tử của khách hàng; (ii) Mạo danh công ty tài chính, viễn thông mời khách hàng vay vốn, hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động (như ứng dụng Auto Cash, sim 4G ...) để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng và rút tiền trong tài khoản; (iii) Chuyển một khoản tiền vào tài khoản thanh toán tại ngân hàng với nội dung cho vay, nhằm chiếm đoạt tài khoản của khách hàng; (iv) Đối tượng tội phạm tổ chức sàn kinh doanh trái phép vàng, ngoại hối, nhị phân, kết hợp với phương thức kinh doanh đa cấp.
Sau khi nhận được tiền của người bị hại do lừa đảo qua tài khoản ngân hàng, đối tượng đã chuyển tiền qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau để mua, bán tiền ảo trên các sàn giao dịch tiền ảo rồi rút tiền ở nước ngoài để chiếm đoạt.
NHNN thực hiện các giải pháp đồng bộ
Để cùng các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường năng lực phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền nêu rõ, thời gian qua, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ bao gồm:
Thứ nhất, tham mưu ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 và các văn bản hướng dẫn. Đây là khuôn khổ pháp lý quan trọng để các đối tượng báo cáo triển khai các biện pháp phòng chống rửa tiền phù hợp, hiệu quả trong tình hình mới, đặc biệt là các đối tượng báo cáo trong ngành Ngân hàng.
NHNN cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống rửa tiền bao gồm quy định của pháp luật hình sự, pháp luật hành chính và pháp luật chuyên ngành đã có đủ các quy định để phòng, chống tội phạm rửa tiền, bao gồm cả hoạt động rửa tiền thông qua hệ thống các TCTD.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác xử lý giao dịch đáng ngờ, kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan để cung cấp, chuyển giao thông tin, góp phần hiệu quả ngăn chặn hành vi phạm tội.
Thứ ba, NHNN đang cập nhật đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam giai đoạn 2018-2022 và sẽ công bố kết quả trong thời gian tới, nhằm cung cấp cho các cơ quan, tổ chức thông tin về các nguy cơ và rủi ro rửa tiền nói chung và đối với hệ thống TCTD nói riêng.
Thứ tư, NHNN đã ban hành các văn bản cảnh báo, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, trung gian thanh toán về các hành vi vi phạm pháp luật thông qua các ví điện tử, thẻ tín dụng ngân hàng. Đồng thời, yêu cầu các đối tượng báo cáo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống rửa tiền, tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán, tăng cường giám sát và báo cáo giao dịch đáng ngờ cho NHNN khi phát hiện các giao dịch đáng ngờ liên quan đến hoạt động thẻ tín dụng, ví điện tử.
"Để đạt được hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm nói chung và công tác phòng chống rửa tiền, phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ nói riêng, cần phải có sự tham gia đồng bộ của nhiều bộ, ngành, đơn vị như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông...", ông Phạm Tiên Phong khẳng định.
Theo đó, NHNN cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền (đặc biệt là các đơn vị thuộc Bộ Công an) trong chuyển giao thông tin giao dịch đáng ngờ, trao đổi thông tin để phục vụ công tác xem xét, xác minh, thanh tra, kiểm tra, điều tra các hành vi vi phạm pháp luật về rửa tiền trong hệ thống các TCTD.
Q.L
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|