Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy tái cơ cấu tổ chức tín dụng

(Banker.vn) Quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) đang đạt được những kết quả tích cực về quản trị và tài chính. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn hiện hữu với tỷ lệ nợ xấu cao, sở hữu chéo chưa được xử lý dứt điểm và tỷ lệ an toàn vốn thấp, đòi hỏi sự nỗ lực mạnh mẽ hơn từ các cơ quan chức năng và ngân hàng.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, quá trình tái cơ cấu các TCTD trong những năm gần đây đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ở mức 4,55%, trong đó nếu không tính 5 ngân hàng yếu kém đang được kiểm soát đặc biệt, tỷ lệ này chỉ ở mức 1,9%.

Cùng thời điểm, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tại Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu chiếm 6,33% tổng dư nợ (giảm xuống 3,22% nếu loại trừ 5 ngân hàng yếu kém). Đến cuối năm 2024, nhiều ngân hàng đã đáp ứng các tiêu chuẩn quản trị theo Basel III.

CBBank và OceanBank đã được chuyển giao bắt buộc về với Vietcombank và MB
CBBank và OceanBank đã được chuyển giao bắt buộc về với Vietcombank và MB

Liên quan đến các ngân hàng yếu kém, NHNN đã chuyển giao 2 ngân hàng 0 đồng là OceanBank và CBBank cho MBBank và Vietcombank vào tháng 11/2024. Phương án chuyển giao bắt buộc GPBank và DongABank đã được trình Chính phủ, dự kiến hoàn tất trước Tết Nguyên đán 2025.

Đối với SCB, NHNN và Ban kiểm soát đặc biệt của ngân hàng này tiếp tục nỗ lực duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo tiền gửi tiết kiệm của người dân được trả đúng hạn, xử lý dần các tồn tại, yếu kém theo quy định pháp luật. Đồng thời, phương án tái cơ cấu ngân hàng này cũng đang được xây dựng và sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đánh giá, việc xử lý các TCTD yếu kém vẫn gặp nhiều khó khăn về hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ đối với các TCTD tham gia xử lý nhận chuyển giao bắt buộc các TCTD yếu kém, việc xử lý tài sản, thu hồi nợ của các TCTD yếu kém đòi hỏi nhiều nguồn lực, tốn nhiều thời gian và cần sự hỗ trợ của cấp có thẩm quyền.

Mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội thông qua và các văn bản hướng dẫn liên quan đã được sửa đổi, bổ sung, trong đó có các quy định để kiểm soát, ngăn ngừa quan hệ sở hữu chéo, góp vốn đầu tư, giảm thiểu rủi ro cho hoạt động của các TCTD, nhưng chưa thể bao quát được hết các tình huống phát sinh trong thực tế, hiện tiếp tục rà soát, nghiên cứu tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

Nợ xấu tập trung ở các TCTD yếu kém, chủ yếu liên quan đến các vụ án và hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh. Các khoản tín dụng tập trung vào lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cũng đặt ra nhiều lo ngại.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu trong toàn hệ thống giảm từ 114,2% cuối năm 2022 xuống còn 81,4% vào tháng 10/2024. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN kết thúc vào cuối năm 2024 có thể gây áp lực lên nợ xấu năm 2025 khi nhiều khách hàng chưa phục hồi hoàn toàn.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) bình quân của 35 ngân hàng thương mại theo quy định tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN tính đến thời điểm 30/11/2024 là 11,5%, thấp hơn mức trung bình của khu vực, như Malaysia (18%), Indonesia (26,8%) và Thái Lan (20,6%).

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc rất quan trọng là giám sát chặt tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Tình trạng này đã phần nào được cải thiện khi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định: một cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một TCTD; một cổ đông tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ; cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ, yêu cầu công khai thông tin của cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của ngân hàng.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia kiến nghị, để đảm bảo an toàn hệ thống TCTD, cần tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ dòng tiền vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản, tình hình nợ xấu tại các TCTD và các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN; đẩy nhanh lộ trình áp dụng đánh giá rủi ro theo Basel II, III theo phương pháp nâng cao; giám sát khả năng thanh toán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong năm 2025, đồng thời tăng cường trách nhiệm cung cấp thông tin của các tổ chức phát hành, phòng ngừa rủi ro liên thông với nợ xấu khu vực ngân hàng.

Tỷ giá Yên Nhật hôm nay 11/1/2025: Đồng Yên suy yếu, can thiệp ngoại hối có thực sự hiệu quả?

Đồng Yên Nhật tiếp tục suy yếu, ghi nhận mức thấp nhất trong 6 tháng khi tỷ giá USD/JPY gần chạm ngưỡng 160. Trước áp ...

Lãnh đạo MB tiết lộ kế hoạch khôi phục ngân hàng Oceanbank (MBV)

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt gần 28.800 tỷ đồng, ...

Mở rộng thanh toán xuyên biên giới Việt Nam - Lào bằng mã QR

Ngày 9/1/2025, trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ...

Nguyễn Đăng

Nguyễn Đăng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục