Trong 8 năm trở lại đây, Việt Nam luôn kiểm soát được lạm phát ở mức dưới 4%. Đáng chú ý, trong hai năm đại dịch COVID-19, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề, song mức lạm phát vẫn duy trì ở mức cho phép, cụ thể năm 2020 lạm phát 3,23% và năm 2021 lạm phát 1,84%.
Song, bước sang năm 2022, áp lực lạm phát và tăng trưởng kinh tế lại đứng trước nhiều thách thức hơn khi chuỗi cung ứng toàn cầu vốn chưa được phục hồi sau dịch COVID-19 lại phải đối mặt với căng thẳng địa chính trị giữa Nga - Ukraine cùng với sức ép thiếu hụt nguồn cung, giá xăng dầu và các loạt hàng hóa cơ bản leo thang.
Tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại nhưng kịch bản xấu này sẽ không xảy ra
Theo đánh giá của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính, xung đột Nga - Ukraine đang là một trong những nguyên nhân chính làm tăng giá một số mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng như khí đốt, dầu mỏ, lúa mỳ, nhôm, niken, ngô,... do thị phần sản xuất và xuất khẩu của Nga và Ukraine rất lớn.
Do đó, nếu căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục kéo dài có thể khiến nhiều nước, trong đó có Việt Nam gặp khó khăn về nguồn cung các nguyên, nhiên liệu trên trong vài năm tới. Khả năng nhập khẩu lạm phát vào Việt Nam sẽ tăng cao.
Hơn nữa, khi giá dầu mỏ, khí đốt và các nguyên vật liệu tăng cao sẽ làm tốc độ hồi phục và tăng trưởng của nền kinh tế thế giới chậm lại. Đây có thể là tác nhân gián tiếp làm suy giảm tốc độ phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Đồng quan điểm, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường KBSV, ông Trần Đức Anh nhận định, nếu lạm phát tăng quá mức 4%, Chính phủ cũng như NHNN sẽ phải áp dụng những chính sách thận trọng hơn trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn yếu, mới bắt đầu hồi phục từ đại dịch COVID-19.
"Điều này có thể tạo ra môi trường không thuận lợi, khiến cho tăng trưởng kinh tế năm 2022 chậm lại và không đạt được mức tăng trưởng 6-7% như hầu hết các tổ chức đưa dự báo", ông Trần Đức Anh cho biết.
Song, ở thời điểm hiện tại, ông Trần Đức Anh kỳ vọng xung đột Nga - Ukraine sẽ dần hạ nhiệt và kéo theo đó là giá cả hàng hóa quay trở lại quỹ đạo ổn định.
"Mức lạm phát cả năm vẫn dưới 4% và sẽ không xảy ra kịch bản xấu là Chính phủ, NHNN phải thực hiện các chính sách thắt chặt hơn. Tuy nhiên, đây là kịch bản cơ sở và yếu tố rủi ro thì chúng ta vẫn cần phải theo dõi", ông Trần Đức Anh chia sẻ.
Lưu Lâm
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|