Ngân hàng Nhà nước tham dự Hội nghị trực tuyến Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính

(Banker.vn) Ngân hàng Nhà nước vừa tham dự Hội nghị trực tuyến Thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHTW) và Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 (gọi tắt là AFMGM+3) do Hàn Quốc và Brunei đồng chủ trì tổ chức.

Tại Hội nghị, các Thống đốc  Bộ trưởng Tài chính tập trung trao đổi các nội dung bao gồm:

(i) tình hình và triển vọng kinh tế vĩ mô toàn cầu và khu vực, các biện pháp chính sách nhằm đối phó với thách thức và rủi ro, bao gồm đại dịch COVID-19;

(ii) các hoạt động nhằm tăng cường hợp tác tài chính khu vực, thông qua khuôn khổ các sáng kiến đa phương trong khu vực như: Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM), hoạt động của AMRO, sáng kiến Phát triển thị trường trái phiếu châu Á (ABMI), định hướng chiến lược của Tiến trình hợp tác tài chính ASEAN+3;

(iii) thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị.

Về diễn biến kinh tế khu vực và thế giới, đại diện Lãnh đạo của ADB, IMF và AMRO đã có bài trình bày về tình hình và triển vọng kinh tế toàn cầu và khu vực ASEAN+3.

Theo đó, IMF vừa nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên mức cao kỷ lục 6% trong năm 2021 (4,4% trong 2022) trong bối cảnh triển khai vaccine và các gói hỗ trợ với quy mô khổng lồ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, triển vọng phục hồi là không đồng đều giữa các nước và khu vực, với tốc độ phục hồi chậm hơn ở các nước nghèo và phụ thuộc vào du lịch, trong khi các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều được dự báo sẽ hồi phục mạnh mẽ lần lượt ở mức 6,4%, 8,4% và 3,3% trong năm 2021.

AMRO dự báo kinh tế khu vực ASEAN+3 đang hồi phục mạnh mẽ trên diện rộng với tăng trưởng năm 2021 và 2022 lần lượt ở mức 6,6% và 4,9%, chủ yếu nhờ hoạt động thương mại và sản xuất. Đối với Việt Nam, ADB cũng vừa nâng dự báo tăng trưởng năm 2021 lên 6,7% và 7% đến năm 2022.

Các tổ chức chia sẻ quan điểm trong bối cảnh dịch COVID-19 đang còn nhiều diễn biến phức tạp và tiếp tục tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống và các nền kinh tế. Các cơ quan quản lý tiền tệ - tài chính cần đặc biệt lưu tâm tới các rủi ro và thách thức trong thời gian tới, bao gồm:

(i) dịch COVID-19 tái bùng phát với các biến chủng mới, trong khi tiến độ tiêm chủng vắc-xin trong khu vực mới ở giai đoạn đầu;

(ii) tác động lan tỏa của việc Mỹ có thể tăng lãi suất trong quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ khi nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Điều này có thể tác động đến tăng trưởng toàn cầu, và thông qua kênh tài chính tác động tiêu cực đến các nước có tỷ lệ nợ cao và có nhu cầu tài trợ lớn, cũng như kích thích dòng vốn chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi;

(iii) sự khác biệt trong tốc độ và chất lượng phục hồi giữa các quốc gia có thể làm gia tăng bất bình đẳng trong khu vực. Về phía tích cực, không có dấu hiệu cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ sớm chuyển dịch khỏi khu vực trong thời gian tới.

Hội nghị nhấn mạnh và thống nhất về tầm quan trọng của việc tiếp tục: (i) duy trì chính sách hỗ trợ toàn diện và có mục tiêu nhằm vượt qua khủng hoảng kinh tế và y tế; (ii) thận trọng trước rủi ro và sử dụng tất cả các công cụ chính sách sẵn có để đảm bảo quá trình phục hồi bền vững, toàn diện và duy trì ổn định tài chính; và (iii) đảm bảo quá trình bình thường hóa chính sách hỗ trợ sẽ diễn ra từng bước và thận trọng, tránh gây tác động đột ngột.

Về sáng kiến CMIM, hội nghị tái khẳng định cam kết tiếp tục củng cố CMIM như là một cơ chế hỗ trợ hiệu quả và đáng tin cậy trong khu vực, là một cấu phần quan trọng trong mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu. Hội nghị hoan nghênh Thỏa thuận CMIM sửa đổi đã có hiệu lực vào ngày 31/3/2021 vừa qua, theo đó đã: (i) tăng tỷ lệ tiếp cận chương trình CMIM không gắn với các khoản vay của IMF từ 30% lên 40%; (ii) thể chế hóa nguyên tắc đóng góp đồng bản tệ (LCY) trên cơ sở nhu cầu của từng quốc gia và theo hình thức tự nguyện.

Hội nghị cũng đưa ra chỉ đạo về việc tiếp tục: (i) xử lý các vấn đề còn tồn đọng, bao gồm lựa chọn lãi suất tham chiếu CMIM để thay thế cho lãi suất LIBOR trước khi kết thúc năm 2021 và rà soát phần bù lãi suất CMIM; (ii) xây dựng quy tắc, hướng dẫn hoạt động về việc sử dụng LCY; (iii) thảo luận về định hướng hoạt động của CMIM, bao gồm các vấn đề trong dài hạn và các sáng kiến mới nhằm giải quyết các rủi ro mang tính cơ cấu mà các nước có thể phải đối mặt trong giai đoạn hậu COVID-19, qua đó tăng cường hơn nữa mạng lưới an toàn tài chính khu vực ASEAN+3; và (iv) thực hiện đợt chạy thử nghiệm lần thứ 12 nhằm thử nghiệm công cụ đánh giá ERPD và cơ chế ra quyết định của các nước trong khuôn khổ thể thức CMIM-PL.

Về hoạt động của AMRO, các Bộ trưởng và Thống đốc NHTW đánh giá cao hoạt động của AMRO trong thời gian qua, nhất là các hoạt động nghiên cứu, tư vấn chính sách kịp thời cho các quốc gia thành viên trong bối cảnh dịch bệnh Covid đã ảnh hưởng nghêm trọng đến nền kinh tế khu vực. Hội nghị cũng ghi nhận những đóng góp trong thời gian qua của ông Toshinori Doi, Giám đốc điều hành AMRO và yêu cầu cơ quan này tiếp tục chủ động, tích cực nghiên cứu, xây dựng các khuyến nghị chính sách phù hợp với bối cảnh thực tế của tình hình dịch bệnh và diễn biến kinh tế.

Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, Hội nghị đã thống nhất thành lập 4 tiểu nhóm công tác về các lĩnh vực các nước cùng có quan tâm để xây dựng các khuôn khổ hợp tác trong thời gian tới, bao gồm: (i) Tài trợ cơ sở hạ tầng; (ii) Các thể thức hỗ trợ các nền kinh tế có vấn đề về cấu trúc vĩ mô; (iii) Tăng cường sức chịu đựng tài chính đối với các thảm họa tự nhiên; (iv) Tăng cường chính sách hợp tác về tiến bộ công nghệ.

PV

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục