Ngân hàng Nhà nước tập huấn Thông tư 23 về xếp hạng các tổ chức tín dụng

(Banker.vn) Chiều ngày 2/3, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) tổ chức Tập huấn Thông tư số 23/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2018/TT-NHNN quy định về xếp hạng tổ chức tín dụng (TCTD).

Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Bùi Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát an toàn hệ thống các TCTD, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết việc xếp hạng các TCTD là công tác quan trọng nhằm đánh giá thực trạng và mức độ rủi ro trong hoạt động của các TCTD.

Việc ban hành Thông tư 23 nhằm hoàn thiện hơn nữa cơ sở pháp lý về xếp hạng các TCTD, giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn đồng thời phù hợp với điều kiện thị trường, sự phát triển và đặc thù hoạt động của các loại hình TCTD. Đồng thời, hỗ trợ quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và nâng cao năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát của các TCTD thời gian tới; góp phần tăng cường hiệu quả của công tác giám sát hệ thống các TCTD... Để triển khai Thông tư 23, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tổ chức buổi tập huấn giới thiệu những nội dung mới cũng như giải đáp thắc mắc của các TCTD.

Trao đổi về những nội dung mới tại Thông tư 23, ông Phan Hữu Việt, Trưởng phòng Tổng hợp cho biết những quy định quan trọng được chia thành 3 nhóm: nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung không bao gồm việc thay đổi trọng số, ngưỡng đối với nhóm chỉ tiêu định lượng và cách tính điểm đối với nhóm chỉ tiêu định tính; nhóm nội dung bao gồm việc thay đổi cách tính điểm đối với nhóm chỉ tiêu định tính; nhóm nội dung bao gồm việc thay đổi trọng số, ngưỡng đối với nhóm chỉ tiêu định lượng.

Ở nhóm nội dung không làm thay đổi trọng số, cách tính điểm, Thông tư 23 sửa đổi, bổ sung làm rõ các khái niệm, thuật ngữ như chỉ tiêu Tỷ lệ an toàn vốn; chỉ tiêu Tỷ lệ an toàn vốn cấp 1; Nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu; Nợ đã bán cho VAMC chưa xử lý được; Khách hàng có dư nợ tín dụng lớn; Tài sản Có sinh lãi bình quân; Nợ phải trả nhạy cảm lãi suất... Trong đó quy định về Nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu được sửa đổi bổ sung cho phù hợp với Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các văn bản bổ sung về việc cơ cấu lại thời hạn nợ, miễn giảm phí cho các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…

Thông tư 23 bổ sung nguồn tài liệu, thông tin, dữ liệu quan trọng để xếp hạng các TCTD là báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập theo quy định của pháp luật. Bổ sung Tỷ lệ dư nợ tín dụng để đầu tư, kinh doanh bất động sản so với tổng dư nợ tín dụng vào nhóm chỉ tiêu định lượng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các TCTD.

Đối với nhóm những sửa đổi bổ sung, Thông tư 23 bổ sung một số quy định nhằm mục đích tiếp tục tăng cường tính tuân thủ quy định pháp luật, nâng cao hiệu quả của công tác quản trị điều hành, quản lý rủi ro. 

Đáng chú ý, Thông tư 23 bổ sung 2 cơ chế trừ điểm bổ sung: thứ nhất là trường hợp các hành vi vi phạm của các TCTD đã bị phát hiện nhưng vẫn lặp lại, thứ hai là trường hợp các TCTD không thực hiện đầy đủ các khuyến nghị, cảnh báo của NHNN về tổ chức, quản trị, điều hành ngoại trừ do tác động của các sự kiện bất khả kháng…

Đối với nhóm chỉ tiêu định lượng, Thông tư 23 giữ nguyên 4 ngưỡng đánh giá đối với tất cả các chỉ tiêu. Thông tư tăng ngưỡng của tất cả các nhóm đồng hạng đối với tỷ lệ nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu. Các nhóm đồng hạng đối với tỷ lệ nợ nhóm 2 so với tổng nợ cũng bị tăng ngưỡng. Đây là nhóm chỉ tiêu rất được các TCTD quan tâm. Việc quy định này nhằm phù hợp với tình hình thực tế dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và thực hiện chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới.

Thông tư 23 bổ sung ngưỡng và trọng số của chỉ tiêu tỷ lệ dư nợ tín dụng để đầu tư, kinh doanh bất động sản so với tổng dư nợ tín dụng, không bao gồm dư nợ tín dụng đối với TCTD khác. Đồng thời, tăng trọng số của NHTM (có quy mô lớn, có quy mô nhỏ) từ 20% lên 25% đối với chỉ tiêu tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng của các khách hàng có dư nợ cấp tín dụng lớn so với dư nợ cấp tín dụng đối với tổ chức kinh tế, cá nhân. Trong khi đó, giảm trọng số của nhóm NHTM quy mô lớn, NHTM quy mô nhỏ và chi nhánh NHNNg đối với tỷ lệ nợ và cam kết ngoại bảng từ nhóm 3 đến nhóm 5 so với tổng nợ và các cam kết ngoại bảng từ nhóm 1 đến nhóm 5 từ 10% xuống còn 5%.

Tại buổi tập huấn, đại diện Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã giải đáp câu hỏi từ các TCTD liên quan đến các chỉ tiêu định tính, định lượng về một số nội dung bao gồm cách tính số dư nợ, dư nợ tín dụng, dư nợ L/C ngoại bảng, tỷ lệ chênh lệch tài sản nhạy cảm …

Về cách xác định chỉ tiêu nợ cơ cấu, theo đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, nợ cơ cấu chỉ bao gồm số dư nợ được cơ cấu, không bao gồm toàn bộ dư nợ của khách hàng được cơ cấu nợ. Dư nợ tín dụng được sử dụng để tính toán nhiều chỉ tiêu bao gồm cả dư nợ đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp nhưng không bao gồm trái phiếu VAMC, trái phiếu do các TCTD khác phát hành và không bao gồm bảo lãnh L/C được ghi nhận ở ngoại bảng.

Đối với dư nợ đầu tư bất động sản nhà ở, nếu mục đích là tự sử dụng thì không tính vào chỉ tiêu nhưng nếu việc xây nhà ở nhằm mục đích kinh doanh, sinh lợi (bán, cho thuê) thì có tính vào dư nợ đầu tư bất động sản.

Liên quan đến các chỉ tiêu định lượng, đại diện Cơ quan Thanh tra, giám sát cho biết các hành vi vi phạm sẽ được tính theo từng kỳ phân loại nợ, không tính đến số lượng khách hàng. Những hành vi vi phạm do cơ quan quản lý phát hiện trong năm xếp hạng sẽ bị tính điểm trừ dù TCTD đã khắc phục. Những hành vi vi phạm tự phát hiện, tự báo cáo và đã khắc phục thì không bị tính điểm trừ.

Kết thúc buổi tập huấn, ông Bùi Văn Hải cho biết thời gian tới, Cơ quan Thanh tra, giám sát tiếp tục nghiên cứu, chắt lọc nội dung để trình cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về xếp hạng các TCTD. Đồng thời, giải đáp các thắc mắc, hỗ trợ các TCTD thực hiện việc xếp hạng. 

Bùi Trang

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục