Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước. |
Liên quan đến vấn đề nới room tín dụng được đưa ra tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngay từ đầu năm các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đã được đưa ra. Trong đó, mục tiêu là duy trì tỷ lệ lạm phát dưới 4%, tăng trưởng GDP từ 6-6,5%, từ các chỉ tiêu này, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán, cân nhắc và đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%.
Việc đưa ra mục tiêu này được đặt ra từ đầu năm trong bối cảnh nền kinh tế không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất lợi như cuộc xung đột Nga - Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng gây tăng giá nguyên vật liệu,..
"Hiện tại, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ cao nhất trong giai đoạn hiện tại. Đến nay, các ngân hàng cũng đã báo cáo tăng trưởng tín dụng đặt mục tiêu cho giai đoạn này đã được dùng hết, phần còn lại sẽ được giao cho các ngân hàng trong 1-2 ngày tới", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Điều chỉnh “room” tín dụng đợt này của Ngân hàng Nhà nước dựa trên đơn xin “nới room” của các ngân hàng thương mại và căn cứ điểm xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước nước với các ngân hàng này.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên các ngân hàng tham gia xử lý ngân hàng yếu kém (hiện Vietcombank và MB đã có phương án nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém) hoặc quỹ tín dụng nhân dân yếu kém. Các ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao, các ngân hàng tăng trưởng tín dụng tích cực trong lĩnh vực tín dụng ưu tiên, giảm lãi suất cho vay với khách hàng… cũng là điểm cộng khi xem xét cấp thêm room tín dụng.
Tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, trong điều kiện Việt Nam đang phải chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô rõ ràng cần tăng lãi suất. Hiện tại, các nước phát triển trên thế giới đều đang phải thực hiện phương pháp này.
Tại Mỹ, Fed đang tăng lãi suất liên tục, tổng mức tăng đã đạt 2,25 điểm %. Ngân hàng Trung ương EU cũng đã tăng lãi suất, cắt đứt chuỗi 11 năm duy trì lãi suất thấp.
Đối với Việt Nam, lạm phát cũng đang là vấn đề được dư luận quan tâm, Chính phủ chỉ đạo. Đáng mừng là trong 2-3 tháng gần đây, lạm phát tăng không nhiều chủ yếu do giá xăng dầu giảm mạnh khiến giá nhiều mặt hàng giảm.
Trong bối cảnh các Ngân hàng Trung ương đang tăng nhanh lãi suất mà Việt Nam vẫn giữ nguyên được lãi suất cũng có thể coi là hạ lãi suất so với thế giới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được vay lãi suất với mức giá rẻ hơn.
Dù vậy, việc điều hành lãi suất của ngân hàng trung ương lúc này phải được tính toán rất chặt chẽ. Bài toán đặt ra lúc này là vừa kiểm soát lạm phát vừa hỗ trợ được nền kinh tế. Do đó, chính sách tiền tệ vẫn phải điều hành hết sức linh hoạt.
Với các ngân hàng thương mại, biến động tăng nhẹ lãi suất cả huy động và cho vay trong thời gian gần đây vẫn trong tầm kiểm soát, thấp nhất với các nước trong khu vực. Lãi suất cho vay bình quân hiện chỉ ở mức 7,9-9,3%,lãi suất huy động vẫn duy trì ở mức khá ổn định.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại vận dụng tối nội lực hiện hữu, cắt giảm các khoản chi phí hoạt động để có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch dịch COVID-19, qua đó thực hiện mục tiêu vừa kiểm soát lạm phát vừa tăng cường nguồn lực cho phục hồi kinh tế.
Hoàng Hà
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|