Cụ thể, Vietnam Airlines cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi 10.000 - 12.000 tỷ đồng, Vietjet trên 10.000 tỷ đồng, Bamboo 5.000 tỷ đồng, Pacific Airlines 5.700 tỷ đồng, Vietravel 1.000 tỷ đồng.
Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư Ký Hiệp hội, cho biết tình hình dịch bệnh kéo dài so với dự đoán đã khiến thời gian dừng hoạt động của các hãng hàng không có xu hướng kéo dài hơn.
Doanh thu ngành hàng không từ cuối tháng 5 đến nay giảm từ 80 - 90%. Hiện các đường bay thương mại trong nước và quốc tế đều bị dừng. Mỗi ngày, các hãng hàng không phải chi trên 100 tỷ đồng trong thời gian máy bay phải ngừng bay.
Ông Nề cho biết thêm, hiện nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất Việt Nam đã lên tới 36.000 tỷ đồng (riêng Tổng công ty hàng không Việt Nam-VNA là 20.000 tỷ đồng)
"Chúng tôi mong muốn ngành ngân hàng áp dụng cơ chế tái cấp vốn vay lãi suất 0% như đã áp dụng với VNA cho các hãng hàng không khác với quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng, thời hạn tối đa 3 năm.
Đặc biệt, cho phép các hãng hàng không thuộc Hiệp hội được vay gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất (ngân sách cấp bù lãi suất 4%) với thời hạn 3 - 4 năm," TTXVN dẫn lời ông Nề.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết việc đưa ra gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi từ nguồn tái cấp vốn là vượt thẩm quyền của NHNN.
Do đó, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính để đề xuất gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không và sớm đệ trình lên Chính phủ để có cơ sở pháp lý thực hiện.
NHNN sẵn sàng nới room, khuyến khích cho vay tín chấp các hãng bay
Lãnh đạo NHNN đề nghị các ngân hàng thương mại (NHTM) chủ động cho vay ưu tiên vì đây là lĩnh vực quan trọng, khuyến khích các NHTM mạnh dạn cho các hãng vay tín chấp.
Nếu việc cơ cấu lại nợ từ nay đến 30/6/2022 mà tình hình diễn biến còn khó khăn thì NHNN sẽ tiếp tục điều chỉnh Thông tư 01, 03 và 14 để hỗ trợ.
"Nhu cầu vay vốn hàng không khá lớn để họ hồi phục, nếu cần tăng hạn mức tín dụng, NHNN sẽ nới bổ sung. Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đề xuất, cộng với 24.000 tỷ đồng dư nợ hiện tại, cũng không phải là quá lớn," Phó Thống đốc chia sẻ.
NHNN cũng tiếp tục theo dõi diễn biến lãi suất của thị trường và chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) xem xét tiếp tục hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết thực tế các ngân hàng thương mại cũng đã cho nhiều doanh nghiệp hàng không vay vốn để cải thiện tính thanh khoản trong giai đoạn khó khăn.
Hiện nay, dư nợ tín dụng của các hãng hàng không tại các TCTD là khoảng hơn 24.000 tỷ đồng, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là hơn 2.500 tỷ đồng.
Các TCTD đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,5% - 1%/năm với số tiền lãi được giảm khoảng 130 tỷ đồng. Doanh số cho vay mới từ khi xảy ra dịch COVID-19 tới nay là 41.648 tỷ đồng.
Riêng đối với Vietnam Airlines, các TCTD bao gồm Ngân hàng TMCP Đông Nam Á, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, đã thực hiện giải ngân cho VNA theo gói tín dụng 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN, lãi suất 0% và không có tài sản bảo đảm.
Đại diện các ngân hàng ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV, cho biết tổng hạn mức mà BIDV cấp cho Vietnam Airlines và Bamboo là 3.300 tỷ đồng và hiện dư nợ cấp cho hai hãng này là 2.800 tỷ đồng.
Ngoài cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, BIDV cũng giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu với lãi suất rất ưu đãi cho doanh nghiệp. Nếu cộng thêm các chi phí như bảo hiểm tiền gửi, dự trữ bắt buộc… thì margin là âm.
Vì vậy, lãnh đạo BIDV kiến nghị NHNN xem xét tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng trong việc thực hiện các chính sách tài trợ cho các hãng hàng không đang lỗ liên tục và chưa xác định rõ được khả năng trả nợ trong tương lai.
Anh Khôi
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|