Ngân hàng Nhà nước liên tiếp hút ròng 90.000 tỷ qua kênh tín phiếu, bao giờ dừng lại?

(Banker.vn) Gần đây, thị trường tài chính Việt Nam ghi nhận tâm điểm đáng chú ý là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quay lại phát hành tín phiếu trên kênh thị trường mở. Sau 6 phiên giao dịch liên tiếp, NHNN đã hút ròng với tổng khối lượng là 90.000 tỷ đồng kỳ hạn 28 ngày.

Ngân hàng Nhà nước sẽ hút ròng tín phiếu đến bao giờ?

Trong 6 phiên giao dịch 21/9, 22/9, 25/9, 26/9, 27/9 và 28/9, NHNN đã hút ròng tổng cộng gần 90.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu. Cụ thể, bắt đầu từ ngày 21/9, NHNN có động thái và phát hành thành công 9.995 tỷ đồng tín phiếu, lãi suất trúng thầu với lãi suất 0,69% trong kỳ hạn là 28 ngày.

Đến ngày 22 và ngày 25/9, NHNN tiếp tục phát hành 10.000 tỷ đồng tín phiếu mỗi phiên với lãi suất trúng thầu lần lượt là 0,5% và 0,49% cũng trong kỳ hạn 28 ngày. Tại phiên thứ 4 ngày 26/9, nhà điều hành tiếp tục bơm ròng ra thị trường bằng kênh tín phiếu nhưng khối lượng tăng lên gấp đôi là 20.000 tỷ đồng, lãi suất 0,58%, kỳ hạn 28 ngày. Ngày 27/9, NHNN tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Kết quả có 9/12 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là 20.000 tỷ đồng, lãi suất 0,65%. Gần nhất, trong phiên giao dịch ngày 28/9, NHNN đã rút ra khỏi hệ thống 20.000 tỷ đồng. Với kỳ hạn 28 ngày, số tiền này sẽ được NHNN trả lại hệ thống vào ngày 26/10/2023.

Số lượng thành viên tham gia các phiên đấu thầu tín phiếu khá đông đảo, khoảng 11 - 17 thành viên và tỷ lệ trúng thầu ngày càng cao với 8 - 9 thành viên tại những phiên gần nhất. Đồng thời, vào ngày 25/9, 26/9 và 27/9 đều có 9 thành viên trúng thầu với lãi suất lần lượt là 0,49%, 0,58% và 0,65%.

Sau động thái liên tiếp hút ròng của NHNN, lãi suất liên ngân hàng qua đêm và các kỳ hạn ngắn đã có dấu hiệu nhích lên. Từ đó một số nhà đầu tư lo ngại về việc NHNN sẽ quay lại thời kỳ lãi suất cao sau khi liên tục hút tiền về qua kênh tín phiếu. Về vấn đề này, các chuyên gia nhận định, động thái trên không đồng nghĩa với sự đảo chiều trong chính sách tiền tệ mà chỉ là một bước đi để đối phó với việc tỷ giá tăng cao.

Ngoài ra, điều này đã khiến một bộ phận nhà đầu tư lo ngại NHNN sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt và đây được xem là một trong những nguyên nhân tác động đến diễn biến thị trường chứng khoán thời gian gần đây. Phân tích về vấn đề này, SSI Research - bộ phận phân tích của Công ty CP Chứng khoán SSI (HOSE: SSI) cho rằng, động thái phát hành tín phiếu của NHNN là một cách thức nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống và là hoạt động thường thấy từ các ngân hàng trung ương, và không đồng nghĩa với việc NHNN đã thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ. Mục đích của NHNN là nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn.

Về việc NHNN liên tiếp phát hành tín phiếu, SSI Research - bộ phận phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (mã cổ phiếu SSI - sàn HoSE) cũng nhận định, mức tín phiếu đang lưu hành tối đa mà NHNN đã thực hiện trong nhiều năm trở lại đây là vào khoảng 200.000 tỷ đồng - đồng nghĩa với việc NHNN vẫn có thể có dư địa để phát hành thêm khoảng 110.000 tỷ đồng - tương đương vào khoảng 5 - 6 phiên giao dịch nữa với tốc độ hiện tại để đạt được con số này.

Ngoài ra, NHNN đã phát hành tín phiếu với lãi suất khá thấp và mặt bằng lãi suất liên ngân hàng chưa có sự thay đổi đáng kể nào có thể chứng minh được quan điểm là thanh khoản trên thị trường 2 đang rất dồi dào.

Về khối lượng dư thừa của thanh khoản hệ thống ngân hàng, trong nửa đầu năm 2023, NHNN đã mua vào 6 tỷ USD bổ sung vào nguồn ngoại hối (tương đương 130.000 tỷ đồng bơm vào thanh khoản hệ thống ngân hàng). Mặc dù NHNN đã sử dụng phương pháp đối ứng tiền tệ (currency sterilization) dưới hình thức phát hành tín phiếu nhằm kiểm soát thanh khoản hệ thống tại thời điểm đó, việc bơm ngược trở lại sau 3 tháng giúp hệ thống ngân hàng duy trì trạng thái dồi dào từ thời điểm đó, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu.

Theo bộ phận phân tích của SSI Research, việc NHNN phát hành tín phiếu ở thời điểm hiện tại có thể là bước đi ban đầu của NHNN nhằm kiểm tra thanh khoản toàn hệ thống (nhất là ở thời điểm cuối quý) và có những đánh giá cho mức lãi suất phù hợp trên thị trường 2 để hạn chế tối đa ảnh hưởng lên mặt bằng lãi suất thị trường 1.

Như vậy, mốc đánh giá có thể bắt đầu khi tổng khối lượng tín phiếu phát hành đạt mức 130.000 tỷ đồng (trong 3 ngày nữa với tốc độ hiện tại) và yếu tố cần quan sát là diễn biến của mặt bằng lãi suất liên ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước liên tiếp hút ròng 90.000 tỷ qua kênh tín phiếu, bao giờ dừng lại?
Ảnh minh họa

Nguyên nhân NHNN liên tục phát hành tín phiếu

Trước đó, tại phiên họp toàn thể thứ 13 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 27/9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà đã thông tin về việc thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tiếp có động thái hút ròng qua kênh tín phiếu.

Lý giải về xu hướng hút ròng này, Phó Thống đốc NHNN cho biết, mục tiêu mà Chính phủ và NHNN đặt ra là giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng vay, nền kinh tế. Cũng theo Phó Thống đốc nhận định, lãi suất và tỷ giá có mối quan hệ chặt chẽ với nhau tạo ra thế khó cho nhà điều hành. Vì vậy, khi USD tăng giá mạnh trong thời gian gần đây, NHNN đã và đang theo dõi sát thị trường ngoại tệ, đưa ra những động thái điều hành để ổn định tỷ giá.

NHNN đã phải điều tiết tín phiếu ngắn hạn để giảm bớt thanh khoản dư thừa trên hệ thống, cố gắng để không tác động lớn tới mặt bằng lãi suất. Hiện nay lãi suất thị trường liên ngân hàng vẫn ổn định. Dù vậy, áp lực thời gian tới vẫn rất lớn khi chúng ta cần cân đối giữa lãi suất và tỷ giá.

Đồng thời, NHNN đã cố gắng hết sức để cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, hạ lãi suất, nhưng vấn đề hiện nay là sức hấp thụ của nền kinh tế yếu do tổng cầu yếu, sức khoẻ doanh nghiệp yếu. Từ đó, cần giải pháp đồng bộ hơn để thúc đẩy xuất khẩu, tăng đơn hàng, mở rộng thị trường và cần tăng cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khi phương án tài chính, kinh doanh của các doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng.

Sau động thái liên tiếp hút ròng của NHNN, lãi suất liên ngân hàng qua đêm và các kỳ hạn ngắn đã có dấu hiệu nhích lên. Điều này đã gây ra lo ngại về việc NHNN sẽ quay lại thời kỳ lãi suất cao sau khi liên tục hút tiền về qua kênh tín phiếu. Về vấn đề này, các chuyên gia nhận định, động thái trên không đồng nghĩa với sự đảo chiều trong chính sách tiền tệ mà chỉ là một bước đi để đối phó với việc tỷ giá tăng cao.

OCB hoàn tất phát hành 685 triệu cổ phiếu, tăng vốn lên trên 20.500 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB, HOSE: OCB) vừa có báo cáo về kết quả đợt phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần ...

Vietcombank thông báo lùi lịch tổ chức Đại hội cổ đông bất thường sang cuối tháng 11

Mới đây, Ngân hàng Vietcombank vừa phát đi thông báo về việc thay đổi thời gian tổ chức Đại hội cổ đông bất thường sang ...

NHNN đã hút tổng cộng gần 90.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục hút về thêm 20.000 tỷ đồng trong phiên 28/9 qua kênh tín phiếu. Sau 6 phiên giao dịch ...

Mai Hương

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán