Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, do Ban Dân nguyện chuyển đến.
Theo đó, cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn. Đồng thời, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân.
Trả lời cử tri, Ngân hàng Nhà nước cho biết nhiều chính sách về tiền tệ, tín dụng đã được cơ quan này ban hành và triển khai đồng bộ các chương trình, giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận vốn. Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành từ 0,5-2 điểm % trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao.
Từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành từ 0,5-2 điểm % trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao |
Qua đó, tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân. Trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực ưu tiên, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, ở mức 4%/năm.
Ngân hàng Nhà nước cũng làm việc trực tiếp với tổ chức tín dụng, yêu cầu có biện pháp giảm lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng; phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vận động sự thống nhất của ngân hàng hội viên giảm thêm lãi vay.
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tổ chức tín dụng đổi mới quy trình, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, xây dựng các chương trình, gói tín dụng phù hợp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao hiệu quả thẩm định, đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng vay. Từ đó, tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản.
Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VNĐ của ngân hàng thương mại giảm khoảng 1 điểm % so với cuối năm 2022. Các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh và triển khai chương trình, gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5-3 điểm % tùy đối tượng khách hàng đối với khoản vay mới.
"Các ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay khoảng 0,2-2,5 điểm % trong 6 tháng cuối năm 2023, tùy đối tượng khách hàng và lĩnh vực. Với tác động của độ trễ chính sách và cam kết giảm lãi suất, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới" - Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng Nhà nước cũng trình cấp có thẩm quyền/theo thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai chương trình tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực với nhiều cơ chế ưu đãi về lãi suất, tài sản bảo đảm, cơ chế xử lý nợ đặc thù.
Ngân hàng Nhà nước tổ chức triển khai chương trình tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực |
Hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức tín dụng phối hợp với Quỹ Bảo lãnh tín dụng trong cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa có bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng tại các địa phương và Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để cho nhóm đối tượng này vay.
Đến cuối tháng 6/2023, dư nợ cho vay doanh nghiệp đạt trên 51% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (đa phần là doanh nghiệp tư nhân) đạt gần 2,3 triệu tỉ đồng, tăng gần 3,5% so với cuối năm 2022, chiếm 18,4% tổng dư nợ nền kinh tế.
"Các chính sách tín dụng, lãi suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được ngành ngân hàng triển khai khá đầy đủ qua nhiều kênh tín dụng tại các ngân hàng thương mại, tín dụng ưu đãi tại ngân hàng chính sách xã hội và tín dụng tại các ngân hàng có bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa" - Ngân hàng Nhà nước thông tin.
Nói về lãi suất, nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính cùng chung nhận định, mặt bằng lãi suất từ giờ đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm, đặc biệt lãi suất cho vay có thể giảm nhanh hơn.
PGS.TS Ngô Trí Long dự báo, mặt bằng lãi suất từ giờ đến cuối năm sẽ giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm. Lãi suất huy động sẽ giảm chậm hơn lãi suất cho vay vì lãi suất này đã giảm mạnh liên tục trong thời gian qua và hiện gần đến tận cùng. “Lãi suất cho vay vẫn ở mức cao và còn nhiều dư địa giảm. Do đó, theo tôi, lãi suất cho vay sẽ giảm nhanh hơn lãi suất huy động" - ông Long nói.
Theo ông Long, mặc dù rất có thể Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất một lần nữa trong dịp cuối năm, nhưng với chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất trong nước sẽ đi theo xu hướng ổn định và giảm dần.
Đồng tình với nhận định trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, một xu thế đang diễn ra trên thị trường tài chính và sẽ tiếp diễn đến cuối năm đó là lãi suất huy động tiếp tục giảm. Tuy vậy, lãi suất cho vay khó giảm sâu tương ứng với lãi suất huy động vì còn phải đảm bảo cho sự an toàn của toàn hệ thống.
Ông Hiếu cũng dự báo lãi mặt bằng lãi suất từ giờ đến cuối năm sẽ giảm thêm khoảng 0,5 điểm phần trăm, chứ không thể giảm sâu. Chuyên gia phân tích thêm, các ngân hàng luôn cần vốn huy động vào. Vì thế, hiện nay, ngân hàng không dư vốn tới mức họ có thể giảm mạnh lãi suất huy động.
Ngoài ra, việc giảm lãi suất ở thị trường trong nước còn tùy thuộc vào tình hình tài chính thế giới. Nếu Fed tăng lãi suất vào tháng 9 thì Việt Nam khó giảm sâu lãi suất. Bởi khi đó nếu giảm lãi suất thì tiền Đồng sẽ giảm, đẩy tỷ giá với USD lên cao, tạo sự bất ổn ở thị trường ngoại hối.
Ở một góc nhìn lạc quan hơn, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng mặt bằng lãi suất từ giờ đến cuối năm sẽ giảm nhiều. “Tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất ở nước ta đến cuối năm sẽ giảm khoảng từ 1,5% đến 2%” - vị chuyên gia kinh tế dự báo.
Ngân Thương
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|