Ngân hàng Nhà nước hút ròng lượng tiền lớn trong tuần cuối năm

(Banker.vn) Trong tuần cuối năm (26/12-30/12), Ngân hàng Nhà nước đã bơm gần 42.000 tỷ đồng vào hệ thống thông qua kênh OMO và hút gần 124.400 tỷ đồng thông qua phát hành tín phiếu kỳ hạn 7 ngày với lãi suất chủ yếu ở mức 6%/năm.

Nhiều chính sách mới, nổi bật có hiệu lực từ tháng 1/2023

Phê duyệt Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Trong phiên giao dịch cuối năm (30/12/2022), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chào mua thành công gần 17.400 tỷ đồng giấy tờ có giá với lãi suất 6%/năm, kỳ hạn 7 ngày, lượng OMO đáo hạn là 6.437 tỷ đồng.

Đồng thời, nhà điều hành cũng tiếp tục phát hành 24.400 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 6%/năm, trong khi có 20.000 tỷ đồng tín phiếu phát hành trước đó đáo hạn. Như vậy, nhà điều hành đã bơm ròng 6.532 tỷ đồng ra thị trường trong phiên giao dịch cuối cùng của năm.

Nguồn: NHNN
Nguồn: NHNN

Tính chung cả tuần (26/12-30/12), NHNN đã bơm gần 42.000 tỷ đồng vào hệ thống thông qua kênh OMO và hút gần 124.400 tỷ đồng thông qua phát hành tín phiếu kỳ hạn 7 ngày với lãi suất chủ yếu ở mức 6%/năm.

Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục đà giảm trong tuần qua. Ghi nhận ngày 29/12, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giảm về còn 2,81%/năm, so với mức 3,2%/năm phiên trước đó. Lãi suất kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần cũng giảm nhẹ xuống còn 5,08%/năm và 5,28%/năm.

Ngân hàng Nhà nước cấp tập hút tiền về khi lãi suất liên ngân hàng giảm sâu. Nguồn: Wichart
Ngân hàng Nhà nước tăng hút tiền về khi lãi suất liên ngân hàng giảm sâu. Nguồn: Wichart

Theo báo cáo thị trường tiền tệ gần đây của SSI, mức chênh lệch giữa lãi suất VND đã thu hẹp đáng kể và thậm chí hiện tại đã ở mức âm, từ đó phần nào tạo áp lực lên tỷ giá trong thời gian qua. NHNN đã phải quay lại sử dụng kênh phát hành tín phiếu nhằm hút bớt lượng tiền ra khỏi hệ thống và đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao hơn, trong bối cảnh thanh khoản có phần nào dư thừa trong ngắn hạn.

Các nguyên nhẫn dẫn đến thanh khoản bất ngờ dư thừa trong ngắn hạn có thể đến từ việc các Ngân hàng Thương mại đẩy mạnh chuẩn bị phần nguồn cho giai đoạn cao điểm cuối năm trong khi hoạt động tín dụng trên hệ thống chưa tích cực như kỳ vọng (trong bối cảnh lãi suất cho vay vẫn đang ở mức cao và các hoạt động trong nền kinh tế chậm lại).

Số liệu Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cũng cho thấy điều này, đến ngày 21/12/2022 tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021. Theo đó, trong hơn 20 ngày, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 0,67 điểm phần trăm, tương đương tăng khoảng 70.000 tỷ đồng.

Theo giới phân tích, sở dĩ tín dụng tăng thấp là do tốc độ hồi phục của doanh nghiệp sau đại dịch vẫn còn chậm, trong khi từ đầu năm 2022, đặc biệt là từ tháng 8/2022, Ngân hàng Nhà nước chủ trương nâng mặt bằng lãi suất để bảo vệ tỷ giá và kiểm soát lạm phát nên các doanh nghiệp hạn chế vay mượn. Chưa kể, về phía ngân hàng vẫn không hạ chuẩn mực tiếp cận tín dụng nên các doanh nghiệp không dễ vay, nhất là đối với khu vực bất động sản.

Chia sẻ tại họp báo Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2023 ngày 27/12, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho biết điều hành lãi suất, tín dụng, tỷ giá trong năm 2023 rất khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới.

Việc giảm lãi suất cần nỗ lực rất lớn, chúng tôi sẽ cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất, yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất. NHNN sẽ hỗ trợ cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng luôn đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát lên hàng đầu, xem xét rất thận trọng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 nhưng không cứng nhắc.

Theo ông, mặc dù sức ép tỷ giá đã giảm nhưng không có nghĩa là chủ quan, trong bối cảnh đồng USD còn nhiều biến động và chính sách của Fed có thể thay đổi. NHNN tiếp tục kiên định ổn định thị trường tiền tệ, thông suốt thanh khoản để duy trì tỷ giá ổn định và NHNN có thể tiếp tục mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối.

Hồng Giang

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán