Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh tỷ giá trung tâm

(Banker.vn) Tỷ giá trung tâm sáng nay 14/4 được Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh sau khi đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng so với rổ tiền tệ chính và mức thấp nhất trong một năm so với đồng euro.

Viet Capital Bank đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 3%, niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE

ĐHĐCĐ Eximbank: Dự kiến lãi trước thuế 2023 đạt 5.000 tỷ đồng, chia cổ tức tỷ lệ 18%

Tỷ giá trung tâm hôm nay (14/4) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.588 VND/USD, giảm mạnh 18 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.409 - 24.767 VND/USD.

Tỷ giá bán tham khảo được Sở giao dịch NHNN hạ 19 đồng, về mức mua bán 23.450 - 24.717 VND/USD.

Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh tỷ giá trung tâm
Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh tỷ giá trung tâm

Tỷ giá USD trong nước sáng nay ghi nhận nhiều điều chỉnh giảm như ở BIDV và Eximbank với 10 đồng giảm ở cả hai chiều giá. Đáng kể hơn có Vietcombank với 15 đồng hạ tỷ giá, các ngân hàng còn lại có mức giảm từ 4 đến 8 đồng so với mức niêm yết cùng giờ hôm qua.

Giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 23.210 – 23.290 VND/USD còn giá bán ra duy trì trong phạm vi 23.590 - 23.745 VND/USD. Trong đó, BIDV có giá mua USD cao nhất còn giá bán USD thấp nhất nằm ở cả BIDV và Eximbank.

Trên thị trường tự do, khảo sát sáng nay cho thấy đồng USD hiện được giao dịch ở mức 23.400 - 23.450 VND/USD, giá mua và giá bán không đổi so với mức ghi nhận giờ này sáng qua.

Cập nhật tỷ giá USD hôm nay
Cập nhật tỷ giá USD hôm nay

USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác hiện ở mức 100,83 điểm. Tỷ giá euro so với USD tăng 0,22% ở mức 1,1071. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,14% ở mức 1,2541. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,14% ở mức 132,40.

Theo Investing, đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng so với rổ tiền tệ chính và mức thấp nhất trong một năm so với đồng euro sau khi giá sản xuất của Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 3, thúc đẩy kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.

Cụ thể, chỉ số giá sản xuất (PPI) đã giảm 0,5% trong tháng 3. Trong vòng 12 tháng tính đến tháng 3, PPI đã tăng 2,7%. Đó là mức tăng hàng năm nhỏ nhất kể từ tháng 1/2021, sau khi tăng 4,9% trong tháng 2.

Trước đó, dữ liệu lạm phát Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố hôm 12/4 ở mức 5% so với cùng kỳ vào tháng 3, giảm từ mức 6% trong tháng 2. Lạm phát cơ bản - ngoại trừ giá lương thực và năng lượng - đã tăng từ mức 5,5% trong tháng 2, lên mức 5,6%, trong tháng 3.

Trong khi đó, số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tăng so với dự kiến vào tuần trước, một dấu hiệu nữa cho thấy thị trường lao động đang suy yếu do chi phí vay cao hơn làm giảm nhu cầu trong nền kinh tế.

Dữ liệu kinh tế quan trọng tiếp theo của Mỹ sẽ là doanh số bán lẻ, sẽ được công bố vào ngày 14/4 (tối nay, giờ Việt Nam), cho thấy mức độ ảnh hưởng của lạm phát đến chi tiêu của người tiêu dùng.

Chỉ số DXY có thời điểm giảm xuống 100,84, mức thấp nhất kể từ ngày 2/2. Trong khi đó, đồng Euro đạt 1,10680 USD, mức cao nhất kể từ đầu tháng.

Thu Thủy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán