Để thống nhất triển khai Thông tư 41, NHNN tổng hợp, trả lời câu hỏi của các TCTD liên quan đến quy định tại Thông tư 41 và đăng tải lên cổng thông tin điện tử NHNN www.sbv.gov.vn để NHNN chi nhánh các tỉnh, TP, các TCTD truy cập nghiên cứu và triển khai thực hiện.
Những câu hỏi của các TCTD trải dài từ phần quy định chung đến rủi ro tín dụng, rủi ro tín dụng đối tác, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động… Trong đó, phần lớn các câu hỏi tập trung vào phần rủi ro tín dụng với 38 câu hỏi, các phần quy định chung có 6 câu hỏi, , phần rủi ro tín dụng đối tác có 12 câu hỏi, phần rủi ro thị trường có 10 câu hỏi, phần rủi ro hoạt động có 4 câu hỏi.
Một số nội dung trả lời được đăng tải trên website NHNN:
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Thông tư 41, các khoản: (i) Tiền ký quỹ (ví dụ khi ngân hàng phát hành L/C); (ii) ố dư tiền gửi không kỳ hạn bị phong tỏa của khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân; (iii) Số dư tiền gửi không kỳ hạn của định chế tài chính, khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân tại ngân hàng; (iv) Hợp đồng tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp tại ngân hàng được coi là tài sản bảo đảm dùng để giảm thiểu rủi ro tín dụng khi đáp ứng các quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 41; theo đó, các tài sản bảo đảm đó phải tuân thủ đúng quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Khoản 9 Điều 9 Thông tư 41 quy định việc sử dụng BCTC để xác định các chỉ tiêu doanh thu, tỷ lệ đòn bẩy... làm căn cứ xác định hệ số rủi ro. Việc cung cấp BCTC của doanh nghiệp thực hiện theo yêu cầu, thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng. Trường hợp doanh nghiệp không cung cấp BCTC đúng theo yêu cầu, thỏa thuận thì các TCTD thận trọng áp dụng hệ số rủi ro 200%.
Hạn mức tín dụng chưa sử dụng (hạn mức bảo lãnh, hạn mức thẻ tín dụng,…) phải được quy đổi thành giá trị tài sản Có nội bảng tương ứng và áp dụng hệ số rủi ro tương tự như quy định đối với tài sản có nội bảng khi tính tỷ lệ an toàn vốn. Trường hợp nhiều ngân hàng cùng cấp hạn mức cho một khách hàng, mỗi ngân hàng phải tính tỷ lệ an toàn vốn cho hạn mức đã cấp cho khách hàng (Điều 10 Thông tư 41).
Trường hợp các TCTD sử dụng biện pháp giảm thiểu rủi ro bằng tài sản bảo đảm thì thời hạn của biện pháp giảm thiểu rủi ro là thời hạn của tài sản bảo đảm. Đối với biện pháp giảm thiểu rủi ro bằng bù trừ số dư nội bảng thì thời hạn của biện pháp giảm thiểu rủi ro là thời hạn theo thỏa thuận bù trừ giữa ngân hàng và khách hàng.
Khách hàng vay vốn là pháp nhân không chỉ thực hiện một dự án được hình thành từ nguồn cấp tín dụng mà thực hiện nhiều dự án đều được hình thành từ nguồn cấp tín dụng và mỗi dự án trong đó đáp ứng các tiêu chí nêu tại khoản 12 Điều 2 Thông tư 41 thì thuộc trường hợp theo khoản 12 Điều 2 Thông tư 41.
Trường hợp khách hàng trong thời gian hoàn thiện pháp lý để triển khai hoạt động có thu nhập từ hoạt động cho thuê đất, lãi ngân hàng từ nguồn vốn chưa đầu tư… không được coi là có hoạt động kinh doanh khác. Thời điểm xác định “pháp nhân được thành lập chỉ để thực hiện dự án, khai thác máy móc thiết bị, kinh doanh hàng hóa…” là khi phát sinh khoản vay tại các TCTD.
Khoản cấp tín dụng chuyên biệt phải được bảo đảm toàn bộ bằng dự án, máy móc thiết bị, hàng hóa được hình thành từ nguồn vốn cấp tín dụng. Ngoài ra, khách hàng có thể thế chấp thêm các tài sản khác như cổ phần/bảo lãnh của các cổ đông tại công ty chủ đầu tư, cổ phiếu, bảo lãnh trả nợ thay của bên thứ 3…
Để đáp ứng tiêu chí khoản cấp tín dụng chuyên biệt, toàn bộ nguồn tiền trả nợ là nguồn tiền hình thành từ việc kinh doanh, khai thác dự án, máy móc, thiết bị và hàng hóa đó. Để được coi là khoản cho vay chuyên biệt trong hợp đồng tín dụng đồng tài trợ, ngoài việc khách hàng vay phải đáp ứng các tiêu chí quy định tại điểm a, b khoản 12 Điều 2 Thông tư 41, các TCTD tham gia đồng tài trợ tự thỏa thuận nội dung kiểm soát theo hợp đồng tín dụng nhưng phải đảm bảo tuân thủ các yêu cầu quy định tại điểm c khoản 12 Điều 2 Thông tư 41.
Bùi Trang
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|