Ngân hàng Nhà nước đề nghị sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền

(Banker.vn) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung đặc biệt là các tội phạm nguồn như tham nhũng, buôn lậu, lừa đảo… và tội phạm rửa tiền nói riêng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Luật Phòng, chống rửa tiền (Luật PCRT) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013, là văn bản pháp lý cao nhất về lĩnh vực phòng chống rửa tiền, quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền.

Cùng với các quy định của Bộ luật Hình sự 2009 (đã được thay thế bằng Bộ luật Hình sự 2015), Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013 và các văn bản hướng dẫn đã tạo lập hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, đầy đủ về lĩnh vực phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, giúp công tác PCRT, tài trợ khủng bố thực sự đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đây là cơ sở để Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) ghi nhận Việt Nam đã có những nỗ lực trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về PCRT, tài trợ khủng bố nhằm đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và đưa Việt Nam ra khỏi quy trình rà soát của FATF vào tháng 02/2014.

Tuy nhiên, qua hơn 8 năm triển khai, Luật PCRT và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ một số hạn chế, chưa đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế mới và yêu cầu thực tiễn, đặt ra yêu cầu phải rà soát, tổng kết và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật PCRT.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, sự phát triển của khoa học, công nghệ cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dẫn đến sự ra đời của nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ mới như: Các loại hình dịch vụ kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo, cho vay ngang hàng,.. Các sản phẩm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị tội phạm nói chung và tội phạm rửa tiền nói riêng lạm dụng để thực hiện các hành vi phạm tội.

Mặt khác, các giao dịch tài chính đa dạng, đan xen và mức độ tinh vi, phức tạp, thủ thuật rửa tiền ngày càng trở nên kín kẽ, phức tạp hơn … càng khiến cho khó kiểm soát hoạt động rửa tiền, trong khi các quy định pháp luật thường không theo kịp với thực tiễn.

Chuẩn mực quốc tế về PCRT kêu gọi các quốc gia đặc biệt lưu ý về các rủi ro rửa tiền có thể mang lại với những sản phẩm liên quan đến công nghệ mới và những sản phẩm đặc thù xuất hiện trong bối cảnh cụ thể của từng quốc gia.

Do vậy, NHNN cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật PCRT (sửa đổi) nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ và hiệu quả cho hoạt động PCRT, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung đặc biệt là các tội phạm nguồn như tham nhũng, buôn lậu, lừa đảo… và tội phạm rửa tiền nói riêng; tăng cường vị thế của Việt Nam trong mối quan hệ với quốc gia, đối tác nước ngoài; tránh bị áp đặt các biện pháp trừng phạt, kiểm soát và bị hạn chế trong các giao dịch tài chính, ngân hàng; xây dựng hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phù hợp với các cam kết quốc tế, chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền.

Bên cạnh đó, việc ban hành Luật PCRT (sửa đổi) nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể gồm: Khắc phục những bất cập nội tại của Luật PCRT 2012; đáp ứng những yêu cầu mới phát sinh trong công tác PCRT; phù hợp với chuẩn mực, khuyến nghị quốc tế về PCRT; qua đó, tránh được các hậu quả phát sinh trong trường hợp đối với quốc gia được coi là có khuyết thiếu nghiêm trọng về cơ chế PCRT; Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm rửa tiền nói riêng; tăng cường hợp tác quốc tế về PCRT.

Độc giả có thể xem toàn văn hồ sơ đề nghị và góp ý tại đây.

PV

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo: