Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng

(Banker.vn) Trong cuộc trò chuyện đầu năm với Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ xung quanh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, hoạt động ngân hàng…, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, thích ứng kịp thời với diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế.

Điều hành lãi suất hợp lý, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới để ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, đảm bảo thanh khoản và an toàn hệ thống ngân hàng.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Phóng viên: Để giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, năm qua ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt; tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất, triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%…. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về những đóng góp của ngành Ngân hàng trong quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Những kết quả trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19 có đóng góp rất lớn, trực tiếp của ngành Ngân hàng. Ngành Ngân hàng đã chủ động, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ trọng tâm góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô  kiểm soát lạm phát; ổn định thị trường tiền tệ  ngoại hối cơ bản ổn định; đảm bảo thanh khoản và an toàn hệ thống; tăng trưởng tín dụng an toàn hiệu quả, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp. Tính đến ngày 26/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm.

Ngành Ngân hàng cũng đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất

Ngành Ngân hàng cũng đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất Tham gia triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại một số tỉnh như TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hưng Yên. Hỗ trợ người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, trong đó tập trung vào khách hàng mua nhà để ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà thương mại giá rẻ đáp ứng nhu cầu thực của người dân. Các chính sách hoãn giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ… đã được thực hiện.

Các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện quyết liệt, góp phần hỗ trợ nâng cao đời sống, thu nhập của các đối tượng chính sách.

Phóng viên: Trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng cao, áp lực lên tỷ giá USD/VND tăng mạnh, năm 2022, NHNN liên tục có những biện pháp điều hành để ổn định thị trường. Thứ trưởng nhận định như thế nào về sự chủ động và linh hoạt của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá trong năm qua?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Từ đầu năm 2022 (đặc biệt là từ giai đoạn tháng 3), lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu áp lực lớn từ những biến động rất mạnh trên thị trường quốc tế. Cân đối cung - cầu ngoại tệ trong nước khó khăn. Giá cả hàng hóa, lạm phát toàn cầu tăng và giữ ở mức cao. Ngân  hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và nhiều ngân hàng trung ương đã liên tục điều chỉnh nhanh, mạnh lãi suất điều hành. USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.

Ngành Ngân hàng đã chủ động, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ trọng tâm góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô  kiểm soát lạm phát; ổn định thị trường tiền tệ  ngoại hối cơ bản ổn định; đảm bảo thanh khoản và an toàn hệ thống; tăng trưởng tín dụng an toàn hiệu quả, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp.

- Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - 

NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, thích ứng kịp thời với diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế. Điều hành lãi suất hợp lý, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới để ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, đảm bảo thanh khoản và an toàn hệ thống ngân hàng. Điều hành tỷ giá theo hướng từng bước tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ cú sốc bên ngoài. Thực hiện linh hoạt các biện pháp can thiệp, sẵn sàng bán can thiệp lượng lớn ngoại tệ, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ (lãi suất, thanh khoản VND) để đáp ứng các nhu cầu thanh khoản, bình ổn thị trường, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh… tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế bền vững. Đến nay, tỷ giá USD/VND diễn biến tương đối ổn định so với nhiều đồng tiền khác trong khu vực.

Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thành công mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát như Quốc hội đã đề ra, nhất là khi nền kinh tế nước ta quy mô còn khiêm tốn nhưng có độ mở lớn (khoảng 200% GDP), sức chống chịu và khả năng thích ứng trước những cú sốc còn hạn chế. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, bảo đảm nhu cầu ngoại tệ trong nước, tiếp tục củng cố niềm tin thị trường, tránh áp lực dịch chuyển dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam. 

Phóng viên: Với những diễn biến năm 2022 và những dự cảm cho năm 2023, Thứ trưởng có những dự báo như thế nào về những thách thức kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt trong năm 2023? 

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, rất phức tạp và khó lường. Tăng trưởng thế giới và nhiều nền kinh tế lớn suy giảm. Rủi ro, thách thức, bất ổn toàn cầu liên tục gia tăng. Sản xuất suy giảm, lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài tại nhiều quốc gia. USD tăng giá, đồng tiền của nhiều quốc gia tiếp tục mất giá. Rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, bất động sản, an ninh năng lượng, lương thực trên thị trường thế giới gia tăng. Căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược nước lớn gay gắt hơn. Xung đột Nga - Ukraine kéo dài và thiên tai, biến đổi khí hậu... tiếp tục là vấn đề cần quan tâm.

Trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi nhưng phải đối mặt với ngày càng nhiều khó khăn, thách thức, nhất là áp lực lạm phát từ bên ngoài và từ việc điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn. Chưa kể diễn biến bất thường của thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, an ninh nguồn nước… Áp lực, rủi ro đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, công tác điều hành vĩ mô ngày càng lớn, sẽ tác động đến tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực trong cuối năm 2022 và năm 2023.

Mặc dù vậy, nhiều tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB,… cũng như các chuyên gia, doanh nghiệp vẫn có những đánh giá lạc quan, tích cực về triển vọng tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, hệ thống ngân hàng, thị trường tiền tệ của Việt Nam trong năm 2023.  

Phóng viên: Với ngành Ngân hàng thì sao? Thứ trưởng có những nhận định gì về những khó khăn, thách thức nào mà ngành Ngành Ngân hàng sẽ phải đối mặt trong năm 2023?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Năm 2023 dự báo ngành Ngân hàng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, áp lực, vừa do tình kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, vừa do những vấn đề của thị trường tài chính, tiền tệ trong thời gian gần đây, cụ thể:

Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, nhất là việc đảm bảo an toàn hệ thống, duy trì ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối, giảm lãi suất cho vay, quản lý nợ xấu, ổn định tâm lý, niềm tin của thị trường, bên cạnh đó phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ bên ngoài: tình hình thế giới diễn biến nhanh, khó lường; lạm phát, xăng dầu, hàng hóa tăng cao ở nhiều nước; chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất tăng cao; nhiều đồng tiền mất giá mạnh…

Thứ hai, dòng tiền, thanh khoản của hệ thống tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng nhỏ gặp khó khăn do những vấn đề xảy ra gần đây tại một số ngân hàng thương mại cổ phần đã tác động rất mạnh tới tâm lý và niềm tin của người dân và các tổ chức kinh tế, kéo theo sự chuyển dịch tiền gửi giữa các ngân hàng.

Thứ ba, trong bối cảnh các kênh huy động vốn khác như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, vốn đầu tư để sản xuất, kinh doanh phụ thuộc chủ yếu từ hệ thống ngân hàng, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động của cả hệ thống ở mức rất cao. Những bất cập trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán chưa được tháo gỡ, xử lý dứt điểm cũng sẽ tạo sức ép lên tín dụng ngân hàng khi dư địa điều hành chính sách tiền tệ ngày càng hạn hẹp trong điều kiện rủi ro lạm phát gia tăng, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động của cả hệ thống đã ở mức cao.

Hệ thống ngân hàng đóng vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, có mối quan hệ mật thiết, trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của doanh nghiệp, người dân. Để nền kinh tế ổn định, cần hệ thống ngân hàng phải ổn định, phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả. Trong điều kiện, bối cảnh phức tạp, khó lường, bất định như hiện nay, từ góc độ điều hành chính sách vĩ mô, NHNN cần thể hiện vai trò ổn định và bảo đảm an toàn hệ thống, kiểm soát lạm phát, tập trung vào một số vấn đề sau:

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, lãi suất phù hợp, đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và tình hình thị trường; xây dựng, đề xuất giải pháp điều hành phù hợp, cảnh báo rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống. Tiếp tục chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, đặc biệt là của các ngành kinh tế trọng yếu, hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là kinh doanh bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động cấp tín dụng, việc phát hành, mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD; các quy định về an toàn hoạt động tín dụng, thường xuyên cảnh báo, chấn chỉnh TCTD đối với hoạt động này nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD. Đảm bảo ổn định tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước, doanh nghiệp, người dân.

Phóng viên: Nhân dịp đầu Xuân, Thứ trưởng có chia sẻ gì giúp hệ thống tài chính ngân hàng nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu và rộng như hiện nay?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Bối cảnh quốc tế hiện nay đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội. Việc nâng cao sức cạnh tranh, tận dụng mọi cơ hội, có ý nghĩa quan trọng, giúp các nước đang phát triển như Việt Nam có thể rút ngắn khoảng cách phát triển kinh tế với các quốc gia tiên tiến. Đảng, Nhà nước đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước.

Riêng đối với ngành Ngân hàng, NHNN đã tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách, bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn và từng bước áp dụng các chuẩn mực quốc tế; chú trọng, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách hành chính, triển khai các giải pháp nhằm cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín  dụng, nâng cao xếp hạng chỉ số tín dụng. Đẩy mạnh quá trình hội nhập khu vực và quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ. Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cũng đã được ban hành, là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của ngành Ngân hàng.

Hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam cũng cần phát huy tính chủ động, linh hoạt, phát huy nguồn lực nội tại của mình gắn với tận dụng hiệu quả các chính sách nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn lực khác, từ đó tăng cường năng lực quản trị, điều hành, năng lực tài chính, bảo đảm an toàn hệ thống; chú trọng đầu tư nhiều hơn cho ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản phẩm và dịch vụ ngân hàng hiện đại, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và người dân, phục vụ phát triển. 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng! 

Linh Ly (thực hiện) -

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục