Ngân hàng nào 'nói không' với cổ tức trong năm 2022?

(Banker.vn) Trong mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 ghi nhận nhiều ngân hàng đã công bố kế hoạch chi trả cổ tức “khủng”. Tuy vậy, vẫn còn đó không ít nhà băng liên tục nói không về vấn đề này.

Một trong những vấn đề được cổ đông Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – STB) quan tâm và đặt câu hỏi chất vấn tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022 diễn ra ngày 22/4 vừa qua là vì sao Ngân hàng chưa chia cổ tức?

Cụ thể, cổ đông Sacombank đã không được nhận cổ tức trong liên tục trong 6 năm qua. Đến năm 2022, Sacombank tiếp tục đề xuất giữ lại lợi nhuận lũy kế 8.982 tỷ đồng.

“Theo năm tháng, Ngân hàng lớn mạnh hay ốm yếu, tôi đều đồng hành, nhưng nhiều năm qua không nhận được đồng cổ tức nào, trong khi nhiều ngân hàng khác chia ở mức cao”, một cổ đông lâu năm của Sacombank bức xúc nói.

Trước bức xúc của cổ đông vì nhiều năm không được nhận cổ tức, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, ngân hàng cần tập trung mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng.

Lãnh đạo Sacombank cho biết, lợi nhuận hợp nhất giữ lại đến cuối 2021 là gần 9.000 tỷ đồng, tương ứng gần bằng 50% vốn điều lệ của Sacombank. Đây là số tiền có thể dùng để chia cổ tức cho cổ đông.

Tuy nhiên, do hiện tại Sacombank đang thực hiện đề án nên việc chia cổ tức phải chờ sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Từ năm 2019 tới nay Sacombank vẫn liên tục trình phương án sử dụng lợi nhuận để chia cổ tức cho cổ đông nhưng vẫn phải chờ sự chấp thuận từ NHNN.

Tại Đại hôi của Sacombank, một điều khá bất ngờ là việc mỗi cổ đông tham dự trực tiếp tại TP HCM, ngân hàng sẽ tặng 1 miếng vàng Thần Tài May Mắn - Phát Tài Phát Lộc có khối lượng 0,5 chỉ. Quà tặng được gửi đến tất cả cổ đông kể cả các cổ đông nhỏ tham dự đại hội hôm nay.

Đây dừng như là động thái xoa dịu bức xúc của cổ đông Sacombank khi nhiều năm không chia cổ tức, cùng với việc cổ phiếu STB của ngân hàng liên lục đi xuống từ hồi đầu năm tới nay.

Cổ phiếu STB của Sacombank "lao dốc" khoảng 30% so với mức đỉnh hồi tháng 2

Diễn biến giá cổ phiếu STB

Một ngân hàng nữa cũng ‘nói không’ với cổ tức trong nhiều năm qua. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – TCB) cho biết sẽ tiếp tục giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh. Đây là năm thứ 11 ngân hàng này không chia cổ tức bằng tiền mặt và là năm thứ tư liên tiếp không chia cổ tức.

Trả lời thắc mắc của cổ đông, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu thời điểm này là không cần thiết. Trước đó, năm 2018 Techcombank cũng đã chia tới 200%.

"Giá trị doanh nghiệp vẫn vậy, chia cổ tức bằng cổ phiếu thì sẽ bị pha loãng, thị giá điều chỉnh. Nhiều người nghĩ chia xong thì giá cổ phiếu tăng, nhưng không phải vậy. Tại sao không nghĩ giá cổ phiếu có thể tiếp tục tăng lên 100.000-200.000 đồng/cp. Thậm chí, cổ đông còn phải trả 5% thu nhập cá nhân khi nhận được cổ tức bằng cổ phiếu. Tôi cho rằng như vậy không có lợi cho ngân hàng và cổ đông lúc này", ông Hồ Hùng Anh nói tại ĐHĐCĐ thường niên 2022.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – EIB) cũng là một trong những nhà băng liên tục không chia cổ tức trong những năm qua do phải xử lý trái phiếu VAMC và liên tục không tổ chức được đại hội cổ đông.

Bên cạnh các ''ông lớn'', Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank – PGB) là ngân hàng không tiến hành chia cổ tức trong cả thập niên qua. Tại tờ trình phục vụ đại hội năm nay, ngân hàng này tiếp tục không có kế hoạch chi trả cổ tức cho cổ đông. Nếu không có thay đổi, đây sẽ là năm thứ 10 liên tiếp PG Bank không chia cổ tức.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) cũng không đề cập đến vấn đề chia cổ tức trong tờ trình ĐHĐCĐ năm 2022. Như vậy, nhiều khả năng Saigonbank sẽ bước sang năm thứ 5 liên tiếp không trả cổ tức. Lần phân phối lợi nhuận gần nhất cho cổ đông là đợt chia cổ tức năm 2016 với tỷ lệ 4%.

Theo cập nhật, VPBank là ngân hàng trả cổ tức, thưởng cho cổ đông cao nhất năm 2022 với tỷ lệ 50% bằng cổ phiếu. Tiếp sau đó là VIB (35%), MSB (30%), OCB (30%), Nam A Bank (29%), HDBank (25%), ACB (25%).

Hoàng Hà

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán