Ngân hàng MSB “thanh lý” tàu VTB ACE tỉnh Quảng Ninh với giá 100 tỷ đồng

(Banker.vn) Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB – Mã: MSB) thông báo chào bán tài sản là tàu VTB ACE tại vùng nước bãi neo Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh.

Cụ thể, tàu biển mang tên VTB ACE, số IMO là 9143049. Đây là loại tàu chở hàng rời, tổng công suất máy chính là 7320 HP được đóng năm 1996 tại Nhật Bản. Tàu có trọng tải toàn phần là 24157.00 MT, tổng dung tích 15354 GT, Cờ PANAMA.

Ngân hàng MSB “thanh lý” tàu VTB ACE tỉnh Quảng Ninh với giá 100 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB – Mã: MSB)

Giá chào bán là 100 tỷ đồng, hoặc tiền USD tương đương theo tỷ giá quy đổi của MSB tại ngày ghi trên thư chào thầu (bao gồm thuế GTGT).

Đây là mức giá khởi điểm, chưa bao gồm các loại thuế, phí liên quan đến việc chuyển nhượng và giá trị nguyên liệu, vật tư khai thác trên tàu tại thời điểm bàn giao (nếu có).

Theo MSB, khách mua tàu sẽ phải mua lại toàn bộ lượng dầu tồn, nhiên liệu trên tàu VTB ACE tại ngày bàn giao tàu, căn cứ xác định lượng dầu tồn trên tàu VTB ACE dựa trên kết quả của công ty giám định dầu do hai bên thỏa thuận lựa chọn, đơn giá mua lượng dầu tồn sẽ được MSB và khách mua thỏa thuận.

Đối với khách mua tàu là cá nhân, tổ chức quốc tế, đồng tiền thanh toán là USD. Tỷ giá quy đổi là tỷ giá USD của MSB tại ngày ký hợp đồng, đồng thời không vi phạm các điều kiện cấm giao dịch theo quy định của MSB và pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, đối với khách chào mua trong nước, bên chào mua tài sản phải thực hiện nộp ký quỹ chào mua số tiền là 15 tỷ đồng.

Đối với khách chào mua là cá nhân, tổ chức quốc tế/hoặc đại lý được cá nhân, tổ chức quốc tế chỉ định chào mua tàu VTB ACE, ngân hàng không yêu cầu thực hiện đặt trước số tiền ký quỹ chào mua.

Về MSB, kết thúc quý III/2022 vừa qua, tổng tài sản Ngân hàng đạt trên 194.000 tỷ đồng. Cho vay khách hàng ghi nhận hơn 112.100 tỷ đồng, tăng 14% so với quý 3/2021.

Lũy kế 9 tháng, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó thu nhập lãi thuần đạt hơn 6.200 tỷ đồng, tăng 38% so với 9 tháng năm 2021.

Tổng thu nhập từ các hoạt động cốt lõi khác như hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư đạt hơn 2.500 tỷ, chiếm đến 32% tổng thu nhập hoạt động.

Đáng chú ý, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối lũy kế đạt gần 889 tỷ đồng, tăng 215% so với cùng kỳ năm trước; lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư lũy kế đạt 813 tỷ đồng, tăng trưởng 346% so với 2021.

Lợi nhuận trước thuế quý III của ngân hàng đạt 1.489 tỷ đồng, tăng 47,4% so với quý III/2021. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng cán mốc 4.824 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021, thực hiện hơn 70% kế hoạch năm đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Theo đại diện MSB, kết quả trên có được dựa vào chiến lược đa dạng nguồn thu của ngân hàng, nhằm giảm thiểu các biến động lãi suất của thị trường và đảm bảo tăng trưởng ổn định.

Thêm vào đó, việc đẩy mạnh số hóa và ra mắt nhiều sản phẩm dịch vụ thuận ích, kết hợp nền tảng khách hàng gắn kết lâu dài và cơ cấu tài sản sinh lời hiệu quả, tỷ lệ CASA/tổng tiền gửi có sự cải thiện mạnh mẽ, đạt 38,25%. Một trong những nguyên nhân khiến CASA của MSB tiếp tục ở nhóm dẫn đầu ngành là nhờ ngân hàng có nhiều sản phẩm – dịch vụ có hàm lượng số hóa cao. Tính đến hết tháng 9/2022, MSB phục vụ hơn 3,5 triệu khách hàng cá nhân và gần 70.000 khách hàng doanh nghiệp.

Bên cạnh việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh, MSB cũng đẩy mạnh kiểm soát rủi ro và tối ưu chi phí. Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/NHNN ở mức 1,08%, tiếp tục cải thiện so với mức 1,1% tại thời điểm 30/6/2022, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt mức cao, khoảng 95,7%.

Một số chỉ tiêu tài chính khác của MSB cũng đang duy trì ở mức tốt như: tỷ lệ CAR theo Thông Tư 41 đạt 12,5%; các hệ số thanh khoản khác như tỷ lệ cho vay/huy động vốn (LDR) đạt 74,3%; tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giữ mức 25,17%; chỉ số CIR ghi nhận 34,7%; biên lãi ròng (NIM) đạt 4,34%, cao nhất trong các năm gần đây.

Ánh Kim

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán