Ngân hàng mạnh tay cho vay mua ô tô: Con đường dẫn khách hàng tới nợ xấu?

(Banker.vn) Dịch bệnh bùng phát, kinh tế khó khăn, khiến thu nhập của nhiều người lao động giảm sút, thậm chí bị mất việc. Điều này ảnh hưởng gián tiếp đến những khách hàng vay mua ô tô trả góp...

Hiện, 5 ngân hàng chiếm thị phần lớn về cho vay mua ô tô là VIB, Shinhan Bank, Techcombank, VPBank và TPBank. Trong đó, TPBank và VIB là 2 nhà băng đang thanh lý nhiều tài sản bảo đảm là xe hơi nhất.

Thu hàng trăm chiếc nhưng bán được vài chục. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, xe ô tô bị siết nợ được ngân hàng rao bán với giá khá rẻ so với các sản phẩm tương tự đang được bán ngoài thị trường ngày càng tăng. Đặc biệt, với những ngân hàng chiếm thị phần lớn cho vay mua ô tô, trong “kho nợ xấu” luôn duy trì hàng trăm xe chờ thanh lý.

"Nổi bật" nhất là trường hợp của VIB. Hiện nay, trong "kho dự trữ chiến lược" về tài sản đảm bảo là ô tô mà ngân hàng thanh lý đang có tới hàng trăm chiếc xe với đầy đủ mẫu mã, kiểu loại và thương hiệu khác nhau từ bình dân tới cao cấp.

Trong số đó, chiếm số lượng nhiều nhất phải kể tới: Toyota Vios, Hyundai i10, Ford Ranger, Mazda 3, Kia Morning hay Ford Transit. Ngoài ra, một vài mẫu xe sang thanh lý cũng góp mặt như: Peugeot 3008 đời 2018 hay Mercedes-Benz C300 đời 2017...

Chiếc Chevrolet Spark đời 2016 đi được 192.182 km có giá thanh lý 180 triệu đồng, trong khi giá thị trường theo VIB là 250 triệu đồng.

Hay như chiếc đời 2017 giá 199 triệu đồng, xe đời 2018 chỉ mới đi chưa đến 80.000 km có giá 230 triệu đồng.

Một loạt ngân hàng khác cũng có từ vài chục đến hàng trăm chiếc ô tô đấu giá như TPBank, NCB, Sacombank… góp mặt làm “xôm tụ” thị trường.

Xe thanh lý là tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu ngày càng tăng, song phụ trách quản lý tài sản nợ đã thu hồi của một ngân hàng tại Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, số ô tô thu hồi của khách hàng tăng nhanh, thu cả hàng trăm chiếc nhưng rao bán thì chẳng được bao nhiêu, càng để càng hư hại.

Thanh khoản sẽ tăng khi có sàn giao dịch nợ. Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến nợ xấu cho vay tiêu dùng tăng là do các ngân hàng thời gian qua mạnh tay rót vốn cho vay mua ô tô trả góp với lãi suất cho vay khá ưu đãi cố định trong thời gian đầu như 3 tháng đầu, 6 tháng đầu, 9 tháng đầu, 12 tháng đầu...

Khảo sát cho thấy, mức lãi suất cố định ban đầu mà nhiều ngân hàng đang áp dụng hiện dao động trong khoảng từ 6,99 - 11%/năm, tuỳ thời hạn vay.

Ví dụ, lãi suất cho vay mua xe tại VIB hiện nay từ 7,4%/năm, thời hạn tối đa 8 năm với hạn mức cho vay tối đa 80% giá trị xe. Đối với lãi suất cho vay mua xe cũ từ 7,9%/năm với hạn mức tối đa 75% giá trị xe, thời hạn cao nhất tới 6 năm.

Tương tự, TPBank cho vay mua xe ô tô với lãi suất ưu đãi 7,8%/năm. Khách hàng sẽ được áp dụng hạn mức vay lên tới 75% giá trị xe.

Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát, kinh tế khó khăn, khiến thu nhập của nhiều người lao động giảm sút, thậm chí bị mất việc. Điều này ảnh hưởng gián tiếp đến những khách hàng vay mua ô tô trả góp. Nhiều người không đủ khả năng trả lãi và nợ gốc mỗi tháng, vì vậy khoản nợ đã chuyển sang nợ xấu. “Những ngân hàng nào có dư nợ cho vay mua ô tô lớn trên thị trường sẽ có nguy cơ nợ xấu ở mảng này cao”, một chuyên gia nói.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, thanh lý nợ xấu ngày càng ảm đạm thì việc thành lập thị trường mua bán nợ ngày càng trở nên cấp bách.

Mới đây, Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, đơn vị đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để chính thức khai trương hoạt động của Sàn giao dịch nợ. Dự kiến, khoảng quý III/2021, Sàn giao dịch nợ VAMC sẽ ra đời.

Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc VAMC cho biết, hoạt động trọng tâm của Sàn giao dịch nợ VAMC là cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản của các tổ chức, cá nhân thông qua việc sử dụng các kiến thức chuyên môn để phát hiện vấn đề, đề xuất các giải pháp liên quan đến hoạt động mua, bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và làm trung gian, dàn xếp việc mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu giữa các bên.

Linh Đan

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam 

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục