Ngân hàng đẩy nhanh triển khai gói hỗ trợ lãi suất đảm bảo tiêu chí công khai và minh bạch

(Banker.vn) Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước là một giải pháp trong nhiều giải pháp mà ngành Ngân hàng triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, một trong những nguyên tắc hỗ trợ lãi suất là không hạ chuẩn cho vay, doanh nghiệp khi vay phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật.

Đó là những khẳng định của ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, khi chia sẻ cùng báo chí vào sáng ngày 2/6. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quốc hùng các ngân hàng đang tích cực vào cuộc, triển khai nhanh Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN.

Các ngân hàng khẩn trương rà soát, đăng ký kế hoạch hỗ trợ

Cụ thể, Nghị định 31/2022/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Cùng ngày, Thông tư 03/2022/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước ban hành hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết: "Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% là một giải pháp trong nhiều giải pháp mà ngành Ngân hàng triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, góp phần kích thích cả phía cung và cầu, tạo nền tảng để tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ theo hướng bền vững hơn".

Theo Thông tư 03/2022/TT-NHNN, ngân hàng thương mại (NHTM) lựa chọn thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng theo một trong hai phương thức là giảm trừ trực tiếp số lãi tiền vay phải trả của khách hàng bằng với số tiền vay được hỗ trợ lãi suất; hoặc ngân hàng có thể thực hiện thu của khách hàng toàn bộ lãi tiền vay trong kỳ và hoàn trả khách hàng số tiền lãi vay được hỗ trợ lãi suất trong cùng ngày thu lãi.

Về xác định hạn mức hỗ trợ lãi suất, các NHTM đăng ký kế hoạch hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước cho cả 2 năm 2022 và 2023. Trường hợp tổng số tiền hỗ trợ lãi suất theo đăng ký kế hoạch của các NHTM trong 2 năm 2022 và 2023 nhỏ hơn hoặc bằng 40.000 tỷ đồng, NHNN xác định hạn mức hỗ trợ lãi suất đối với từng ngân hàng thương mại theo đăng ký. Trường hợp tổng số tiền hỗ trợ lãi suất theo đăng ký kế hoạch của các NHTM trong 2 năm 2022 và 2023 lớn hơn 40.000 tỷ đồng, NHNN xác định hạn mức hỗ trợ lãi suất đối với từng NHTM.

Chia sẻ về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% tại các NHTM, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết "Thực tế cũng có những băn khoăn về rủi ro trong việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất này. Cần phải khẳng định hoạt động ngân hàng luôn có rủi ro nhưng hỗ trợ lãi suất có rủi ro khác là rủi ro cho cán bộ tín dụng trong việc xác định sai đối tượng. Đây là điều các ngân hàng rất quan ngại. Tuy nhiên, khi Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức quán triệt Thông tư 03/2022/TT-NHNN, thực hiện nghị quyết của Chính phủ thì các ngân hàng quyết tâm thể hiện rõ phương án triển khai gói hỗ trợ.

Để tránh rủi ro cho các TCTD khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có thông tư hướng dẫn hạch toán, về phần hỗ trợ lãi suất, thông thoáng hơn so với trước, tạo điều kiện cho ngân hàng triển khai được".

Được biết, BIDV đã cam kết sẽ triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất với chất lượng cao nhất, tiên phong thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho mọi khách hàng đáp ứng điều kiện theo quy định. Hiện ban lãnh đạo ngân hàng đang chỉ đạo tập trung rà soát toàn hệ thống, để xác định chính xác và đầy đủ số lượng khách hàng, khoản vay trong cả hai năm.

Agribank cũng đang khẩn trương rà soát lại đăng ký kế hoạch hỗ trợ, đồng thời công khai, minh bạch đến khách hàng thuộc đối tượng và không thuộc đối tượng, đặc biệt rà soát ngay các khoản đã ký thoả thuận và giải ngân từ ngày 1/1/2022 đến ngày 20/5 ký thoả thuận bổ sung trong tháng 5/2022.

Đến thời điểm này, VietinBank đã lên sơ bộ danh sách, dự thảo các văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ lãi suất được thông suốt trong hệ thống. Theo thống kê, dư nợ tín dụng của các nhóm ngành được thụ hưởng lãi suất ưu đãi từ chương trình trong năm 2022 – 2023 chiếm khoảng 30% dư nợ của ngân hàng.

Các ngân hàng khác đều đang nghiên cứu kỹ để tổ chức triển khai tại hệ thống, đảm bảo chương trình được thực hiện công khai, minh bạch…

Hỗ trợ lãi suất trên cơ sở không hạ chuẩn cho vay

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng thì một trong những nguyên tắc hỗ trợ lãi suất là không hạ chuẩn cho vay. Chỉ khi nào doanh nghiệp đáp ứng ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật mới được tiếp cận nguồn vốn này. Để hạn chế rủi các ngân hàng phải thẩm định đánh giá hiệu quả dự án chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật. Như chúng ta biết, hoạt động ngân hàng luôn có rủi ro song cho vay hỗ trợ lãi suất ngoài rủi ro chung cán bộ tín dụng đễ bị rủi ro về việc xác định sai đối tượng... Đây là điều các TCTD quan ngại song được Chính phủ, NHNN giao nhiệm vụ triển khai các TCTD đã thể hiện sự quyết tâm và xây dựng phương án triển khai, lên kế hoạch, danh mục đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này thể hiện rõ nhất tại Hội nghị triển khai Thông tư 03 về thực hiện Nghị quyết 31 của Chính phủ, các TCTD đã nêu rõ quan điểm và thống nhất triển khai với quyết tâm cao nhất".

Để triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất tại Hội nghị trực tuyến toàn Ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng các ngân hàng cũng đặt vấn đề tăng room tín dụng, bởi room tín dụng đã gần hết. Việc này cho thấy nền kinh tế khởi sắc sau dịch COVID-19, đang đà phát triển nên nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng lên. Nới room chắc chắn là cần thiết để các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn. Tuy nhiên, mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Do vậy, chủ trương nới room phải trên cơ sở phân tích, đánh giá thận trọng, linh hoạt nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời kiềm chế lạm phát trong bối cảnh vẫn chịu tác động bởi dịch COVID-19 và áp lực lạm phát là rất lớn.

TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết hiện các ngân hàng đều vào cuộc, rà soát, lên kế hoạch chi tiết để đăng ký gói hỗ trợ. Thời gian tới, căn cứ trên cơ sở đăng ký của các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ có kế hoạch phân bổ phù hợp, sao cho gói hỗ trợ được triển khai mang lại hiệu quả tích cực nhất đến với đúng các đối tượng theo quy định.

Nhóm P.V

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục