Ngân hàng dẫn đầu "cuộc đua" hút vốn từ trái phiếu

(Banker.vn) Nhu cầu mua trái phiếu từ các ngân hàng thương mại tăng đang giúp cho thị trường trái phiếu trở nên sôi động hơn. Ngân hàng hiện nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường về khối lượng phát hành từ đầu năm đến nay.

Số liệu thống kê từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa công bố cho biết, trong tháng 8/2021, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tổ chức 15 đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) với tổng giá trị gọi thầu đạt 38.750 tỷ đồng, tổng giá trị đặt thầu là 111.858 tỷ đồng, trong đó: giá trị trúng thầu đạt 29.702 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ trúng thầu đạt 76,7%.

2 kỳ hạn có khối lượng gọi thầu cao nhất trong tháng 8 vừa qua là kỳ hạn 10 năm và kỳ hạn 15 năm (lần lượt là 9.000  tỷ đồng và 17.000 tỷ đồng), tỷ lệ trúng thầu lần lượt đạt 89,6% (kỳ hạn 10 năm) và 82,2% (kỳ hạn 15 năm). Lãi suất trúng thầu ở tất cả các kỳ hạn đều giảm so với tháng trước.


Tính từ đầu năm đến nay, tổng khối lượng TPCP bảo lãnh đã phát hành đạt 11.024 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch phát hành (theo QĐ số 945/QĐ-TTg ngày 15/06/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Các đợt phát hành này đều là của Ngân hàng Chính sách xã hội với các kỳ hạn 10 năm (7.400 tỷ đồng) và kỳ hạn 15 năm (3.624 tỷ đồng). Khối lượng phát hành tối đa của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo kế hoạch phát hành TPCP bảo lãnh năm 2021 là 17.156 tỷ đồng (căn cứ Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày10/08/2021 của Thủ tướng Chính phủ).Trong tháng 8/2021, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã tiến hành gọi thầu 9.124 tỷ đồng TPCP bảo lãnh qua 5 phiên đấu thầu, tỷ lệ đặt thầu/gọi thầu đạt 261,4%. Trong đó, khối lượng trúng thầu đạt 6.524 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ trúng thầu 71,5%) ở 2 kỳ hạn 10 năm (3.400 tỷ đồng) và 15 năm (3.124 tỷ đồng). Tỷ lệ trúng thầu kỳ hạn 10 năm và 15 năm tương ứng là 85% và 61%. Lãi suất trúng thầu ở 2 kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt là 2,45% và 2,56%, cao hơn lần lượt 0,36% và 0,27% so với lãi suất trúng thầu TPCP cùng kỳ hạn.

Thanh khoản trên thị trường thứ cấp tiếp tục xu hướng giảm. Thống kê từ Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho thấy, tổng giao dịch thứ cấp trong tháng 8 đạt 181.446 tỷ đồng (-11,1% MoM), trong đó, tổng khối lượng giao dịch thông thường (Outright) và giao dịch mua bán lại (Repo) lần lượt là 132.828 tỷ đồng (+20,5% YoY) và 48.637 (-26,1% YoY). Giá trị giao dịch Outright tiếp tục chiếm tỷ trọng nhiều hơn, khoảng 73,2%.

Trong tháng 8 vừa qua, khối ngoại tiếp tục mua ròng với tổng giá trị là 769 tỷ đồng nhưng với khối lượng mua đã có dấu hiệu tích cực hơn (+15,1% MoM). Mua ròng được thực hiện ở giao dịch outright và tập trung chủ yếu kỳ hạn 5 và 10 năm.

KBSV cho biết, giao dịch của khối ngoại đã có xu hướng giảm dần trong những tháng gần do thị trường TPCP của Việt Nam không còn nhiều sức hấp dẫn đối với khối ngoại khi lợi suất TPCP của Việt Nam chỉ cao hơn Thái Lan và khoảng cách với Trung Quốc, Phillipines, Malaysia đã được nới rộng ra khá cao.


VBMA cho biết, lãi suất TPCP Việt Nam ở mức tương đối thấp trong khu vực. Khoảng cách giữa lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ từ đầu tháng 8 tới nay có xu hướng thu hẹp từ 0,03%-0,33% ở tất cả các kỳ hạn. Có những thời điểm, khoảng cách giữa lãi suất giao dịch TPCP 5 năm giữa Việt Nam và Mỹ tiến về 0%.So với tháng trước, lãi suất giao dịch TPCP (theo phòng chào giá VBMA) giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Lãi suất giao dịch TPCP giảm 2-16 điểm so với trung bình tháng trước ở tất cả các kỳ hạn. So với mặt bằng lãi suất năm ngoái, lãi suất giao dịch các kỳ hạn từ 5 năm đến 30 năm hiện tại thấp hơn từ 51 - 102 điểm cơ bản.

Thị trường Trái phiếu doanh nghiệp sôi động hơn trong tháng 8, khi nhóm bất động sản và nhóm ngân hàng là những tổ chức phát hành lớn nhất thị trường. Dữ liệu công bố đến ngày 6/9 của HNX và SSC cho thấy, có tổng cộng 52 đợt phát hành trái phiếu trong tháng 8, trong đó có 51 đợt phát hành riêng lẻ TPDN trong nước với tổng giá trị phát hành là 24.077 tỷ đồng và 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng giá trị 1.999,98 tỷ đồng của Công ty CP Masan Meatlife.


Nhóm Bất động sản xếp vị trí thứ hai với tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ đạt 8.950 tỷ đồng, trong đó khoảng 15% trái phiếu phát hành bảo đảm bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm. Khối lượng phát hành nổi bật trong tháng có thể kể đến như: Công ty CP Bông Sen (4.800 tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư Big Gain (1.000 tỷ đồng)... Trái phiếu doanh nghiệp có kỳ hạn phát hành trong khoảng từ 1 - 4 năm. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8,2 - 13%/năm.Thống kê cho thấy, nhóm Ngân hàng tiếp tục dẫn đầu về khối lượng phát hành trong tháng 8, với tổng giá trị phát hành 10.854 tỷ đồng, chiếm 41,6% tổng giá trị phát hành. Trong đó, có 2.324 tỷ đồng trái phiếu phát hành tăng vốn cấp 2 của BIDV, Vietinbank, VIB, MB và Viet Capital Bank. Các ngân hàng có khối lượng phát hành lớn gồm: VPBank (2.630 tỷ đồng), OCB (2.000 tỷ đồng), SHB (1.400 tỷ đồng), đều là các trái phiều kỳ hạn 2-4 năm, lãi suất cố định 3,5% - 4,2%/năm.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, có 490 đợt phát hành TPDN trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 308.517 tỷ đồng, trong đó có 476 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 296.933 tỷ đồng, 14 đợt phát hành ra công chúng giá trị 11.584 tỷ đồng (chiếm 3,754%), và 3 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường nước ngoài tổng giá trị 1 tỷ USD.

Trong 8 tháng, nhóm các NHTM tiếp tục dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 116,1 nghìn tỷ đồng, trong đó có 24.186 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 (chiếm 20,8%), 78,3% trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2 - 4 năm, lãi suất thấp dao động từ 3 - 4,2%; Nhóm bất động sản xếp vị trí thứ 2 với tổng khối lượng phát hành đạt 107.98 nghìn tỷ đồng. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8 -13%/năm...

Dự báo về lợi suất TPCP, các chuyên gia của KBSV nhận định, việc bắt đầu sử dụng nguồn ngân quỹ nhàn rỗi mua lại có kỳ hạn TPCP với tổng hạn mức ngân quỹ cho quý III/2021 là 59.237 tỷ đồng, nhằm tạo thanh khoản của TPCP trên thị trường thứ cấp sẽ khiến cho lợi suất TPCP tiếp tục đi ngang trong thời gian tới.

Cung – cầu trên thị trường vẫn cân bằng. Chính phủ tiếp tục yêu cầu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ khiến KBNN phải đẩy nhanh kế hoạch phát hành TPCP trong các tháng cuối năm với kỳ hạn phát hành trung bình tiếp tục sẽ là 10 – 15 năm để hỗ trợ kịp thời tiến độ giải ngân vốn. Bên cạnh đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhu cầu mua TPCP từ các NHTM tăng cũng là nguyên nhân quan trọng khiến cho lợi suất TPCP tiếp tục đi ngang.

Ngô Hải

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục