Ngân hàng của Chủ tịch Trần Hùng Huy dự chi 10.000 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn

(Banker.vn) Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa có nghị quyết về việc mua lại trước hạn trái phiếu phát hành riêng lẻ lần 4 năm 2021.

Cụ thể, 4 lô trái phiếu được mua lại là ACBH2124005, ACBH2124006, ACBH2124011 và ACBH2124012. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không phải là nợ thứ cấp của ACB.

Ngân hàng của Chủ tịch Trần Hùng Huy dự chi 10.000 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn
Kết thúc quý I/2023, tổng tài sản của ACB đạt 611.224 tỷ đồng, tăng 0,6% so với đầu năm.

Thời gian mua lại trái phiếu mã ACBH2124005 là ngày 22/6/2023, mã ACBH2124006 là ngày 23/6, mã ACBH2124011 là ngày 8/7, mã ACBH2124012 là ngày 15/7. Tổng mệnh giá mua lại tối đa 10.000 tỷ đồng.

Giá mua thực tế bằng mệnh giá phát hành. Nguồn vốn mua lại sử dụng nguồn thu từ các khoản cho vay VND trung dài hạn hoặc các nguồn cho vay/đầu tư đến hạn khác hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác đến hạn vào thời điểm mua lại trái phiếu.

Mới đây, ACB đã phân phối hơn 506,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông để chia cổ tức theo tỷ lệ 15%, tức cổ đông nắm giữ 100 cổ phiếu nhận thêm 15 cổ phiếu mới. Số cổ phiếu này dự kiến chuyển giao trước ngày 30/6 sau khi Trung tâm lưu ký chứng khoán điều chỉnh Giấy Chứng nhận đăng ký chứng khoán.

Về kết quả kinh doanh quý I/2023, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 5.157 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với quý I/2022, hoàn thành 26% kế hoạch kinh doanh 2023.

Thu từ lãi vay hiện là động lực tăng trưởng chính của ACB. Cụ thể, trong quý I/2023, ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt hơn 6.215 tỷ, tăng trưởng 14,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 78,5% trong tổng thu nhập hoạt động.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng góp phần không nhỏ vào tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng với gần 438 tỷ, tăng hơn 44% so với quý I/2022, chiếm 5,5% thu nhập hoạt động.

Các hoạt động kinh doanh khác (ngoại trừ chứng khoán) đang đóng góp khoảng 567 tỷ đồng (~7,2% thu nhập hoạt động), tăng 54% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, việc tiết giảm chi phí cũng là một trong những nhân tố quan trọng khác giúp thúc đẩy lợi nhuận trước thuế của ACB tăng lên. Cụ thể, chi phí hoạt động của ngân hàng đã giảm từ 2.739 tỷ hồi quý I/2022 xuống gần 2.508 tỷ (giảm ~8%).

Tuy nhiên, thu nhập dịch vụ - nguồn thu lớn thứ 2 (7,9% tổng thu nhập hoạt động) của ngân hàng lại suy giảm. Trong quý I/2023, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ACB đạt hơn 627 tỷ, giảm gần15,2% so với quý I/2022.

Trên thực tế, tại đội hội cổ đông diễn ra hôm 13/04 ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB đã có chia sẻ về vấn đề thu nhập dịch vụ bị ảnh hưởng khi hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, ngân hàng đã tìm kiếm một số động lực khác để tiếp tục phát triển thu nhập dịch vụ như thẻ tín dụng, cung ứng sản phẩm phái sinh hàng hóa và kinh doanh thêm hoạt động ngân hàng giám sát (bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán), hỗ trợ nộp thuế…

Về tài sản, kết thúc quý I/2023, tổng tài sản của ACB đạt 611.224 tỷ đồng, tăng 0,6% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 411.289 tỷ, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu khống chế dưới 1%.

Về nguồn vốn, cuối quý I/2023, ACB có 422.755 tỷ tiền gửi khách hàng, tăng 2,1% so với đầu năm; hơn 52.857 tỷ tiền gửi và vay từ các tổ chức tín dụng khác- giảm 22%; gần 50.156 tỷ giấy tờ có giá, tăng 13%.

Cổ đông ACB sắp được nhận cổ tức năm 2022 với tổng tỷ lệ 25%

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố thông tin về việc trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông. Theo đó, ngày đăng ...

Chứng khoán phiên chiều 23/5: ACB gây "sốt", VN-Index lại xa mốc 1.070 điểm

Thị trường chứng khoán phiên chiều ngày 23/5 chứng kiến cổ phiếu ACB hút mạnh dòng tiền, VN-Index kết phiên rời xa mốc 1.070 điểm...

ACBS gợi ý 2 nhóm ngành có triển vọng tích cực trong ngắn hạn

Việc NHNN hạ lãi suất cơ bản 3 lần kể từ đầu năm có thể tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường chứng khoán ...

Tuệ Nhi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán