Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến thời điểm ngày công bố thông tin (20/10) đã có 10 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng 10 với tổng giá trị 8.426 tỷ đồng. Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 9,3%/năm, kỳ hạn trung bình 4 năm. Trong đó, có đến 2.150 tỷ đồng trái phiếu đến từ nhóm ngân hàng, 6.076 tỷ đồng đến từ nhóm bất động sản và 200 tỷ đồng đến từ nhóm vận tải.
Hình minh họa. |
Theo đó, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm đến nay được ghi nhận là 192.623 tỷ đồng, với 22 đợt phát hành ra công chúng trị giá 20.424 tỷ đồng (chiếm 10,6% tổng giá trị phát hành) và 162 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 172.199 tỷ đồng (chiếm 89,4%).
Các doanh nghiệp đã mua lại 5.653 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 10. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 185.183 tỷ đồng (tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2022). Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 49% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 90.690 tỷ đồng).
Cụ thể, chỉ tính riêng từ đầu tháng 9/2023 tới nay, TPBank đã tung hơn 2.200 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn.
Ngoài ra, PGBank cũng mua lại 500 tỷ đồng lô trái phiếu đáo hạn vào tháng 9/2024. ABBank mua lại 300 tỷ đồng của lô trái phiếu đáo hạn vào tháng 9/2025. OCB cũng mua lại 300 tỷ đồng trước hạn lô trái phiếu đáo hạn trong tháng 9/2025. MBBank mua lại 100 tỷ đồng trái phiếu trước hạn và HDBank cũng mạnh tay chi 1.500 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn…
Nhìn xa hơn, tính từ đầu tháng 7 tới nay, LPBank có 3 đợt mua lại trái phiếu trước hạn (ngày 7/7, 14/7 và 19/7) với tổng giá trị mua lại 2.500 tỷ đồng. Trong khi đó, ACB cũng mua lại trước hạn 5.000 tỷ đồng 2 lô trái phiếu vào ngày 7/7 và 14/7. Các ngân hàng khác như ABBank, Techcombank… cũng chi hàng ngàn tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn trong vài tháng qua.
Với Techcombank, ngày 7/7 vừa qua, ngân hàng này đã mua lại trước hạn toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu của mã TCBL2225011.
Trước đó, 500 tỷ đồng trái phiếu của mã TCBL2225010 cũng được mua lại vào ngày 23/6 vừa qua. Đây là 2 lô trái phiếu có thời hạn 3 năm và được phát hành vào giữa năm 2022.
Đây là lần mua lại trái phiếu trước hạn thứ 6 của Techcombank kể từ tháng 5 đến nay. Trước đó, vào các ngày 12/5, 16/6, 20/6 và 21/6, TCB đã mua lại trước hạn toàn bộ 4.500 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của các mã TCB2225003, TCBL2225007, TCBL2225008 và TCBL2225009.
Đáng chú ý, động thái mua lại lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng của Techcombank diễn ra sau khi nhà băng này phát hành thành công 3 lô trái phiếu vào cuối tháng 6 vừa qua với mệnh giá lên tới 8.000 tỷ đồng.
Theo công bố thông tin từ HNX, trong tháng 8/2023 có 5 ngân hàng thực hiện 9 đợt mua lại trái phiếu trước hạn. Trong đó, OCB chính là ngân hàng mua lại trái phiếu trước hạn nhiều nhất với 3.000 tỷ đồng, chia làm 3 đợt.
Các ngân hàng mua lại trái phiếu trước hạn tiếp theo là Sacombank (1.300 tỷ đồng, chia làm 2 đợt), HDBank (1.000 tỷ), MSB (1.000 tỷ), VIB (300 tỷ, chia làm 2 đợt).
Xu hướng ngân hàng mua lại trái phiếu trước hạn diễn ra liên tục nhiều tháng qua. Theo các chuyên gia phân tích của Chứng khoán VNDirect, các ngân hàng chạy đua mua lại trái phiếu trước hạn là do đang dư thừa thanh khoản. Việc mua lại trái phiếu trước hạn sẽ giúp ngân hàng giảm dư thừa vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời cải thiện Hệ số an toàn vốn (CAR).
Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 74.847 tỷ đồng. 32% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với hơn 23.824 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với 22.430 tỷ đồng (chiếm 30%).
Xu hướng mua - bán trái phiếu giúp các ngân hàng thương mại linh hoạt hơn trong cơ cấu nguồn vốn, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Việc cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng thương mại cũng được thể hiện trong tái cơ cấu nợ, với hoạt động mua lại trái phiếu trước ngày đáo hạn tăng mạnh.
Riêng với hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn là do các ngân hàng đang dư thừa thanh khoản. Việc giải ngân vốn đầu ra thấp, nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế vẫn ì ạch, mua lại trái phiếu dường như là một trong những cách giải quyết vấn đề này, từ đó phần nào làm giảm mức độ thừa vốn.
Bên cạnh đó, việc mua lại trái phiếu là để cơ cấu lãi và thời hạn vay. Thực tế, nhiều ngân hàng một mặt mua lại trái phiếu trước hạn ở các kỳ hạn 2 - 3 năm, một mặt lại phát hành các lô trái phiếu mới kỳ hạn 5 - 10 năm.
Việc mua lại trái phiếu cũng giúp giảm tỷ trọng danh mục này so với vốn điều lệ các ngân hàng. Các ngân hàng có thể duy trì hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức cao, đảm bảo cho các hệ số khác như tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính cập nhật ngày 25/10, kể từ quý II, tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại.
Các doanh nghiệp đã phát hành được trái phiếu mới, huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra dòng tiền trả nợ.
Khối lượng phát hành tăng dần qua từng tháng. Như trong quý II, khối lượng phát hành bình quân đạt 3.000 tỷ đồng/tháng, sang quý III là 35.000 tỷ đồng/tháng. Tính đến hết tháng 9, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 139.400 tỷ đồng.
PGBank (PGB) bơm 500 tỷ đồng mua lại trái phiếu dù còn 1 năm mới đáo hạn Ngày 14/9, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hà Nội (HNX) đã công bố thông tin liên quan đến việc Ngân hàng PGBank mua lại trái ... |
Ngân hàng MB tiếp tục "bơm" 500 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn Ngân hàng TMCP Quân đội MB Bank tiếp tục chi số tiền 500 tỷ đồng để mua lại 51.500 trái phiếu đang lưu hành của ... |
Khánh Linh (T/H)
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|