Ngân hàng ACB tái bổ nhiệm 2 Phó Tổng Giám đốc

(Banker.vn) Ngày 12/1, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa có báo cáo liên quan đến nhân sự cấp cao tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Cụ thể, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, HOSE: ACB) vừa có quyết định bổ nhiệm lại 2 vị trí Phó Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Văn Hòa và ông Ngô Tuấn Long. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 12/1, thời hạn bổ nhiệm là 3 năm kể từ ngày ban hành quyết định.

Ngân hàng ACB tái bổ nhiệm 2 Phó Tổng Giám đốc
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, HOSE: ACB).

Theo thông tin từ ACB, ông Ngô Tuấn Long có bằng thạc sĩ ngành Kinh Tế - Đại học Kinh tế TP. HCM. Ông tham gia vào ACB từ 2008 và luân chuyển nhiều vị trí quan trọng tại ngân hàng này trong 15 năm qua như Trưởng phòng phân tích tín dụng và Định chế tài chính – Khối Khách hàng doanh nghiệp; Giám đốc Trung tâm phê duyệt Tín dụng doanh nghiệp; Giám đốc chi nhánh; Phó giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp; Giám đốc Vùng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hòa gia nhập ACB từ năm 1995 và trải qua các vị trí như Kế toán trưởng Chi nhánh Đà Nẵng, Kế toán trưởng Hội sở, và Giám đốc Tài chính (từ năm 2015). Kể từ năm 2017, ông Hòa được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc và trở thành thành viên HĐQT của ACB từ tháng 4/2023...

Về học vấn, ông Hòa tốt nghiệp cử nhân kinh tế và thạc sĩ tài chính ngân hàng của Trường Đại học Ngân hàng TP HCM. Hiện ông Hòa là 1 trong 9 thành viên của Ban điều hành ACB, cũng như có ghế trong HĐQT của ngân hàng.

Với quyết định bổ nhiệm trên, hiện ban điều hành của ngân hàng ACB gồm 9 thành viên trong đó có 1 tổng giám đốc là ông Từ Tiến Phát và 8 phó tổng giám đốc ngân hàng.

Về tình hình kinh doanh, quý III/2023. ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, ngân hàng thu về hơn 15.000 tỷ đồng lợi nhuận, tương đương 75% kế hoạch năm.

ACB ghi nhận tăng trưởng ở cả thu nhập lãi thuần lẫn các khoản thu nhập ngoài lãi. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt hơn 6.200 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cùng kỳ. Các khoản thu ngoài lãi đi lên khoảng 45%, góp phần vào tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng.

Trong đó, mua bán ngoại tệ và hoạt động đầu tư tiếp tục đóng góp lớn vào thu nhập giúp đưa tỷ trọng thu nhập ngoài lãi lên 23% trong tổng doanh thu, cao hơn so với cùng kỳ 18%.

Tính đến hết tháng 9/2023, tăng trưởng tín dụng của ACB đạt tới 8,7% so với đầu năm, con số này cao hơn mặt bằng chung của ngân hàng. Lý giải con số lợi nhuận ngàn tỷ trong bối cảnh tín dụng tăng thấp, Ngân hàng ACB cho biết, hiện mảng bán lẻ chiếm tỷ trọng hơn 93% danh mục cho vay và ngân hàng không tập trung vào các lĩnh vực có rủi ro cao như cho vay tiêu dùng, cho vay tín chấp, cho vay kinh doanh bất động sản… Rủi ro về chất lượng tài sản đối với ngân hàng tương đối thấp do không sở hữu trái phiếu doanh nghiệp, tỉ lệ nợ xấu thấp và chiến lược thận trọng.

Trong quý III, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của nhà băng này đã tăng 18,8% so với cùng kỳ lên hơn 8.400 tỷ đồng. Dù chi phí dự phòng tăng thêm gần 14%, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng vẫn đạt gần 5.600 tỷ, cao hơn cùng kỳ năm trước 21,7%.

Chi phí trích lập dự phòng trong kỳ đã tăng gần 6 lần, thế nhưng nhờ kết quả kinh doanh tích cực, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng vẫn đi lên. Sau khi trừ đi nghĩa vụ thuế, ACB đã thu về hơn 4.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh chứng khoán của ACB đã thoát lỗ, trong đó chứng khoán đầu tư đem về tới 882 tỷ đồng, còn chứng khoán kinh doanh là 68 tỷ đồng trong quý III. Lãi thuần mảng kinh doanh ngoại hối cũng tăng trưởng gấp hơn ba lần, đạt 316 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, mảng hoạt động kinh doanh khác và thu nhập góp vốn, mua cổ phần cũng đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng đã đi lùi 11,9% so với cùng kỳ, đạt 764 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của Ngân hàng ACB tăng 6,7%. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng ghi nhận mức tăng trưởng 8,7%, đạt gần 450.000 tỷ đồng. Riêng ngân hàng mẹ ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng 8,2%, cao hơn mức trung bình toàn ngành (6,92%).

Nợ xấu của ngân hàng tiếp tục xu hướng tăng trong quý III, lên hơn 5.400 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 1,2% vào cuối tháng 9. Cuối quý II, tỷ lệ nợ xấu của ACB là 1,12%. Mức tăng này tương ứng với diễn biến chung của toàn ngành. Như vậy, Ngân hàng ACB vẫn thuộc nhóm những nhà băng có chất lượng tài sản tốt nhất.

Đến cuối tháng 9, tỷ suất lợi nhuận trên vốn(ROE) của ACB ở mức 24,5%, thuộc nhóm dẫn đầu thị trường. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập(CIR) của ngân hàng cũng được cải thiện từ mức 36% hồi quý III năm ngoái xuống còn 32% vào năm nay.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày cuối tuần 12/1, cổ phiếu ACB đóng cửa ở mức 25.800 đồng/cp, đây là mức giá cao nhất lịch sử đối với cổ phiếu của ngân hàng này. Chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, cổ phiếu ACB đã tăng hơn 15%.

SSI Research gọi tên 3 mã cổ phiếu ngân hàng "rũ bùn đứng dậy"

Đánh giá cao về triển vọng nhóm ngân hàng năm 2024, SSI Research cũng đưa ra danh mục cổ phiếu đáng đầu tư với 3 ...

VN-Index đảo chiều, dòng tiền cá mập "tháo chạy" khỏi thị trường

Diễn biến phiên giao dịch 12/01, dòng tiền cá mập liên tục "rút chân" khỏi thị trường. Nhóm Ngân hàng có tới 5 cổ phiếu ...

Cao Hậu (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục