Ngắn, dài sóng thép?

(Banker.vn) Cổ phiếu ngành thép đã có sự phục hồi ngoạn mục trong năm 2020. Liệu đà tăng ấn tượng có tiếp tục trong năm 2021?

Đà tăng mạnh mẽ

Vào đầu năm 2020, giá cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã Hose HSG) vẫn còn nằm dưới mệnh giá. Vào khoảng tháng 3, trong cơn hoảng loạn vì COVID-19, giá HSG ở ngưỡng 5.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng sau đó, trong suốt quý II và quý III, giá HSG từ từ đi vượt, trở lại mệnh giá. Đợt tăng giá dữ dội chỉ diễn ra trong vòng quý IV, giá cổ phiếu HSG từ mức 11.000 đồng liên tiếp đi lên và hiện đang giao dịch ở ngưỡng 26.000 đồng/cổ phiếu. Mức tăng giá của cổ phiếu HSG trong cả năm 2020 lên tới hơn 300%.

Một cổ phiếu khác thuộc ngành thép cũng có mức tăng khủng là NKG của Công ty cổ phần Thép Nam Kim. Khởi đầu năm 2020, cổ phiếu NKG cũng ở mức dưới mệnh giá, khoảng 7.000 – 8.000 đồng/cổ phiếu. Vào ngày 30/3, giá NKG tụt xuống còn 4.500 đồng/cổ phiếu.

Sau đó, giá cổ phiếu NKG lình xình ở ngưỡng 6.000 – 8.000 đồng/cổ phiếu trong suốt phần lớn thời gian của năm 2020. Tuy nhiên, đến tháng 11/2020, đà tăng bắt đầu được ghi nhận. Chỉ trong vòng 2 tháng cuối năm, giá cổ phiếu NKG nhanh chóng lấy lại mệnh giá và hiện đang giao dịch ở ngưỡng 17.000 đồng/cổ phiếu. Tính chung, mức tăng giá trong năm 2020 của cổ phiếu này khoảng 200%.

Với cổ phiếu HPG của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát, mức tăng có phần "khiêm tốn" hơn đôi chút, từ ngưỡng 20.000 đồng/cổ phiếu lên mức 40.000 đồng/ cổ phiếu vào cuối năm, tương ứng với mức tăng gần gấp đôi. Hiện, giá cổ phiếu HPG đang giao dịch ở ngưỡng 43.000 đồng/cổ phiếu, mức giá cao nhất trong nhóm các doanh nghiệp ngành thép niêm yết.

Động lực từ đầu tư công

Theo đánh giá của giới chuyên gia, đà tăng ấn tượng của các cổ phiếu ngành thép được hỗ trợ từ những yếu tố vĩ mô và thị trường. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2020 việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công của các địa phương đã góp phần thúc đẩy sản lượng tiêu thụ của toàn ngành thép trong bối cảnh thị trường ảm đạm vì dịch bệnh. Cùng với đó, ngành thép được hưởng lợi trực tiếp từ sự tăng giá của mặt hàng thép, gia tăng nhu cầu thép từ Trung Quốc, đặc biệt là mặt hàng thép cuộn cán nóng.

Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam, sau 6 tháng đầu năm có sản lượng sản xuất, tiêu thụ giảm thì kể từ tháng 7 ngành này đã có phục hồi và tính chung trong 11 tháng đầu năm 2020 sản xuất thép các loại đạt 23,3 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ 2019.

Với sự phục hồi rõ rệt của ngành thép ở những tháng cuối năm, nhà đầu tư kỳ vọng ngành thép sẽ còn có triển vọng tích cực trong năm 2021 bởi sẽ có làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng. Khi đó, vật liệu xây dựng nói chung, thép nói riêng sẽ là ngành được hưởng lợi lớn nhất.

Báo cáo tổng quan ngành năm 2021 của Công ty chứng khoán dầu khí PSI cho rằng đầu tư công sẽ là động lực quan trọng trong năm 2021 vì giúp tạo việc làm và thúc đẩy đầu tư tư nhân. Đây sẽ là nền tảng tăng trưởng của nhóm ngành Vật liệu xây dựng, đặc biệt là nhóm ngành thép. Các dự án hạ tầng sẽ là các dự án được ưu tiên nhất. Trong năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải đã đặt mục tiêu giải ngân 42.996 tỷ đồng, cao hơn 21,8% so với kế hoạch 2020. Một số dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách trung ương bao gồm Cụm phía đông của đường cao tốc Bắc Nam (15.038 tỷ đồng), quốc lộ ven biển (2.800 tỷ đồng) và đền bù, tái định cư cho sân bay quốc tế Long Thành (4.660 tỷ đồng).

PSI dự báo nhu cầu thép nội địa sẽ tăng trưởng hai con số trong năm 2021 và sản lượng tiêu thụ toàn ngành thép xây dựng sẽ tăng trưởng 10-12% đến từ việc tăng tốc phát triển cơ sở hạ tầng thông qua mở rộng vốn đầu tư công và thị trường bất động sản nhà ở sẽ nóng trở lại trong năm 2021 nhờ lãi suất giảm và nguồn cung mới cao hơn.

Thị trường xuất khẩu sẽ là động lực tăng trưởng, xuất khẩu thép đã tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2020 với mức tăng 27,3% so với cùng kỳ. Việt Nam có thể được hưởng lợi theo kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mạnh mẽ của Trung Quốc. Nhu cầu thép cho lĩnh vực xây dựng hạ tầng sắp tới của Trung Quốc sẽ tăng đáng kể do quốc gia này đã phê duyệt và bắt đầu triển khai xây dựng hàng loạt dự án hạ tầng từ quý 2/2020.

Công ty chứng khoán VNDirect cũng nhận định 40% vốn đầu tư công sẽ dành cho dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam sẽ được giải ngân trong năm 2021 và 60% chi phí xây dựng (23.700 tỷ đồng) sẽ được phân bổ vào chi phí nguyên vật liệu.

Trong năm 2021, VNDirect dự kiến dự án các dự án này sẽ cần huy động khoảng 6.400 tỷ đồng thép xây dựng. Để hoàn thành toàn bộ các dự án này vào năm 2023, VNDirect ước tính tổng chi phí giành cho thép xây dựng cần khoảng 14,8 nghìn tỷ đồng.

Cùng với kỳ vọng chung của ngành, các chuyên gia cũng đưa ra triển vọng tươi sáng cho nhóm cổ phiếu ngành thép trên thị trường chứng khoán nhờ vào mức tăng trưởng lợi nhuận vượt bậc ước tính trong thời gian tới.

Theo VNDirect, Tập đoàn Hòa Phát hiện đang là nhà sản xuất thép lớn nhất đã gia tăng thị phần thép xây dựng từ 26,2% trong năm 2019 lên 32,6% trong 9 tháng năm 2020. Theo đó, lượng thép xây dựng bán ra của doanh nghiệp này đã tăng 26,4% so với cùng kỳ trong khi sản lượng thép tiêu thụ chung của toàn ngành giảm 3,1%.

“Chúng tôi ước tính thị phần thép xây dựng của Hòa Phát sẽ tăng lên mức 35% trong năm 2021 từ mức chỉ 32% của năm 2020”- chuyên gia của VNDirect dự báo.

Giá đã phản ánh hết kỳ vọng?

Nhìn vào những dự báo có thể thấy, năm 2021 của cổ phiếu ngành thép là tràn đầy kỳ vọng. Tuy nhiên, có thể thấy nhờ các yếu tố hỗ trợ của vĩ mô như giá thép cuộn cán nóng, hưởng lợi từ đầu tư công, kỳ vọng vào thị trường bất động sản… mà kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp ngành thép trong năm 2020 đã khởi sắc ngoài dự báo.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2020, Hoa Sen ước đạt doanh thu thuần hơn 27.500 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2019-2020, thực hiện 98,4% kế hoạch và lãi sau thuế 1.100 tỷ đồng, vượt đến 175% chỉ tiêu cổ đông đã giao phó.

Hòa Phát báo lãi sau thuế cả năm 2020 là trên 13.500 tỷ đồng. Theo đó, quý IV/2020, Hòa Phát ghi nhận 26.166 tỷ đồng doanh thu và 4.660 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng tương ứng 43% và 142% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế cả năm, Hòa Phát đạt doanh thu 91.278 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2019 và thu về lợi nhuận sau thuế là trên 13.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đối với Thép Nam Kim, tình hình không sáng sủa như 2 đầu tàu Hòa Phát và Hoa Sen. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020, công ty ghi nhận doanh thu thuần giảm 8% xuống 3.201 tỷ đồng, lãi gộp đạt 130 tỷ đồng, gấp 6,5 lần cùng kỳ năm trước. Công ty ghi nhận lãi sau thuế 7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 173 tỷ đồng. Cả năm, Nam Kim báo lãi 47 tỷ đồng, giảm 17,5%. công ty chỉ hoàn thành 16% kế hoạch lợi nhuận năm.

Nhưng bên cạnh khoản lợi nhuận khủng, nợ vay vẫn đang là vấn đề với một số doanh nghiệp thép. Báo cáo tài chính hợp nhất của Hoa Sen cho thấy kết thúc quý IV/2020, doanh nghiệp có 2.162 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính dài hạn, có 6.023 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn. Đối với Thép Nam Kim, tính đến cuối năm, công ty giảm được 811 tỷ đồng vay ngắn hạn và 522 tỷ đồng vay dài hạn. Trong khi đó, phải trản người bán ngắn hạn lại tăng mạnh từ 548 tỷ lên 1.556.7 tỷ đồng.

Điều này khiến giới đầu tư băn khoăn liệu có phải mọi kỳ vọng từ những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng đều đã được phản ánh hết vào giá cổ phiếu trong năm 2020? Liệu những yếu tố nói trên có còn là động lực cho cổ phiếu ngành thép vào năm tới?

Bùi Trang

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo: