Ngăn chặn thực phẩm bẩn dịp Tết - câu chuyện không hề cũ

(Banker.vn) Thời điểm cuối năm, do nhu cầu mua sắm thực phẩm của người dân tăng cao, một số đối tượng xấu đã đưa ra thị trường thực phẩm bẩn, kém chất lượng để kiếm lời.
Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quản lý thị trường giữa Việt Nam - Lào Quản lý thị trường cả nước kiểm tra gần 72.000 vụ việc trong năm 2023 Chủ động kiểm soát thị trường để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thực phẩm bẩn gia tăng cuối năm

Dịp cuối năm, thị trường thực phẩm lại sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ, Tết. Lợi dụng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng mạnh, một số cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm lại tung ra thị trường nhiều loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Đây không phải là vấn đề được đặt ra ở một năm cụ thể nào mà là câu chuyện được bàn luận thường xuyên, “đến hẹn lại lên”.

An toàn thực phẩm dịp Tết - câu chuyện cũ hàng năm
Cận Tết Dương lịch, Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra, phát hiện hàng trăm thùng nước giải khát hết hạn sử dụng. Ảnh DMS

10 tấn nguyên liệu sản xuất kem quá hạn sử dụng; 1 tấn cánh gà không rõ nguồn gốc; 840 kg trứng non gia cầm đông lạnh, 40 kg nầm động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có kiểm dịch động vật, có hiện tượng bốc mùi khó chịu; 2.579 thùng móng giò lợn đông lạnh đã hết hạn sử dụng; 400kg thịt trâu đông lạnh quá hạn sử dụng; hơn 6.000 sản phẩm ăn liền không rõ xuất xứ; 480 lít rượu trắng và hàng trăm lít rượu màu thủ công không rõ nguồn gốc xuất xứ; lô hàng nước giải khát hết hạn sử dụng; 5,6 tấn dạ dày lợn đông lạnh nhập lậu; hàng chục ngàn chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ... đây là những con số đáng báo động về tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thủ đô trong năm 2023. Rất may, toàn bộ số thực phẩm “bẩn” trên đã bị Quản lý thị trường Hà Nội và các lực lượng liên ngành phối hợp kiểm tra và thu giữ.

Qua kiểm tra cho thấy, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng thực phẩm có chứa các chất cấm, chất bảo quản không có trong danh mục diễn ra ngày càng nghiêm trọng, với mức độ vi phạm tinh vi hơn trước. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm quá hạn, chứa nhiều vi sinh vật gây hại, có độc tố. Nhiều thực phẩm ô nhiễm nặng được tái chế biến để có vẻ ngoài tươi mới, thường không gây ngộ độc cấp tính nhưng gây ảnh hưởng về lâu dài đối với sức khỏe người tiêu dùng; hàng hóa hết hạn sử dụng…

Theo chia sẻ của lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, thời gian qua, lực lượng liên ngành thực hiện kiểm tra khá chặt và liên tiếp bắt giữ các vụ tập kết, vận chuyển, sản xuất, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng…

Tương tự, trên địa bàn tỉnh Hà Nam, dù là địa phương nhỏ, nhưng lại là địa bàn trung chuyển hàng hóa của các tỉnh, thành phố lân cận, do vậy, trong năm 2023, hoạt động buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, vi phạm về an toàn thực phẩm... vẫn diễn ra ở cả thành thị và nông thôn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam cho biết, năm 2023, Cục đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh như: Công an, Hải quan... tăng cường các hoạt động kiểm tra liên ngành đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là trong cao điểm các dịp Tết và mùa lễ hội. Theo đó, năm 2023, Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam đã phối hợp kiểm tra trên 200 vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm, số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên đến cả trăm triệu đồng.

An toàn thực phẩm dịp Tết - câu chuyện cũ hàng năm
Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ số thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại hộ kinh doanh do Hoàng Thị Tính, Hà Nam. Ảnh Lê Phượng

Điển hình, mới đây, ngày 22/12/2023 Quản lý thị trường Hà Nam đã phối hợp kiểm tra hộ kinh doanh do bà Hoàng Thị Tính (SN 1972) làm chủ có địa chỉ tại xóm 3, xã Nhật Tựu, huyện Kim Bảng. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và lập biên bản tạm giữ gần 2,5 tấn nông sản là măng củ, măng lá... được chủ cơ sở này đựng trong các thùng phi, chất đống trong kho và trên sân, không có biện pháp bảo quản, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; trong đó nhiều thùng phi chứa măng đã bốc mùi, hôi chua nồng nặc. Qua kiểm tra, chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hoá trên.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 2 - Cục Quản lý thị trường Hà Nam đã phối hợp kiểm tra tại Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tình tại thị xã Duy Tiên. Thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện số lượng lớn lòng lợn đã có hiện tượng biến sắc, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Toàn bộ số hàng hóa trên được chất đống trên sàn nhà và chứa đựng trong các thùng xốp mà không có biện pháp bảo quản. Chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hoá trên. Với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, chủ cơ sở này đã bị phạt số tiền 8 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.

An toàn thực phẩm dịp Tết - câu chuyện cũ hàng năm
Kiểm tra, phát hiện 1,3 tấn lòng lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ tại Hà Nam. Ảnh DMS

Thống kê mới nhất của Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy, năm 2023, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, lực lượng đã kiểm tra 8.306 vụ, xử lý 6.773 vụ vi phạm; thu phạt trên 36,3 tỷ đồng; trị giá hàng hoá tịch thu 31,6 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về sở hữu trí tuệ và thực phẩm không bảo đảm chất lượng.

Và những vụ việc kể trên chỉ là một vài trong số rất nhiều vụ việc kiểm tra, phát hiện về thực phẩm mà lực lượng Quản lý thị trường cả nước phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý trong năm 2023. Con số này rất đáng báo động bởi vi phạm về an toàn thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng.

Giám sát địa bàn, ngăn ngừa các vi phạm về thực phẩm

Phân tích nguyên nhân gia tăng các vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trước đây, các tổ chức, cá nhân sử dụng đường mòn, lối mở trên biên giới phía Bắc để vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng hoặc là chưa được phép lưu hành để đưa vào tiêu thụ trong lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay, đường mòn, lối mở bị ngăn chặn, các đối tượng chuyển hàng hóa nhập lậu qua biên giới phía Nam, đặc biệt là phía Tây Nam và một số cửa khẩu ở miền Trung sau đó đưa ngược ra phía Bắc tiêu thụ.

Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh, Quản lý thị trường xác định công tác đấu tranh, ngăn chặn thực phẩm bẩn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Do vậy, trong cao điểm cuối năm, lực lượng Quản lý thị trường cả nước sẽ tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình nhanh chóng, kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm bẩn. Đồng thời, kết hợp với các lực lượng khác trên địa bàn để tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi phạm pháp, đảm bảo cho người dân được sử dụng sản phẩm an toàn.

An toàn thực phẩm dịp Tết - câu chuyện cũ hàng năm
Bên cạnh hoạt động chuyên môn thanh kiểm tra, xử lý, lực lượng Quản lý thị trường cũng kết hợp công tác tuyên truyền, vận động người dân không tham gia tiếp tay buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn. Ảnh DMS

Cũng theo lãnh đạo Cục Nghiệp vụ, bên cạnh hoạt động chuyên môn thanh kiểm tra, xử lý, lực lượng Quản lý thị trường cũng kết hợp công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân; vận động người dân không tham gia tiếp tay, vận chuyển và tích cực tố giác các hành vi buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn.

Đưa ra các giải pháp góp phần ngăn chặn việc sản xuất, lưu thông thực phẩm bẩn, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường về an toàn thực phẩm không chỉ diễn ra trong các dịp cao điểm Lễ, Tết hay Tháng hành động vì an toàn thực phẩm mà sẽ diễn ra thường xuyên, hàng ngày và có sự phối hợp liên ngành.

"Hà Nam là một thị trường nhỏ, tuy nhiên, đây cũng là địa bàn trung chuyển hàng hóa của các tỉnh, thành phố lân cận. Nắm bắt xu hướng, Quản lý thị trường tỉnh đã tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát địa bàn thường xuyên để nắm tình hình. Trong dịp cuối năm 2023, Quản lý thị trường Hà Nam sẽ chú trọng kiểm tra các mặt hàng trọng điểm, có nhu cầu tiêu dùng cao như: thịt gia súc, gia cầm, nội tạng động vật, bánh kẹo, nước giải khát... để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giữ thị trường ổn định" - ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin.

Hoàng Hòa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục