Theo Reuters, Điện Kremlin đã gọi kế hoạch sử dụng tiền lãi thu được từ các tài sản bị đóng băng của Nga của Liên minh châu Âu để tài trợ cho viện trợ quân sự cho Ukraine là hành vi "trộm cắp" và cho biết sẽ có hành động pháp lý chống lại bất kỳ ai liên quan đến quyết định này.
Nhà ngoại giao hàng đầu của EU, ông Josep Borrell ngày 22/7 cho biết, khoản viện trợ quân sự đầu tiên trị giá 1,4 tỷ Euro cho Ukraine lấy từ số tiền thu được từ các tài sản bị đóng băng của Nga sẽ được thực hiện vào đầu tháng 8.
Ông Josep Borrell cho biết khoản viện trợ quân sự đầu tiên trị giá 1,4 tỷ Euro cho Ukraine sẽ được thực hiện vào đầu tháng 8 (Ảnh: Euronews) |
Khoản tiền này sẽ được sử dụng để đầu tư vào các thiết bị quân sự ưu tiên, bao gồm vũ khí phòng không, hệ thống pháo binh và đạn dược. Theo một tuyên bố chính thức, ông Borrell "đã cập nhật cho các Bộ trưởng EU về tiến trình chuyển khoản tiền đầu tiên trị giá 1,4 tỷ euro (1,5 tỷ USD) dự kiến vào đầu tháng 8" trong cuộc họp của Hội đồng Đối ngoại EU ngày 22/7.
"Những hành động trộm cắp như vậy không thể tiếp diễn mà không có sự đáp trả", người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov nói với truyền thông. "Số tiền này không chỉ về cơ bản là bị đánh cắp mà còn được dùng để mua vũ khí".
"Chắc chắn chúng tôi sẽ tiến hành truy tố những người tham gia ra quyết định và thực hiện các quyết định này, vì đây là hành vi vi phạm trực tiếp luật pháp quốc tế, vi phạm quyền sở hữu tài sản".
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov |
Sau khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra vào năm 2022, Mỹ và các đồng minh đã cấm giao dịch với ngân hàng trung ương và bộ tài chính Nga, phong toả khoảng 300 tỷ đô la tài sản có chủ quyền của Nga ở phương Tây. Khoảng 2/3 số tài sản này nằm tại công ty dịch vụ tài chính Euroclear có trụ sở tại Bỉ.
Các nước Liên minh châu Âu đang lấy tiền lãi thu được từ các tài sản bị đóng băng, bao gồm trái phiếu và các loại chứng khoán khác mà ngân hàng trung ương Nga đã đầu tư và đưa vào một quỹ của EU để giúp đỡ Ukraine. EU kỳ vọng các tài sản này sẽ mang lại lợi nhuận khoảng 15 - 20 tỷ Euro (16 - 22 tỷ USD) vào năm 2027.
Điện Kremlin đã nhiều lần tuyên bố rằng bất kỳ hành động tịch thu tài sản nào của điện Kremlin cũng sẽ đi ngược lại mọi nguyên tắc của thị trường tự do mà phương Tây tuyên bố và sẽ làm suy yếu niềm tin vào đồng Đô la Mỹ và đồng Euro, đồng thời ngăn cản đầu tư toàn cầu và làm suy yếu niềm tin vào các ngân hàng trung ương phương Tây.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 22/7 cho biết, Mátxcơva sẽ có phản ứng cứng rắn nếu châu Âu sử dụng bất kỳ khoản thu nào từ tài sản của Nga, hãng thông tấn nhà nước RIA đưa tin.