Nga sáp nhập siêu tập đoàn dầu khí nhằm ứng phó với các lệnh trừng phạt?

(Banker.vn) Mátxcơva đang lên kế hoạch sáp nhập các tập đoàn dầu khí lớn nhất của Nga, bao gồm Rosneft, Gazprom Neft và Lukoil, thành một siêu tập đoàn dầu khí. Động thái này có thể giúp Nga kiểm soát giá dầu toàn cầu và củng cố vị thế kinh tế, bất chấp những rủi ro quản lý.

Mátxcơva đang lên kế hoạch sáp nhập các công ty dầu mỏ hàng đầu thành một công ty dầu khí khổng lồ, với mục tiêu thắt chặt quyền kiểm soát của Tổng thống Vladimir Putin đối với thị trường năng lượng và củng cố nền kinh tế thời chiến của Nga. Kế hoạch này có thể giúp Nga chống lại các lệnh trừng phạt từ phương Tây, đồng thời nâng cao vị thế cạnh tranh trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu.

Toàn cảnh nhà máy lọc dầu Rosneft ở thị trấn Gubkinsky, tây Siberia, LB Nga
Toàn cảnh nhà máy lọc dầu Rosneft ở thị trấn Gubkinsky, tây Siberia, LB Nga

Theo một kịch bản được thảo luận, Rosneft Oil, công ty do nhà nước Nga hậu thuẫn, sẽ thâu tóm Gazprom Neft - công ty con của Gazprom chuyên xuất khẩu khí đốt - và Lukoil, một tập đoàn tư nhân lớn. Hiện cả ba công ty này đều nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ, khiến hoạt động của họ gặp nhiều khó khăn trên thị trường quốc tế.

Dầu mỏ và khí đốt đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế Nga, chiếm gần một phần ba doanh thu ngân sách. Nếu sáp nhập thành công, siêu tập đoàn này sẽ trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Aramco của Ả-rập Xê-út, với sản lượng vượt xa các tập đoàn lớn như Exxon Mobil của Mỹ. Siêu tập đoàn này cũng có thể giúp Nga tăng sức ép đàm phán giá dầu với các khách hàng lớn như Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo chiến lược năng lượng sửa đổi đến năm 2050, sản lượng dầu của Nga dự kiến sẽ tăng từ 531 triệu tấn vào năm 2023 lên 540 triệu tấn vào năm 2030, đạt mức này sớm hơn 5 năm so với kế hoạch ban đầu. Sản lượng lọc dầu dự kiến tăng từ 275 triệu tấn lên 283 triệu tấn vào năm 2030 và duy trì đến năm 2050. Trong giai đoạn này, xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga cũng dự kiến tăng từ 132 triệu tấn lên 146 triệu tấn.

Ngành dầu khí là công cụ quan trọng trong chiến lược đối ngoại của Nga. Việc hợp nhất các tập đoàn lớn thành một thực thể duy nhất sẽ giúp tăng cường khả năng chống chịu trước các tác động từ bên ngoài, đặc biệt là trong xuất khẩu và các dự án năng lượng lớn. Điều này cũng có thể giúp Nga kiểm soát tốt hơn vấn đề thanh toán quốc tế, vốn đang gặp khó khăn do lệnh trừng phạt.

Dù các cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng từ xung đột tại Ukraine, đây cũng là một bước đi để Nga cải thiện vị thế kinh tế dài hạn sau chiến tranh. Với kế hoạch này, Tổng thống Putin dường như hình dung về một thực thể đủ mạnh để cạnh tranh với các tập đoàn dầu mỏ hàng đầu, đặc biệt là khi nhu cầu dầu mỏ toàn cầu có dấu hiệu chậm lại trước sự phát triển của năng lượng xanh.

Ngay sau khi tin tức về kế hoạch sáp nhập được công bố, các bên liên quan đã lên tiếng phủ nhận. Đại diện của Rosneft cho rằng thông tin từ The Wall Street Journal là “sai sự thật,” có khả năng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho các đối thủ trên thị trường. Phía Lukoil cũng phủ nhận, khẳng định công ty và các cổ đông không tham gia bất kỳ cuộc đàm phán sáp nhập nào, đồng thời cho rằng thỏa thuận này không phù hợp với lợi ích của công ty. Trong khi đó, Gazprom Neft và Gazprom chưa đưa ra bình luận chính thức.

Những tin đồn về kế hoạch sáp nhập cho thấy Điện Kremlin muốn tập trung nguồn lực ngành năng lượng nhằm củng cố sức mạnh kinh tế của Nga, đặc biệt trong bối cảnh phương Tây tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt. Nhiều người cho rằng Putin kỳ vọng vào một thực thể mới có thể cạnh tranh với các tập đoàn dầu mỏ toàn cầu, trong khi những ý kiến khác lo ngại rằng việc tập trung quyền lực quá lớn sẽ tạo ra các rủi ro.

Việc hợp nhất các tập đoàn lớn tuy có thể tạo ra lợi thế về quy mô và hiệu quả phối hợp, nhưng cũng có thể gây ra các rủi ro trong quản trị. Với cơ cấu hiện tại, các tập đoàn dầu khí của Nga vẫn duy trì phần nào tính độc lập và cạnh tranh với nhau, điều này hạn chế sự tập trung quyền lực vào một nhóm lợi ích duy nhất. Dù hợp tác trong liên minh OPEC+, họ vẫn cạnh tranh giành thị phần và sự ủng hộ từ chính phủ. Một tập đoàn hợp nhất có thể mang lại lợi nhuận cao hơn nhờ vào quy mô lớn, nhưng đồng thời cũng sẽ đối mặt với nguy cơ về sự linh hoạt và hiệu quả quản lý.

Nếu Nga thành công trong việc sáp nhập các tập đoàn dầu khí lớn thành một siêu tập đoàn, điều này có thể ảnh hưởng đến thị trường năng lượng toàn cầu. Một tập đoàn dầu mỏ khổng lồ sẽ giúp Nga củng cố vị thế và kiểm soát nguồn cung cũng như giá dầu trên thị trường quốc tế, điều này có thể tạo ra biến động về giá nhiên liệu.

Hoàng Thái

Dịch từ nguồn msn.com

Hoàng Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục