Tiếng hát Làng Sen - lời tri ân dâng Bác kính yêu ''Như có Bác trong ngày đại thắng": Giai điệu viết trong 2 giờ, vang suốt 50 năm Lãnh đạo tỉnh Lai Châu dâng hoa tại Tượng đài Bác Hồ |
Nét buồn trong mắt Bác Hồ giữa quảng trường Đỏ
Nếu con là họa sĩ, con sẽ xin được vẽ Bác hai lần. Một lần là dáng Người lặng lẽ bên Quảng trường Đỏ Moskva giữa lễ duyệt binh kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười. Một lần là ánh mắt rạng rỡ chan hòa giữa đoàn quân hùng dũng trên phố hôm nay, khi Thành phố Hồ Chí Minh long trọng tổ chức lễ diễu binh lịch sử mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bức tranh đầu tiên: Moskva, ngày 7/11/1957. Trời se lạnh, tuyết trắng phủ nhẹ trên những mái vòm cổ kính của Quảng trường Đỏ. Cả Liên Xô khi ấy long trọng tổ chức lễ diễu binh kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười, cuộc cách mạng đã làm rung chuyển địa cầu, mở ra con đường mới cho các dân tộc thuộc địa. Giữa hàng ngũ nguyên thủ quốc tế hôm ấy, nổi bật là dáng người gầy nhỏ, chòm râu bạc, đôi mắt sâu thẳm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xem những thước phim tư liệu hôm nay mà thế hệ cháu con như con lòng như thắt lại trước ánh mắt ấy của Bác Hồ. Đứng cạnh Đại nguyên soái, người hùng huyền thoại của chiến thắng, Bác chăm chú nhìn những đoàn quân hùng dũng diễu hành qua lễ đài. Trong giây phút vinh quang ấy của nhân loại, ánh mắt Bác thể hiện rõ đượm một nỗi buồn sâu kín. Có lẽ lòng Người đang canh cánh nỗi trăn trở khi đất nước Người yêu thương vẫn còn chia cắt. Bởi hàng triệu đồng bào miền Nam vẫn phải sống dưới ách thống trị của kẻ thù. Và có lẽ, trong trái tim Người lúc ấy, một cuộc diễu binh tương lai tại quê hương độc lập, hòa bình vẫn đang được âm thầm khắc họa trong nỗi khắc khoải có một quân đội hùng mạnh để đủ sức đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Bao giờ mình mới có tiềm lực, có cơ đồ và có niềm vui như nước bạn Liên Xô?
Ngày ấy trong dự liệu của Người hẳn vẫn còn xa, 5 năm 10 năm và có thể lâu hơn nữa…Nhưng Người luôn một lòng tin sắt đá: Ngày ấy sẽ đến! Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi. Thống nhất độc lập, nhất định thành công!
![]() |
Hình dáng Bác lặng lẽ bên Quảng trường Đỏ Moskva giữa lễ duyệt binh kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười. Ảnh: VTV |
Dự đoán thiên tài và cả đời tranh đấu
Ít lâu sau đó, vào năm 1960, trong bản thảo bài phát biểu mừng Quốc khánh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chậm lắm là 15 năm nữa Tổ quốc ta sẽ thống nhất, Bắc Nam sẽ sum họp một nhà”.
Đó không chỉ là lời dự cảm chính trị, mà là lời thề thiêng liêng của một nhà cách mạng đã dành trọn đời mình cho khát vọng thống nhất non sông. Người hiểu rằng: để có hòa bình, phải chiến đấu. Để có đoàn tụ, phải hy sinh. Và những cuộc duyệt binh, với Người không chỉ là biểu tượng sức mạnh, mà là chất liệu hun đúc tinh thần quốc gia. Chính Người đã chủ trì nhiều cuộc duyệt binh, diễu binh từ năm 1955 đến 1960 tại Thủ đô Hà Nội, với niềm tin: Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ ngày càng hùng mạnh để cùng toàn dân chiến đấu tới ngày toàn thắng!
Toàn thắng trong nước mắt, cả nước nhớ Người
Ngày 30/4/1975. Đúng 11 giờ 30 phút, lá cờ mặt trận giải phóng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Cả Tổng hành dinh chiến dịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng và các đồng chí Phạm Hùng, Đinh Đức Thiện đang trực chỉ huy chiến sự như vỡ òa. Nhưng không chỉ có tiếng hò reo.
“Ôi Cụ Hồ ơi! Cha mẹ ơi! Hãy về chứng kiến quân ta đã thắng rồi!”, Trung tướng Đinh Đức Thiện vừa nói vừa khóc nức nở dù bình thường ông không bao giờ khóc.
“Chúng tôi ôm lấy nhau, công kênh nhau… tiếng cười, tiếng reo, tiếng vỗ tay, tưng bừng như cả mùa Xuân ập đến”, Đại tướng Văn Tiến Dũng nhớ lại.
Ngay sáng hôm sau, Nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ “Toàn thắng về ta” trong ngày 1/5/1975:
Phía trước chờ Anh, người mẹ mong con
Pháo hãy gầm lên, đỏ nòng bắn thẳng
Rộn rực xe tăng chồm tới Sài Gòn!
Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp
Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta
Chúng con đến, xanh ngời ánh thép
Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa
Cho chúng con giữa vui này được khóc
Hôn mỗi đứa em, ôm mỗi mẹ già
Như lòng Bác, mỗi khi Bác đọc
Đồng bào miền Nam, mắt kính bỗng nhoà
Cả nước nhắc tên Người. Báo Nhân Dân đăng bài “1911 – Bác Hồ ở Sài Gòn”, kết nối thời khắc Người ra đi tìm đường cứu nước với ngày Sài Gòn trở về trong vòng tay đất Mẹ. Và từ hôm đó, “Thành phố Sài Gòn” trong lòng mỗi người được gọi bằng cái tên thiêng liêng nhất: Thành phố Hồ Chí Minh.
![]() |
Hình ảnh Bác Hồ trong lễ diễu binh kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Ảnh: VTV |
Bước đi hùng dũng - Lời “báo cáo” của thế hệ hôm nay
30/4/2025. Nửa thế kỷ sau chiến thắng lịch sử, Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ cờ hoa đón lễ diễu binh, diễu hành quy mô lớn nhất trong hàng chục năm qua. Trên Quảng trường trung tâm, những hàng quân nối dài từ bộ đội chủ lực, công an nhân dân, dân quân tự vệ đến lực lượng trẻ tuổi, học sinh, sinh viên, công nhân…đồng loạt bước đều qua lễ đài.
Không chỉ là sự kiện nghi lễ, đó là cuộc hội tụ của lịch sử và tương lai. Một lần nữa, ánh mắt Bác Hồ lại được nhắc đến.
Trong buổi gặp mặt các cán bộ lão thành cách mạng, gia đình chính sách tại TP.HCM ngày 21/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm xúc động phát biểu nghẹn ngào: “Tất cả chúng ta ngồi đây hôm nay xin báo cáo với Bác rằng, mong muốn, ước nguyện của Bác về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã được các thế hệ cháu con thực hiện. Tất cả các đại biểu khách mời hôm nay đều là những người trực tiếp thực hiện ý nguyện của Bác”.
Đó là lời hứa được hoàn thành. Là trái tim của một thế hệ khẳng định với tiền nhân rằng: máu không rơi vô ích. Niềm tin không bị phản bội.
Nếu con là họa sĩ…
Nếu con là họa sĩ, con sẽ vẽ hai bức tranh đặt cạnh nhau. Một, là Bác Hồ đứng trên lễ đài Quảng trường Đỏ năm 1957, đôi mắt sâu, gương mặt trầm mặc, nhìn những đoàn quân Liên Xô mà lòng hướng về dải đất hình chữ S còn chia đôi. Hai, là tấm hình Bác rạng rỡ đứng duyệt đội hình và “đang cùng chúng cháu hành quân” giữa các chiến sĩ thời đại mới, những người con, người cháu của Người hôm nay đang tiến bước giữa phố phường thành phố mang tên Bác, trong tiếng quân nhạc, trong sắc đỏ quân kỳ rạng rỡ, trong lòng tự hào dân tộc mãi mãi dâng trào…
Giữa hai bức tranh, là một dòng chảy không ngừng, dòng chảy của lý tưởng, của máu xương, của chiến thắng và trách nhiệm.
Không có cuộc diễu binh, duyệt binh nào là kết thúc. Mỗi cuộc diễu binh, duyệt binh dù năm 1955, 1975, 1985 hay 2025 đều là một lời nhắc: Hòa bình phải được bảo vệ, bằng “phải đâu đất hiểm cốt mình đức cao” như tiền nhân năm xưa dạy trong Bạch Đằng Giang phú.
Dân tộc Việt Nam đã giành lại được độc lập, nhưng giữ được hòa bình và phát triển thì phải tiếp tục hành quân trên các mặt trận mới. Những người lính hôm nay là người lính kinh tế, người lính công nghệ, người lính văn hóa. Họ phải tiếp tục “tổng tiến công” để xóa bỏ đói nghèo, để đẩy lùi lạc hậu, đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa, đẩy nhanh và mở rộng hội nhập kinh tế, có sức mạnh thực sự trong chuỗi giá trị toàn cầu và gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu từng mong muốn, như các cưu chiến binh nhắn nhủ “thế hệ các bác phải có huân chương chiến đấu, thế hệ các cháu không cần phải có huân chương ấy, hãy có những huân chương, huy chương trong học tập, lao động và hội nhập…
Lễ diễu binh năm 2025 không chỉ là một khúc quân hành trang trọng. Đó là bản giao hưởng của thời đại. Là lời nhắc nhở rằng lịch sử không dừng lại ở quá khứ. Lịch sử đang tiếp tục được viết bởi mỗi hành động hôm nay. Những bước chân hùng dũng của đoàn quân hôm ấy không chỉ là biểu tượng của sức mạnh, mà còn là niềm tin, là trách nhiệm, là lời thề sắt đá của thế hệ nối tiếp.
![]() |
Lễ diễu binh năm 2025 không chỉ là một khúc quân hành trang trọng. Đó là bản giao hưởng của thời đại. Ảnh: VTV |
Có người từng hỏi: Sau khi đất nước thống nhất, liệu Bác Hồ có vui không? Tôi tin rằng có. Không chỉ vì miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, mà vì những người con của Người vẫn đang viết tiếp những trang sử vàng mới trong hoà bình bằng chính cuộc sống hôm nay.
Và rồi, giữa những tiếng quân nhạc hùng tráng, những bước chân đều đặn qua lễ đài, con bỗng thì thầm trong lòng hai câu thơ của Tố Hữu:
“Vui gì hơn bằng mắt Bác Hồ cười
Quên tuổi già, tươi mãi tuổi đôi mươi!
Nếu con là họa sĩ, con sẽ vẽ Bác như thế. Một bức chân dung không bao giờ hoàn tất. Vì Người vẫn đang hiện diện trong từng nụ cười, từng trái tim, từng nhịp bước tiến về phía trước của cả dân tộc Việt Nam!