Sau gần 2 năm cam kết “Hai đi đầu, Ba cam kết” được ký kết giữa lãnh đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố với lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, vai trò của người đứng đầu trong mỗi đơn vị đã được thể hiện rõ ràng hơn và có những chuyển biến căn bản về trách nhiệm, cũng như trong các chỉ đạo, điều hành.
Những ngày cuối năm 2021, trong bối cảnh nội bộ lực lượng Quản lý thị trường có nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra trong quá trình thi hành công vụ... lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường đã triệu tập một cuộc họp đột xuất với 69 người đứng đầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục.
Cuộc họp diễn ra trong không khí nghiêm túc và căng thẳng, không có giờ giải lao và tất cả các thành viên dự họp đều không sử dụng điện thoại. Trong suốt 4 tiếng diễn ra, không có một nội dung nhắc về thành tích mà chỉ đề cập đến những tồn tại, hạn chế, thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm và đưa ra những giải pháp khắc phục.
Ngay sau cuộc họp này, bản cam kết “Hai đi đầu, Ba cam kết” đã được ra đời với 05 nội dung và người đứng đầu 69 đơn vị trong lực lượng (63 Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố và 6 đơn vị trực thuộc Tổng cục) đã đặt bút ký trực tiếp với Tổng Cục trưởng cam kết thực hiện trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong thực thi công vụ. Và sau đó, toàn bộ nội dung của cam kết đã được lãnh đạo các đơn vị triển khai ký đối với cấp Phòng, Đội.
Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức sơ kết triển khai công tác thực hiện cam kết "Hai đi đầu, Ba cam kết" trong toàn lực lượng |
Sau gần 2 năm thực hiện “Hai đi đầu, Ba cam kết”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh đánh giá, công tác điều hành chỉ đạo của lãnh đạo 69 đơn vị đã có nhiều chuyển biến tích cực. “Toàn lực lượng đã có chuyển biến trong nhận thức về trách nhiệm, công khai dân chủ, có ý thức hơn với vai trò của người đứng đầu, từ lãnh đạo Cục đến lãnh đạo cấp Phòng, cấp Đội”, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh đánh giá.
Cũng theo người đứng đầu Tổng cục, trong 2 năm triển khai cam kết, Tổng cục đã xây dựng nhiều quy trình, quy chuẩn trong công tác thực thi công vụ. Minh chứng là việc triển khai tiêu chí đánh giá cấp Cục trong năm 2022 và năm 2023 Tổng cục tiếp tục ban hành quy chuẩn đánh giá cấp Đội nhằm tạo ra sự công khai minh bạch, tạo áp lực cho các Đội Quản lý thị trường làm việc có tinh thần trách nhiệm hơn thay vì đánh giá mang tính hình thức như những năm trước đây.
Nhiều đơn vị đã thể hiện rõ vai trò của người đứng đầu, qua đó chất lượng công tác của một số Cục Quản lý thị trường được nâng lên đáng kể như: Thái Nguyên, Phú Yên, Tiền Giang, Hậu Giang... Dù là địa bàn nhỏ nhưng cách thức chỉ đạo điều hành, triển khai công việc của các Cục Quản lý thị trường trên rất hiệu quả. Điều đó thể hiện vai trò rất lớn của người đứng đầu trong đơn vị.
Bên cạnh việc nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, trong 2 năm qua, Tổng cục cũng triển khai nhiều hoạt động nâng cao chất lượng đội ngũ công chức. 2023 là năm thứ 3 liên tiếp Tổng cục tổ chức sát hạch về chuyên môn nghiệp vụ cho lãnh đạo, công chức trong toàn lực lượng. Bên cạnh đó, Tổng cục thường xuyên đổi mới phương sát hạch để công chức chủ động trong việc trau dồi kiến thức, kỹ năng.
Trong kỳ thi sát hạch năm 2023, Tổng cục công bố ngân hàng gồm 700 câu hỏi, không công bố đáp án. Tuy nhiên, rất nhiều đơn vị có công chức đạt kết quả cao trong kỳ sát hạch. Điển hình như Cục QLTT tỉnh Tiền giang có 47/53 công chức thi đạt loại giỏi, 31/47 người đạt loại giỏi đạt điểm tối đa 60/60, chỉ có 6 người đạt loại khá với mức điểm 54/60 điểm.
Lãnh đạo Tổng cục cho rằng, việc kiểm tra sát hạch là hình thức nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ công chức, nếu cần có thể xem xét để điều động, đề bạt, luân chuyển cán bộ dù không nằm trong tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm cán bộ.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh khẳng định, phải nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong các đơn vị |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cũng thẳng thắn nhìn nhận, sau gần 2 năm triển khai cam kết, “văn hóa” đơn thư trong lực lượng Quản lý thị trường vẫn chưa giảm; trình độ chuyên môn của lực lượng vẫn còn yếu và chưa đồng đều; tỷ lệ hồ sơ sai sót trong xử phạt vi phạm hành chính còn cao; công tác thanh tra kiểm tra còn mang tính hình thức; vẫn còn hiện tượng công chức có hành vi nhũng nhiễu, vi phạm trong kê khai tài sản, vi phạm trong công tác thanh tra, kiểm tra, đạo đức công vụ...
Đưa ra giải pháp trong thời gian tới, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh khẳng định, phải nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong các đơn vị. Do đó, trong thời gian tới, bản cam kết “Hai đi đầu, Ba cam kết” đã được điều chỉnh nội dung so với trước đây.
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc đi đầu, làm gương trong việc thực hiện quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và những việc công chức không được làm; thực hiện Quy tắc ứng xử; thực hiện luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác định kỳ theo quy định; quyết liệt thực hiện và triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của đơn vị theo quy định và chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường. Đồng thời, bản cam kết cũng chú trọng đến việc đi đầu, làm gương trong việc duy trì nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong đơn vị; kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong thực thi công vụ.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh đề nghị, lãnh đạo 69 đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục cần ý thức được nhiệm vụ của bản thân, kỳ vọng và đòi hỏi của Bộ Công Thương, của Tổng cục, của doanh nghiệp, người dân và xã hội về hoạt động của lực lượng từ đó cụ thể hóa trách nhiệm bằng các hoạt động, kết quả các nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, lãnh đạo Tổng cục cũng đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai ký cam kết ở cơ sở để người đứng đầu các đơn vị cấp Phòng, Đội ý thức được nhiệm vụ, lan tỏa tinh thần trong toàn lực lượng để quy chuẩn hóa các quy trình triển khai nghiệp vụ, công khai minh bạch, xử phạt nghiêm minh, tạo môi trường công bằng, bình đẳng.
Khánh An
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|