Nền kinh tế Việt Nam cơ bản đã vượt qua “những cơn gió ngược” nhưng nhiều động lực tăng trưởng chính chậm lại

(Banker.vn) Đánh giá nền kinh tế Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua thách thức trước “những cơn gió ngược” song Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ khó khăn phía trước vẫn còn, trong đó, nhiều động lực tăng trưởng chính đang có dấu hiệu chậm lại, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn,…

Phát biểu khai mạc diễn đàn Kinh tế - xã hội 2023 với chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững" sáng ngày 19/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đại dịch COVID-19 để lại nhiều “di chứng” nặng nề không chỉ đối với sức khỏe của con người, mà còn ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và những hệ quả khôn lường. Đặc biệt, từ quý IV/2022, các động lực tăng trưởng, sản xuất công nghiệp của Việt Nam… có xu hướng chậm lại khi các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu lớn của nước ta bị thu hẹp, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

chu-tich-qh.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Media Quốc hội

Trong bối cảnh đó, các chính sách đề xuất tại diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2022 tiếp tục được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu để xây dựng, ban hành các quyết sách mạnh mẽ, ứng phó kịp thời với tình hình mới như chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, triển khai các gói tín dụng,…

Chủ tịch Quốc hội đánh giá chính nhờ các chính sách, giải pháp đúng đắn, kịp thời, chưa từng có tiền lệ thời gian qua, Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước “những cơn gió ngược” và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.

Nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, xếp hạng tín nhiệm quốc gia và vị thế quốc tế tiếp tục được cải thiện. Trong 8 tháng đầu năm 2023, thu hút vốn đầu tư FDI, giải ngân đầu tư công, khu vực dịch vụ có chuyển biến tích cực hơn; một số địa bàn công nghiệp trọng điểm phục hồi hoặc duy trì đà tăng nhanh; công tác an sinh xã hội được quan tâm.

dienan.jpg
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Media Quốc hội

Theo Chủ tịch Quốc hội, mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng thời gian qua, có thể nhận thấy, nền kinh tế đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng GDP cho hai quý còn lại của năm, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn. Nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.

Từ một số hạn chế trong xuất khẩu hàng hóa, thu hút FDI, đầu tư công, khu vực công nghiệp và xây dựng, tiêu dùng, dịch vụ, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đất nước đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách; trong đó nhiều diễn biến mới xuất hiện, gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo. Trong nước, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn.

“Đây đều là những vấn đề vừa cơ bản, dài hạn, vừa mang tính thời sự, cấp bách, đòi hỏi phải có giải pháp ứng phó ngay trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

thien.jpg
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ảnh: Media Quốc hội

Cũng tại diễn đàn, đánh giá về thực trạng của nền kinh tế Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, sau 3 năm trải qua đại dịch COVID và vượt qua khó khăn, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng.

Theo ông Thiên, thành tích đó chứng tỏ “năng lực trụ hạng”, khả năng “đối mặt các cơn gió ngược” rất ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam xứng đáng với lời khen tặng “là ngôi sao sáng giữa bầu trời kinh tế thế giới ảm đạm” cũng như đánh giá tích cực của cộng đồng thế giới về sức hấp dẫn đầu tư và triển vọng tươi sáng.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này lưu ý nhìn xuyên suốt quá trình thực tiễn, có những vấn đề lớn đặt ra. Trước hết là xu hướng suy giảm liên tục và kéo dài ảnh hưởng tới động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Cùng với đó, quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thường chứa đựng “nghịch lý” là doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành; Nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn...

PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”, dẫn tới chỗ cơ thể kinh tế bị suy yếu, bị tổn thương và bất ổn.

Do đó, để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, ông Thiên cho rằng, cần hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin - cho”, “hành chính”; ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường (cạnh tranh). Các thị trường đầu vào càng đồng bộ, hiệu quả phát triển càng cao.

Ngoài ra, cần đảm bảo hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng, vận hành thông minh. Bởi theo ông Thiên, vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển.

Để giải quyết nhiệm vụ đó, định hướng ưu tiên chính là phát triển đúng hướng và đúng cách các thị trường; xây dựng một bộ máy quản trị và điều hành phát triển thông minh, biết dựa vào thị trường và có trách nhiệm.

Hoàng Hà

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ