Nền kinh tế có thể đối mặt với một cuộc suy thoái mang tính cơ cấu

(Banker.vn) Công ty TNHH Chứng khoán Maybank (MBKE) vừa công bố báo cáo chiến lược thị trường và tiêu điểm kinh tế vĩ mô, nhấn mạnh việc lãi suất cao có thể khiến Việt Nam gặp một “kịch bản xấu”.
Hiện xu hướng lãi suất tiền gửi bắt đầu có dấu hiệu giảm nhiệt, nhưng chỉ ở mức độ nhẹ
Hiện xu hướng lãi suất tiền gửi bắt đầu có dấu hiệu giảm nhiệt, nhưng chỉ ở mức độ nhẹ.

MBKE nhận định, các quy định và giám sát được nới lỏng quá mức trong quá khứ đã khuyến khích phát hành trái phiếu để tài trợ cho các hoạt động đầu cơ đất đai và tài sản rủi ro, tạo ra một quả bom tiềm ẩn cho thị trường trái phiếu, như sự tham gia của các nhà đầu tư nhỏ lẻ cao bất thường.

Trong khi thị trường trái phiếu là nguồn vốn quan trọng nhất cho các nhà phát triển bất động sản trong nước, việc kiểm soát thị trường trái phiếu, bao gồm việc ban hành Nghị định 65, đã tạo ra tình trạng khủng hoảng thanh khoản cho thị trường bất động sản trong bối cảnh nhu cầu yếu.

Việc tái cấp vốn cho 8,4 tỷ USD và 7,7 tỷ USD trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 và 2024 sẽ là một thách thức lớn đối với thị trường bất động sản. Nếu nút thắt chính sách này không được giải quyết kịp thời, Việt Nam có thể gặp một "kịch bản xấu", tức là một cuộc suy thoái mang tính cơ cấu trong đó lãi suất vay quá cao (lợi suất trái phiếu trên 15%; lãi suất cho vay trên 12,5%) để có thể chi trả dịch vụ giá trị gia tăng.

Hiện xu hướng lãi suất tiền gửi bắt đầu có dấu hiệu giảm nhiệt, nhưng chỉ ở mức độ nhẹ và các nhận định đưa ra, phải đến đầu quý III/2023, lãi suất tiền gửi mới có thể giảm dần sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giãn lộ trình tăng lãi suất USD.

Trong khi đó, lạm phát Việt Nam năm 2022 được kiểm soát ở mức 3,15%, định hướng năm 2023 dưới 4,5%. Còn lãi suất tiết kiệm tăng từ 9,5 - 13%/năm kể từ tháng 10/2022 và duy trì mức tối đa 9,5%/năm hiện nay. Vì vậy, giới phân tích nhận định, lãi suất huy động vốn của các nhà băng cao gấp đôi, gấp ba so với lạm phát.

Điều này đẩy lãi vay đối với khách hàng lên 12 - 15%/năm, thậm chí cao hơn khiến người cần vốn khó có thể chống chịu nổi khi chi phí lãi vay quá cao hay nói cách khách là lãi suất thực của Việt Nam hiện nay cao hơn nhiều so với quốc tế.

Mặt khác, lãi suất cho vay thường có độ trễ so với lãi suất đầu vào, do đó trước mắt khách hàng khó có thể kỳ vọng lãi vay giảm và nguồn vốn giá rẻ khó có thể được ngân hàng áp dụng mức lãi suất ưu đãi phổ biến trong bối cảnh hiện nay.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, với mức lãi suất cho vay hiện nay quanh 15%/năm thì dù hạn mức tín dụng được tăng trưởng ở mức cao hơn năm trước khách hàng cũng sẽ khó có thể tiếp cận được dòng vốn này.

Điều này sẽ tác động đến tăng trưởng của nền kinh tế khi nguồn vốn dành cho thị trường hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, trong khi các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu, cổ phiếu đang gặp nhiều khó khăn.

Còn đối với những khách hàng chấp nhận vay vốn ngân hàng với lãi suất quanh 15%/năm chủ yếu chỉ giải quyết vấn đề thanh khoản chứ mức lãi này chưa khuyến khích vay tiêu dùng, còn sản xuất kinh doanh, đầu tư thì không thể.

Quang Đăng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán