Nên ăn bao nhiêu quả trứng/tuần thì tốt cho sức khỏe?

(Banker.vn) Trứng là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, dễ chế biến. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều lại không tốt cho sức khỏe. Vậy ăn bao nhiêu quả trứng/tuần là đủ?
Cách bảo quản trứng gà tươi ngon, không bị mất chất dinh dưỡng Chăng băng rôn "giải cứu" trứng gà: Nông sản Việt đừng lấy "đá ghè chân mình"

Giá trị dinh dưỡng của từng loại trứng

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, không phải lượng dinh dưỡng của tất cả các quả trứng đều như nhau. Dinh dưỡng của một quả trứng phụ thuộc vào kích thước của quả trứng đó. Cụ thể, trứng nhỏ (38g): 54 calo; trứng vừa (44g): 63 calo; trứng lớn (50g): 72 calo; trứng rất lớn (56g): 80 calo; trứng đại (63g): 90 calo. Đây là hàm lượng calo của 1 quả trứng chưa qua chế biến.

Nên ăn bao nhiêu quả trứng/tuần thì tốt cho sức khỏe?
Nên ăn bao nhiêu quả trứng/tuần thì tốt cho sức khỏe

Sau khi chế biến, thêm dầu, bơ, hoặc ăn với thịt xông khói, xúc xích, phomai thì hàm lượng calo của quả trứng sẽ tăng lên đáng kể. Trung bình một quả trứng gà chứa 187mg cholesterol.

Chuyên gia dinh dưỡng đã phân tích giá trị cụ thể của mỗi loại quả trứng như sau: Trứng gà: Lòng đỏ là thành phần quan trọng nhất của trứng, trong 100 gram có protein 13,6 gram; lipid 29,8 gram; 134 mg canxi; sắt 7,0 mg; kẽm 3,7 mg; folat 146 μmg; vitamin A 960 μg; cholesterol 2.000mg và có rất nhiều các vitamin và khoáng chất khác, cũng như acid béo không no một hay nhiều nối đôi.

Trứng gà cũng là nguồn vitamin và chất khoáng tốt. Các chất khoáng như sắt, kẽm, đồng, mangan, iot... Các vitamin như B1, B6, A, D, K thường tập trung đa phần ở lòng đỏ.

Thành phần của lòng trắng có ít chất dinh dưỡng hơn, trong 100 gram có 10,3 gram protein; canxi 19 mg. Chất đạm của lòng trắng chủ yếu là Albumin và cũng có thành phần các acid amin tương đối toàn diện.

Cả trong lòng đỏ và lòng trắng trứng đều có chất Biotin (vitamin B8), tham gia vào chu trình sản xuất năng lượng của cơ thể.

Trứng vịt: Có kích thước gấp 30% so với trứng gà nhưng lượng calo trong trứng vịt cao gấp đôi trứng gà. Các amino axit trong hai loại trứng này tương tự nhau nhưng ở trứng vịt nhiều hơn về số lượng.

So với trứng gà thì trứng vịt có hàm lượng các chất như sau: Tinh bột, khoáng chất tương đương; lượng protein cao hơn; chất béo bão hòa và không bão hòa cao hơn; thành phần cholesterol cao hơn. Điều này lý giải vì sao những người có tiền sử mắc bệnh tim mạch nên hạn chế ăn trứng vịt.

Trứng chim cút: Mặc dù kích cỡ nhỏ hơn nhiều so với trứng gà và trứng vịt nhưng trứng cút lại giàu dưỡng chất, ít chất béo hơn so với trứng gà và trứng vịt. Bên cạnh đó, trong trứng cút còn có chứa những loại amino axit, khoáng chất, vitamin tương tự như trứng gà và trứng vịt.

Nên ăn bao nhiêu quả trứng 1 tuần?

Trứng là thức ăn quen thuộc và giàu chất dinh dưỡng, tuy nhiên với người lớn, một tuần chỉ nên ăn 3 quả trứng. Người bị cao huyết áp hoặc cholesterol cao trong máu vẫn có thể ăn trứng nhưng một tuần chỉ nên ăn 2 quả. Riêng với trứng ngỗng chỉ nên ăn 1 quả/tuần.

Trẻ nhỏ dưới 5 - 6 tháng tuổi, một tuần chỉ nên ăn 3 lần, mỗi lần một nửa lòng đỏ trứng gà dưới dạng nhuyễn như nấu bột hay nấu cháo. Trẻ trên 7 tháng, mỗi bữa ăn 1/2 lòng đỏ trứng gà. Với trẻ từ 8 - 9 tháng tuổi, mỗi bữa ăn 1 lòng đỏ trứng gà. Trẻ từ 10 - 12 tháng tuổi ăn cả lòng đỏ và lòng trắng, mỗi bữa ăn 1 quả. Với trẻ từ 1 - 2 tuổi ăn từ 3 - 4 quả/tuần.

Chuyên gia cũng lưu ý, một quả trứng lớn chứa 187mg cholesterol, cao hơn một nửa so với lượng khuyến nghị. Ăn quá nhiều dễ gây tình trạng tăng cholesterol trong máu, xơ vữa động mạch.

Chất béo trong trứng có thể ảnh hưởng lớn đến lượng đường trong máu. Chúng có thể làm tăng kháng insulin, nghĩa là lượng đường trong máu không được sử dụng để tạo năng lượng như bình thường. Kết quả, tuyến tụy sẽ tạo ra nhiều insulin hơn và lượng đường trong máu sẽ tăng lên.

Vì vậy, Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị, nên ăn càng ít cholesterol càng tốt. Mỗi người không nên ăn quá 300 mg cholesterol mỗi ngày. Với những người mắc bệnh tim mạch, nên ăn ít hơn người bình thường.

Nhiều chuyên gia khuyên rằng, khi dùng trứng gia cầm để chế biến món ăn nên sử dụng ít lòng đỏ và tăng lượng lòng trắng trứng sẽ tốt hơn cho sức khỏe.

Theo các nhà dinh dưỡng học, nếu ăn trứng gà sống thì tỷ lệ hấp thu và tiêu hóa chỉ chiếm 40%, ở trứng luộc là 100%, trứng rán chín tới 98,5%, trứng rán già 81%, trứng ốp 85%, trứng chưng 87,5%. Do đó nên ăn trứng luộc, không những đảm bảo được chất dinh dưỡng như protein, lipid, khoáng chất... mà các vitamin bị mất đi ít.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương