NĐT cá nhân mua ròng nghìn tỷ đầu tháng 7 khi margin được cấp lại, tâm điểm vẫn là VPB sau tin cổ tức khủng

(Banker.vn) Dòng tiền gần 1,4 tỷ USD trên toàn sàn đưa VN-Index lên vùng đỉnh cao nhất 1.417 điểm. Các cá nhân là nhóm mua ròng duy nhất trong phiên với lực mua ròng 1.067 tỷ đồng, tập trung ở VPB, CTG.

Chỉ số bứt phá, thanh khoản bùng nổ phiên đầu tháng 7

Sau nhịp điều chỉnh nhẹ cuối tháng 6, phiên giao dịch đầu tháng 7 khép lại với sắc xanh tím lan tỏa toàn thị trường. VN-Index đóng cửa cao nhất phiên đồng thời xác lập vùng đỉnh mới tại 1.417,08 điểm, tăng 8,53 điểm (0,61%) so với phiên trước đó. 

Theo quan sát, lực kéo từ các cổ phiếu trụ đẩy VN30-Index kết phiên tăng 16,14 điểm lên vùng giá cao nhất trong lịch sử, 1.545,14 điểm. Tính tới hiện tại, VN30-Index đang cao hơn VN-Index 128,06 điểm.

Đi cùng sự bứt phá của chỉ số, phiên hôm nay cũng đánh dấu sự trở lại của dòng tiền gần 1,4 tỷ USD trên toàn sàn. Giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 31.183 tỷ đồng, tăng 27,5% so với phiên liền trước. Riêng trên sàn HOSE, thanh khoản trong phiên đạt 25.563 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản cao nhất kể từ ngày 8/6/2021. Dường như tâm lý thị trường đã lạc quan trở lại khi hệ thống giao dịch mới sắp được đưa vào vận hành, giúp VN-Index tiếp tục tiến về các ngưỡng cao mới.

Dòng tiền quay lại với cổ phiếu ngành thép và ngân hàng, nhưng có sự phân hóa ở nhóm bất động sản. Thống kê 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số, VPB (tăng 3,99%), HPG (2,52%) và GVR (4%) đóng góp tới 4,2 điểm cho đà tăng của VN-Index. Tuy vậy, sắc đỏ tại ba ông lớn ngành bất động sản là VHM, NVL và VIC là lực cản của chỉ số.

Nhìn vào giao dịch theo nhóm nhà đầu tư, dòng tiền mua dồi dào từ các cá nhân trong nước là động lực chính đưa VN-Index bứt phá. Theo ghi nhận trong phiên, NĐT cá nhân quay lại là nhóm mua ròng duy nhất với 1.005 tỷ đồng, trong đó mua ròng khớp lệnh 1.067 tỷ đồng trên sàn HOSE.

Động thái mua ròng của NĐT cá nhân diễn ra sau khi nhiều công ty chứng khoán cấp margin trở lại trong ngày đầu tháng 7. Trước đó, việc hạn chế margin để "chốt số" phần nào ảnh hưởng đến sức mua của nhóm đang chiếm giá trị giao dịch lớn nhất thị trường này.

Tổ chức trong nước, khối ngoại và tự doanh công ty chứng khoán đều đồng loạt bán ròng trong phiên vượt đỉnh. Giá trị bán khớp lệnh trên sàn HOSE tại ba nhóm này lần lượt là 576,3 tỷ đồng, 417,8 tỷ đồng và 73,2 tỷ đồng.

Lực mua bùng nổ tại nhóm ngân hàng đưa NĐT cá nhân trở lại cán cân mua ròng

Sự bùng nổ tại cổ phiếu nhóm ngân hàng đã đóng góp tới 72,6% giá trị mua ròng trong phiên của NĐT cá nhân. Lực mua khớp lệnh tại nhóm này đạt 919 tỷ đồng, tăng đột biến 12,7 lần so với phiên cuối tháng 6. 

Nhóm bất động sản cũng quay lại chiều mua ròng sau phiên bán nhẹ liền trước. Theo ghi nhận, các cá nhân trong nước đã vào ròng 125 tỷ đồng tại nhóm này.

Trái chiều, dòng tiền các cá nhân rút ròng khỏi ngành thực phẩm & đồ uống với giá trị 115 tỷ đồng, tăng 1,63 lần. Một số ngành ghi nhận giá trị rút ròng nhẹ khoảng 30 tỷ đồng trong phiên là dầu khí và điện, nước & xăng dầu khí đốt.

VPB, CTG, STB áp đảo tại chiều mua ròng

Bộ ba ngành ngân hàng gồm VPB, CTG, STB dẫn đầu danh sách mua ròng trong phiên. Cụ thể, VPB của VPBank được mua ròng 410,3 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh, tăng mạnh 64% so với phiên trước. Giao dịch bùng nổ đưa VPB lên vị trí dẫn đầu trong top ảnh hưởng tích cực tới chỉ số trong phiên. 

Lực cầu dồi dào tại VPB xuất hiện sau khi ngân hàng này dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ lên tới 80%. Đóng cửa phiên 2/7, giá cổ phiếu VPB ở 70.400 đồng, tăng 3,99% sau phiên giao dịch tích cực.

Theo sau VPB, CTG góp mặt vào nhóm mua ròng trăm tỷ sau khi công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm ước đạt 13.000 tỷ đồng, với tổng tài sản tăng 8%. Tuy đóng cửa giảm điểm nhẹ 0,57%, cổ phiếu này vẫn ghi nhận giá trị mua ròng khủng 387 tỷ đồng.

Cũng là cái tên thuộc nhóm ngân hàng, STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín dừng chân ở vị trí thứ ba với 201,1 tỷ đồng mua ròng trong phiên. Dòng tiền còn tìm đến NVL của Novaland với giá trị 124,8 tỷ đồng.

Cùng chiều, lực mua của các cá nhân cũng phân bổ tại các mã GMD (62,4 tỷ đồng), HPG (57 tỷ đồng), VCI (49,6 tỷ đồng), MWG (40,1 tỷ đồng), VHM (25,3 tỷ đồng) và DPM (24,2 tỷ đồng).

Ở chiều giao dịch ngược lại, không có cổ phiếu nào ghi nhận giá trị rút ròng trên 100 tỷ đồng từ các cá nhân.

Tuy cũng thuộc nhóm ngân hàng, dòng tiền NĐT cá nhân lại rút mạnh nhất khỏi VCB của Vietcombank với giá trị bán ròng 70,1 tỷ đồng. Hai cổ phiêu BID và HDB lần lượt theo sau với giá trị rút ròng nhẹ là 30,3 tỷ đồng và 29 tỷ đồng.

Hai đại gia ngành thực phẩm & đồ uống là MSN (Masan) và VNM (Vinamilk) lần lượt năm trong Top3 bán ròng của NĐT cá nhân. Theo thống kê, các cá nhân trong nước đã rút ròng tổng cộng 109 tỷ đồng khỏi hai mã này, đưa nhóm thực phẩm & đồ uống trở thành nhóm bị bán mạnh nhất trong phiên.

Bên cạnh đó, một số mã ghi nhận giá trị rút ròng nhẹ trong phiên gồm KDH (30,6 tỷ đồng), PLX (28,2 tỷ đồng), GAS (28,2 tỷ đồng). Hai cổ phiếu PVT và GVR cũng góp mặt với giá trị bán ròng cùng đạt 19,5 tỷ đồng.

PV

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán