NCB “ghi điểm” nhờ kinh doanh ngoại hối, tiền gửi có kỳ hạn tăng cao kỷ lục

(Banker.vn) Hoạt động kinh doanh ngoại hối tiếp tục là điểm sáng của NCB với 62 tỷ đồng, cùng với đó, tiền gửi có kỳ hạn đạt hơn 67.474 tỷ đồng, là mức cao nhất trong 6 quý qua.

Ngân hàng Nhà nước sắp sửa đổi quy định tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN

Chủ tịch ABBank Đào Mạnh Kháng: Ngân hàng không ép khách hàng mua bảo hiểm

BIDV lãi gần 6.920 tỷ đồng trong quý I/2023, vươn lên “á quân” toàn hệ thống

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB - Mã: NVB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 với lợi nhuận trước thuế và trước trích lập dự phòng đạt 45,6 tỷ đồng.

Quý đầu năm, thu nhập lãi thuần của ngân hàng giữ ổn định ở mức 260 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ sụt giảm. Trong khi đó hoạt động kinh doanh ngoại hối tiếp tục là điểm sáng của NCB đạt mức 62 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm 2022.

NCB kinh doanh ổn định, tăng trưởng khách hàng mới tích cực trong quý I/2023
NCB kinh doanh ổn định, tăng trưởng khách hàng mới tích cực trong quý I/2023

Tính đến 31/3/2023, tổng tài sản của NCB đạt 82.932 tỷ đồng. tổng cho vay khách hàng duy trì ở mức hơn 47.701 tỷ đồng, tổng huy động khách hàng là 72.204 tỷ đồng.

NCB cho biết trong quý I, ngân hàng tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng khách hàng mới trong quý I/2023, quy mô khách hàng đạt hơn 748.000 khách hàng, tăng 3% so với cuối 2022, tiến gần hơn với mục tiêu 1 triệu khách hàng mà NCB đã đặt ra tại kỳ Đại hội đồng cổ đông vừa qua.

Đáng chú ý, tiền gửi có kỳ hạn của khách hàng trong kỳ đạt hơn 67.474 tỷ đồng, đây là mức cao nhất trong 6 quý vừa qua.

Các tỷ lệ an toàn hoạt động của NCB cũng tiếp tục duy trì và đảm bảo giới hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tính đến ngày 31/3/2023, tỷ lệ dự trữ thanh khoản duy trì ở mức 14,12%, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn đạt 23,6%, tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trong quý I, tổng số dư nợ xấu của NCB ở mức 10.969 tỷ đồng. Ngân hàng cho biết tỷ lệ nợ xấu tăng cao do ngân hàng thực hiện phân loại lại nợ xấu, nợ quá hạn theo đúng tình trạng khoản nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Đặc biệt là sau khi các thông tư quy định về việc cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho vay khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 đã hết hiệu lực từ 30/6/2022 làm cho áp lực trả nợ đè nặng lên khách hàng.

Bên cạnh đó, nền kinh tế chung có xu hướng suy giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của khách hàng, nhất là những tác động tiêu cực từ thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, xu hướng lãi suất tăng, và tín dụng bị thắt chặt khiến một số khoản nợ chuyển nhóm. Hiện nay NCB đang tiếp tục có các biện pháp tích cực và quyết liệt hơn để kiểm soát và xử lý nợ.

Chi tiết cơ cấu các nhóm nợ của NCB. (Nguồn: BCTC hợp nhất NCB).
Chi tiết cơ cấu các nhóm nợ của NCB. (Nguồn: BCTC hợp nhất NCB).

Về kế hoạch năm nay, ngân hàng đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 đạt quy mô tổng tài sản 94.500 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Huy động khách hàng đạt 78.000 tỷ đồng và cho vay khách hàng đạt 57.700 tỷ đồng, tăng lần lượt 6% và 21% so với đầu năm.

Lợi nhuận trước trích lập theo phương án cơ cấu lại đề ra cho năm 2023 là 16 tỷ đồng, giảm 61% so với năm 2022. Quy mô khách hàng mục tiêu là 1 triệu khách hàng.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của NCB vừa qua cũng đã thông qua việc phát hành riêng lẻ thêm tối đa 620 triệu cổ phiếu, tương đương 111% vốn điều lệ, với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 6.200 tỷ đồng, nhằm tăng vốn điều lệ từ 5.601 tỷ đồng lên 11.800 tỷ đồng.

Biến động vốn điều lệ của NCB
Biến động vốn điều lệ của NCB.

Đại diện ban lãnh đạo NCB cho biết việc tăng vốn điều lệ là cần thiết nhằm nâng cao năng lực tài chính và các chỉ số an toàn hoạt động. Đồng thời, việc tăng vốn điều lệ cũng giúp NCB có thêm nguồn lực đầu tư cho nền tảng công nghệ phục vụ chuyển đổi số và đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu vốn của khách hàng...

Việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn dự kiến hoàn thành trong 3 năm, từ 2023 - 2025. Các đợt chào bán cách nhau ít nhất 6 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán gần nhất. Giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu.

Đại hội đồng cổ đông cũng thông qua việc miễn nhiệm 2 thành viên ban kiểm soát là bà Trần Thị Hà Giang và bà Trần Thị Minh Huệ. Hai bà này có đơn xin từ nhiệm vì lý do cá nhân và sau khi miễn nhiệm vẫn mong muốn được tiếp tục cống hiến cho NCB.

Đồng thời, đại hội đồng cổ đông cũng thông qua bầu bổ sung bà Đỗ Thị Đức Minh và ông Nguyễn Văn Quang làm thành viên ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025.

Ban kiểm soát đã họp và bầu vị trí trưởng ban kiểm soát mới, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với bà Đỗ Thị Đức Minh. Trước đó, ngày 7-4, ngân hàng đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh phó tổng giám đốc đối với bà Đỗ Thị Đức Minh.

Quang Huy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán