Theo tạp chí Foreign Affairs, khi chiến sự ở Ukraine nổ ra và chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ đang nóng lên, các nhà lãnh đạo NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) phải vật lộn với việc làm thế nào để liên minh luôn sẵn sàng cho mọi kết quả có thể xảy ra.
Trong khi đó, bất cứ ai trở thành ông chủ Nhà Trắng đều sẽ tiếp tục chuyển nguồn lực của Mỹ sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo giới chuyên gia, An ninh xuyên Đại Tây Dương sẽ được xây dựng trên 2 trụ cột: sức mạnh của Mỹ và sức mạnh của châu Âu.
Nhiều chuyên gia thường cho rằng, NATO được xây dựng dựa trên sức mạnh của Mỹ, nhưng trên thực tế, cam kết về an ninh tập thể xuất hiện đầu tiên ở châu Âu. Năm 1948, Bỉ, Pháp, Luxembourg, Hà Lan và Vương quốc Anh đã ký Hiệp ước Brussels, trong đó có điều khoản phòng thủ chung. Hiệp ước đã thuyết phục Quốc hội Mỹ vốn vẫn hoài nghi việc các nước châu Âu sẽ là đối tác quốc phòng tận tâm trong Chiến tranh Lạnh đang nổi lên và cuối cùng Mỹ đã đồng ý thành lập NATO vào năm 1949.
NATO có thể xem là tổ chức liên minh quân sự lớn nhất thế giới và họ có những đối thủ đáng gờm trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: Pixabay |
Châu Âu đã dựa vào sự bảo đảm an ninh của Mỹ trong suốt Chiến tranh Lạnh. Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, có một số dấu hiệu cho thấy châu Âu có thể đóng vai trò tích cực hơn trong phòng thủ. Các tài liệu như Khái niệm chiến lược năm 1991 của NATO và Hiệp ước Maastricht năm 1992 đề cập đến việc châu Âu đảm nhận các trách nhiệm phòng thủ mới nhằm củng cố “trụ cột châu Âu của liên minh Đại Tây Dương”.
Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi Liên Xô tan rã, châu Âu đã mất cảnh giác. Chi tiêu quốc phòng trung bình ở các nước châu Âu đã giảm từ hơn 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong Chiến tranh Lạnh xuống còn 1,6% GDP vào năm 1995. Các cuộc chiến tranh Balkan những năm 1990 cho thấy sự suy tàn của lực lượng châu Âu. Khi NATO can thiệp, quân đội Mỹ thực hiện phần lớn nhiệm vụ trong cuộc chiến.
Kinh nghiệm ở Balkan đã thúc đẩy những thay đổi trong EU. Năm 1998, Pháp và Vương quốc Anh đã ký tuyên bố Saint-Malo, lần đầu tiên hứa hẹn về một chiến lược phòng thủ chung của châu Âu và đặt nền móng cho lực lượng quân sự của EU. Mặc dù các quan chức Mỹ đã bày tỏ thất vọng trước khả năng an ninh yếu kém của châu Âu trong cuộc khủng hoảng Balkan, nhưng Washington vẫn lo ngại hơn rằng một châu Âu ngày càng tự chủ sẽ làm suy yếu quyền lực của Mỹ trong NATO và đe dọa sự gắn kết của liên minh.
Mỹ nhấn mạnh, EU không thể áp dụng các chính sách tiêu tốn các nguồn lực của NATO một cách không cần thiết, tách rời hệ thống phòng thủ của châu Âu khỏi NATO hoặc phân biệt đối xử với các thành viên NATO không thuộc EU. Những cuộc thảo luận về trụ cột châu Âu đã không còn phù hợp nữa và những nỗ lực của EU nhằm tăng cường năng lực phòng thủ chỉ mang lại kết quả hạn chế.
Trụ cột châu Âu hiện nên là mục tiêu để theo đuổi chứ không phải là thứ để né tránh. Một châu Âu mạnh mẽ trong NATO sẽ không chia liên minh làm 2 hoặc yêu cầu NATO chuyển giao trách nhiệm phòng thủ tập thể cho EU.
Trụ cột châu Âu của NATO nên được coi là tổng hợp những nỗ lực của người châu Âu nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của châu Âu, dù thể chế nào đảm nhận trách nhiệm. Các sáng kiến do NATO, EU, hợp tác song phương và các quan hệ đối tác linh hoạt khác thúc đẩy đều có thể củng cố trụ cột này.
Mới đây, Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Washington từ ngày 9-11/7. Ngoài lãnh đạo các nước thành viên, đại diện của 35 quốc gia đối tác với NATO được mời tham dự. Đây cũng là lần thứ 3 liên tiếp, kỳ hội nghị thượng đỉnh của NATO có khách mời từ các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Chương trình nghị sự của hội nghị tập trung thảo luận về tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ, cũng như hỗ trợ Ukraine. Được thành lập ngày 4/4/1949, NATO mang sứ mệnh là tổ chức chính trị-quân sự chịu trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ của các thành viên. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, NATO hiện là liên minh quân sự lớn và lâu đời nhất thế giới. Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập khối đồng minh quân sự xuyên Đại Tây Dương. Diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, với thách thức an ninh ngày càng gia tăng, Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington thảo luận hàng loạt vấn đề liên quan đến tăng cường sức mạnh quân sự, đồng thời tìm cách thu hẹp bất đồng trong nhiều vấn đề còn gây tranh cãi trong khối. |