Nâng mức phạt đối với tư vấn viên ép khách mua bảo hiểm

(Banker.vn) Tư vấn viên ép khách mua bảo hiểm sẽ bị phạt tiền lên tới 100 triệu đồng. Đấy là nội dung được đưa ra trong dự thảo sửa đổi Nghị định của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm và xổ số do Bộ Tài chính chủ trì.

Cụ thể, Bộ Tài chính nâng mức xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm đối với cá nhân từ mức 40 - 50 triệu đồng/ cá nhân vi phạm lên mức 90 - 100 triệu đồng/cá nhân vi phạm.

Đối với cá nhân là tư vấn viên bảo hiểm được xem là có hành vi vi phạm như không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho người mua về quyền lợi, điều khoản loại trừ trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của bên mua khi giao kết hợp đồng bảo hiểm; không cung cấp cho bên mua bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Nâng mức phạt đối với tư vấn viên ép khách mua bảo hiểm
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cùng với đó, các hành vi được coi là vi phạm như tư vấn viên có hành vi đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm; tài liệu giới thiệu sản phẩm không phản ánh trung thực các thông tin cơ bản tại quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm; không thể hiện rõ việc tham gia bảo hiểm không phải là yêu cầu bắt buộc để thực hiện hay hưởng một dịch vụ nào khác của đối tác phân phối; triển khai sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định…

Dự thảo cũng đề xuất xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về sản phẩm bảo hiểm, hoa hồng bảo hiểm. Theo đó, phạt tiền từ 60 - 70 triệu đồng.

Các hành vi bị phạt ở mức này gồm: Cung cấp sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm vi mô trước khi đăng ký và được Bộ Tài chính chấp thuận phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Ngoài ra, quy định của Nghị định cũng xử phạt đối với tổ chức để xảy ra sai phạm với mức tiền tối đa là 200 triệu đồng. Bộ Tài chính đề nghị trường hợp vi phạm nêu trên sẽ thu hồi Giấy phép đặt văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại Điều 77 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15, khoản 1 Điều 61 Nghị định 46/2023/NĐ-CP của Chính phủ đối với hành vi vi phạm điểm a khoản 1 Điều này.

Thu hồi giấy phép thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 75 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 đối với hành vi vi phạm điểm b khoản 1 Điều này.

Thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 75 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 đối với hành vi vi phạm điểm c khoản 1 Điều này.

Tháng 7/2023, Bộ Tài chính đã công bố kết luận thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife.

Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nói trên có 4 sai phạm như: Không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; Không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; Cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng ipad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và Không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…

Theo Bộ Tài chính, đây là những hành vi sai phạm sẽ được Bộ Tài chính xem xét xử phạt hành chính theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh và tạo sự răn đe đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Các quyết định xử phạt sau khi ban hành sẽ được công khai với các cơ quan báo chí và dư luận nhằm đảm bảo khách quan, minh bạch.

Đánh giá về mức phạt mới tại dự thảo, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng, dù mức phạt đã tăng gấp đôi so với hiện nay nhưng vẫn là mức phạt quá ít, không đủ để khiến các cá nhân hay doanh nghiệp sợ. Ông Đức nên ví dụ ở một số quốc gia, nguyên tắc xử phạt là phải làm thế nào để cá nhân, tổ chức nghĩ đến là sợ, là có thể tán gia bại sản nếu vi phạm.

Đặc biệt trong một số lĩnh vực nguy hiểm, liên quan đến tính mạng, lòng tin như bảo hiểu thì bắt buộc đơn vị bán sản phẩm không được phép vi phạm. Có những hành vi vi phạm gần đây đã được tăng mức phạt lên cao như vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán.

“Chúng ta nên rà soát tổng thể các quy định liên quan. Trong đó, bắt đầu điều chỉnh từ Luật Xử lý vi phạm hành chính và nêu rõ mức xử phạt của các hoạt động cụ thể, có cả kinh doanh bảo hiểm” - Luật sư Đức đề nghị.

Ông cũng nhấn mạnh, xử phạt phải theo hướng tăng cao như các nước đã áp dụng. Cụ thể với lĩnh vực bảo hiểm đối với cá nhân vi phạm phải ở mức tiền tỷ là phổ biến, với tổ chức cũng từ tiền tỷ trở lên và tối đa có thể lên hàng trăm tỷ đồng.

“Chỉ có phạt nặng mới khiến cá nhân, đại lý bảo hiểm không dám có hành động sai phạm hay nhắm mắt làm ngơ cho những hành vi sai trái, ép khách hàng mua bảo hiểm như thời gian vừa qua” - vị luật sư nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, phải quy định rõ thẩm quyền xử phạt của các cơ quan liên quan từ địa phương lên Bộ Tài chính. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước vẫn đẩy mạnh tuyên truyền cho khách hàng tham gia hoạt động bảo hiểm phải hiểu rõ quy định về quyền lợi và trách nhiệm; tăng cường thanh tra, xử phạt.

Bảo hiểm có còn là 'mỏ vàng' của các nhà băng?

Bất chấp những lùm xùm vây quanh ngành bảo hiểm nhân thọ vừa qua, lĩnh vực phân phối bảo hiểm qua ngân hàng vẫn sẽ ...

Bộ tài chính đề xuất tăng mức phạt với vi phạm trong kinh doanh bảo hiểm

Bộ Tài chính đề xuất xử phạt nếu tài liệu giới thiệu sản phẩm thông tin không rõ ràng, tạo cho bên mua bảo hiểm ...

Bộ Tài chính nói gì về kiến nghị bỏ bắt buộc mua bảo hiểm xe máy?

Mới đây, cử tri TP.HCM đã có kiến nghị gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét bỏ quy định xử phạt đối với ...

Mai Lan (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục