Nâng hạng thị trường chứng khoán: Nhận diện điểm "nghẽn"

(Banker.vn) Việc nâng hạng thị trường chứng khoán được đánh giá sẽ tác động tích cực đối với thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm nghẽn khiến các tổ chức xếp hạng thị trường quốc tế vẫn chưa chấp thuận nâng hạng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cơ hội từ nâng hạng thị trường chứng khoán

Việt Nam đang hướng đến nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025. Tại Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 của Chính phủ về Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững đã yêu cầu: "Khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài".

Với quyết tâm đó, ngày 22/9 vừa qua, trong buổi toạ đàm với các nhà đầu tư tại Mỹ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: Các thị trường của Việt Nam, bao gồm thị trường chứng khoán được xây dựng đều phải hội nhập quốc tế, tiệm cận dần các chuẩn mực quốc tế và tham gia vào các hoạt động chung của quốc tế.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang cố gắng và nỗ lực hết mình để nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi. Việc nâng hạng thị trường chứng khoán được đánh giá sẽ tác động tích cực đối với thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Bàn về vấn đề này tại Hội thảo "Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết" được tổ chức ngày 10/10, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, nếu được nâng hạng lên thành thị trường mới nổi, tác động rõ ràng nhất là thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn lớn hơn, ổn định và đa dạng hơn từ những nhà đầu tư nước ngoài.

“Thông thường, các quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ sẽ ưu tiên phân bổ tỷ trọng đầu tư lớn vào thị trường phát triển và mới nổi vì các thị trường này có tính ổn định cao, sản phẩm đa dạng, quy mô giao dịch lớn hơn so với thị trường cận biên. Do đó, việc được nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ thu hút thêm một lượng lớn nguồn vốn đầu tư trung - dài hạn. Hiện nay, các quỹ đầu tư theo phương pháp thụ động như ETFs (thường tập trung vào các thị trường mới nổi) sẽ tự động phân bổ một phần nguồn vốn vào các thị trường được nâng hạng. Thực tế, theo Bộ Tài chính, các quỹ đầu tư thụ động chỉ dành tối đa 2 - 3% nguồn vốn vào các thị trường cận biên”, TS. Cấn Văn Lực nói.

nang-hang-thi-truong-chung-khoan4-1054.jpg
Các diễn giả thảo luận tại Hội thảo

Đồng quan điểm, ông Đặng Hồng Quang, Giám đốc kiêm Trưởng đại diện văn phòng Hà Nội của VinaCapital cho rằng, việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước nói chung và của các doanh nghiệp niêm yết nói riêng. Việc thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng sẽ thu hút thêm lượng lớn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài từ cả các quỹ đầu tư chủ động và các quỹ chỉ số (ETF).

Thu hút vốn sẽ giúp tăng cường nguồn lực cho các doanh nghiệp niêm yết để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế.

can-van-luc-1021.jpg
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV

Dẫn chứng cho luận điểm trên, ông Đặng Hồng Quang cho biết, theo thống kê, hiện tại có 860 quỹ đầu tư trên thế giới sử dụng chỉ số chứng khoán thị trường mới nổi làm chỉ số tham chiếu, với tổng giá trị tài sản ròng lên tới 705 tỷ USD.

Trong đó, có 844 quỹ đầu tư sử dụng chỉ số thị trường mới nổi của MSCI làm tham chiếu, với tổng giá trị tài sản ròng khoảng 615 tỷ USD và 16 quỹ đầu tư sử dụng chỉ số thị trường mới nổi của FTSE Russell làm tham chiếu, với tổng giá trị tài sản ròng khoảng 90 tỷ USD. Có thể thể đến tên một số quỹ đầu tư lớn như: Vanguard FTSE Emerging Markets ETF (71 tỷ USD), iShares Core MSCI Emerging Markets ETF (69 tỷ USD), iShares MSCI Emerging Markets ETF (19 tỷ USD).

“Chúng tôi ước tính trong trường hợp thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng từ 0,7% đến 1,2% trong chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và FTSE Russell. Như vậy, dòng vốn nước ngoài đổ thêm vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt 5 - 8 tỷ USD”, ông Đặng Hồng Quang cho biết.

Ông Vũ Chí Dũng, Vụ Trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết thêm, theo báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, việc được nâng hạng sẽ thu hút dòng vốn ngoại gián tiếp ròng khoảng 7,2 tỷ USD vào Việt Nam. Các nguồn đầu tư này từ các quỹ đầu tư lớn và các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài khác.

Bên cạnh đó, việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ cải thiện khả năng định giá cổ phiếu, theo đó, định giá cổ phiếu của thị trường sẽ được nhiều nhà đầu tư tham gia đánh giá, thể hiện đúng nhu cầu thực tế và đánh giá đúng tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, gia tăng số lượng nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư có quy mô lớn, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, tăng tính chuyên nghiệp và quy mô nhà đầu tư, giảm thiểu biến động từ tác động tâm lý thị trường đối với số lượng lớn nhà đầu tư cá nhân; Thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài mới đầu tư vào trong nước, từ đó có ảnh hưởng tích cực đến tính thanh khoản của thị trường chứng khoán và sự phát triển của thị trường theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế trong hoạt động của doanh nghiệp, quản trị công ty.

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán giúp nâng cao vị thế và hình ảnh của thị trường vốn Việt Nam, từ đó góp phần nâng cao hình ảnh, sức hút, tính cạnh tranh của kinh tế Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Nhận diện điểm nghẽn

Tuy nhiên, dù các cơ quan quản lý nhà nước đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp cần thiết nhưng đến nay các tổ chức xếp hạng thị trường quốc tế vẫn chưa chấp thuận nâng hạng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo ông Vũ Chí Dũng, đối với thị trường chứng khoán ở các nước châu Á, MSCI và FTSE Russell có ảnh hưởng lớn nhất, chiếm tới 65% tỷ trọng tại châu Á. Thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong khu vực châu Á, do vậy, Việt Nam đặt trọng tâm theo tiêu chí xếp hạng của MSCI và FTSE Russell. Riêng FTSE Russell còn phân Nhóm 2 – Thị trường Mới nổi thành 2 cấp nhỏ hơn gồm: Thị trường Mới nổi thứ cấp và Thị trường Mới nổi nâng cao.

Việt Nam hiện đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 - Thị trường Cận biên. Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - Thị trường Mới nổi. Trong chỉ số FTSE Russell Frontier Index, tính đến ngày 31/8/2023, thị trường Việt Nam chiếm tỷ trọng 34% mức vốn hóa lớn nhất với 103 công ty. Việt Nam cũng có 6 doanh nghiệp trong Top 10 doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất của chỉ số này. Do đó, Việt Nam có tiềm năng được nâng hạng lên Thị trường Mới nổi do được đánh giá là quá lớn nếu để ở mức Thị trường Cận biên.

z4770052813927_50e6cd462a8820bd9b5edf004f7c8bca-1225.jpg
Ông Vũ Chí Dũng, Vụ Trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước

Trong các nhóm tiêu chí còn vướng mắc để được nâng hạng, FTSE Russell và MSCI đánh giá một số hạn chế liên quan đến khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: Chưa có hướng dẫn cụ thể về cách xác định chính xác giới hạn sở hữu nước ngoài, chưa đầy đủ thông tin trong quy trình thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thông tin về hoạt động của doanh nghiệp và tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp chưa được cập nhật kịp thời và có thể dễ dàng tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài bằng tiếng Anh.

Ông Đặng Hồng Quang chỉ ra, hiện nay, Việt Nam còn một số tiêu chí chưa đáp ứng được tiêu chuẩn nâng hạng của 2 tổ chức MSCI và FTSE Russell. Trong đó, có 2 tiêu chí cơ bản nhất đó là giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài và vấn đề ký quỹ trước giao dịch (pre-funding).

Về tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, theo Luật Đầu tư và Nghị định 31/2021/NĐ-CP, đang có 25 ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường và 59 ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, ông Đặng Hồng Quang kiến nghị giảm bớt số lượng ngành nghề ở trong danh sách này đối với những ngành nghề không nhất thiết phải hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, việc phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) cũng sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào những doanh nghiệp đã chạm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding), hệ thống giao dịch chứng khoán KRX đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặt mục tiêu đi vào vận hành vào cuối tháng 12/2023. Hệ thống này sẽ là cơ sở về mặt kỹ thuật cho việc không cần yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có đủ 100% tiền trong tài khoản trước khi mua chứng khoán.

"Theo trao đổi của chúng tôi với các công ty chứng khoán, công ty chứng khoán có thể phối hợp với các bên liên quan hỗ trợ ứng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện giao dịch mà không cần ký quỹ 100%. Về lâu dài, việc triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP), trong đó ngân hàng lưu ký được là thành viên thanh toán bù trừ, sẽ giải quyết được vấn đề pre-funding", đại diện VinaCapital cho hay.

Ngoài hai trở ngại lớn nêu trên, còn một số vấn đề khác cũng cần giải quyết để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng như: Thủ tục đăng ký mở tài khoản mới cho nhà đầu tư nước ngoài còn tốn nhiều thời gian; một số thông tin về doanh nghiệp, các quy định về pháp lý không có sẵn bằng tiếng Anh; và còn một số hạn chế về mức độ tự do hóa trên thị trường giao dịch ngoại hối.

"Nếu giải quyết được tất cả những vấn đề nêu trên, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng. Đây sẽ là bước ngoặt quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam và là một trong những động lực phát triển về lâu dài cho các doanh nghiệp niêm yết, đồng thời góp phần vào việc mang thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam hơn nữa", ông Đặng Hồng Quang nhấn mạnh.

Quỳnh Lê

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ