Phóng viên: Dưới góc nhìn của một tổ chức xếp hạng tín nhiệm, ông đánh giá như thế nào về kinh tế Việt Nam nói chung, hệ thống tài chính – ngân hàng nói riêng trong năm qua 2023?
Ông Lê Hồng Khang: Kinh tế Việt Nam nói chung có thể nói đã trải qua một năm 2023 với khá nhiều thách thức từ những yếu tố tác động bên ngoài đến yếu tối nội tại. Yếu tố bên ngoài được nhắc đến nhiều đó là việc duy trì môi trường lãi suất cao của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) làm ảnh hưởng đến áp lực tỷ giá, cũng như luân chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào Việt Nam và sự phục hồi chậm chạp của các nền kinh tế là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, bao gồm: Mỹ, châu Âu và các đối tác đầu tư FDI lớn vào Việt Nam (Nhật Bản và Hàn Quốc).
Điểm sáng lớn về vĩ mô trong năm 2023 là hoạt động xuất nhập khẩu thương mại và đầu tư FDI từ Trung Quốc đã góp phần giảm những tác động từ các thị trường đối tác còn lại. Mặc dù chỉ tiêu tăng trưởng GDP không đạt mức cao như kỳ vọng nhưng sự hồi phục của xuất nhập khẩu, FDI và giải ngân đầu tư công ở mức cao đã góp phần đảm bảo những cân đối lớn về vĩ mô vẫn cơ bản được duy trì và tạo tiền đề tốt cho năm 2024.
Việc Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên BB+ vào đầu tháng 12/2023 cũng đã phản ánh những thay đổi tích cực về vĩ mô của Việt Nam dưới góc nhìn của các nhà đầu tư quốc tế. Thực tế, Việt Nam vẫn duy trì được thặng dư thương mại lớn cùng với dòng tiền kiều hối vào những tháng cuối năm đã góp phần cải thiện nguồn vốn dự trữ ngoại hối của Việt Nam.
Trên nền tảng vĩ mô đó, hệ thống tài chính - ngân hàng năm 2023 về cơ bản vẫn được duy trì ở mức ổn định, mặc dù có một số thách thức chúng tôi đang tiếp tục theo dõi và đánh giá, bao gồm: (i) nợ xấu gia tăng do ảnh hưởng của ngành bất động sản (BĐS) và những ngành liên quan cũng như những tác động từ suy giảm xuất nhập khẩu và tổng cầu tiêu dùng trong nước dẫn đến suy giảm lợi nhuận của nhiều ngành, lĩnh vực; (ii) tác động từ trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu bất động sản đến vai trò của kênh vốn trung và dài hạn này đối với nền kinh tế, cũng như tác động lây chéo sang hệ thống ngân hàng; (iii) những chính sách tác động đến nguồn thu phí dịch vụ của các ngân hàng.
Phóng viên: Theo ông, xếp hạng tín nhiệm ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động của các ngân hàng, doanh nghiệp tại Việt Nam?
Ông Lê Hồng Khang: Khi một doanh nghiệp tham gia thị trường vốn, mà cụ thể là huy động vốn từ công chúng, nhà đầu tư và doanh nghiệp thì xếp hạng tín nhiệm là hoạt động cần thiết nhằm góp phần minh bạch hồ sơ tín dụng hay tín nhiệm của doanh nghiệp đó trên thị trường. Qua đó góp phần đa dạng hóa kênh huy động vốn, ngoài vốn vay ngân hàng và hướng đến kỳ hạn vay dài hơn nhằm phù hợp với đặc thù kinh doanh hoặc dự án đầu tư của mình.
Với các ngân hàng Việt Nam, do áp lực về tăng vốn cấp 2 nhằm đáp ứng những quy định về an toàn tài chính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong bối cảnh tín dụng tiếp tục tăng 10-14% hằng năm thì nhu cầu phát hành trái phiếu của ngân hàng với kỳ hạn dài vẫn rất cao. Mặc dù các ngân hàng được giám sát chặt chẽ bởi NHNN cùng với các quy định pháp luật có liên quan nhưng việc tham gia xếp hạng tín nhiệm độc lập cũng sẽ góp phần làm minh bạch hóa mức độ tín nhiệm và qua đó hỗ trợ cho các hoạt động huy động vốn, đặc biệt là trái phiếu với kỳ hạn dài có thể lên tới 7-10 năm và ở mức lãi suất hợp lý.
Phóng viên: Đối với các ngân hàng, xếp hạng tín nhiệm có vai trò và ý nghĩa như thế nào trong quản lý rủi ro tín dụng, đặc biệt là trong quá trình đưa ra các quyết định cho vay?
Ông Lê Hồng Khang: Xếp hạng tín nhiệm được thực hiện bởi các tổ chức xếp hạng độc lập có thể là nguồn thông tin tham khảo quan trọng cho các hoạt động quản trị rủi ro tín dụng của ngân hàng. Đây là thông lệ quốc tế theo chuẩn Basel III và đã được áp dụng ở nhiều nước trong khu vực trong việc tham chiếu đến kết quả xếp hạng tín nhiệm độc lập khi xác định hệ số rủi ro cho doanh nghiệp đi vay.
Hiện tại, có nhiều ý kiến về quản lý rủi ro, ví dụ, Hiệp hội Bất động sản cho rằng, nên xem xét thay đổi hệ số rủi ro tín dụng cho bất động sản vì hiện ở mức quá cao, lên tới 250%. Chúng tôi cho rằng, việc thay đổi hệ số này cho tất cả các doanh nghiệp BĐS sẽ khó được phía cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại chấp nhận, bởi lĩnh vực BĐS rõ ràng có rủi ro cao hơn nhiều ngành khác. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào trong ngành BĐS cũng có mức rủi ro cao. Do đó, chúng ta có thể theo thông lệ quốc tế là xác định hệ số rủi ro dựa trên việc tham khảo thêm mức xếp hạng tín nhiệm độc lập được thực hiện bởi những đơn vị xếp hạng tín nhiệm được Chính phủ cấp phép. Theo đó, nếu một doanh nghiệp trong ngành BĐS có mức xếp hạng tín nhiệm A trở lên thì có thể áp dụng hệ số rủi ro 100% như một số ngành khác, mức BBB thì có thể áp dụng hệ số 150% và mức dưới BB thì vẫn có thể áp dụng hệ số rủi ro ở mức 200 hoặc 250% như hiện nay.
Theo quy định tại Thông tư 41 của NHNN về xác định hệ số rủi ro tín dụng thì xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức quốc tế, cụ thể là S&P, Moody’s và Fitch đã được đề cập và các ngân hàng có thể sử dụng để tính toán hệ số rủi ro đối với tín dụng doanh nghiệp là khách hàng của mình. Tuy nhiên, do đây là những hệ thống xếp hạng tín nhiệm quốc tế và bị áp trần xếp hạng (BB+/Ba2), hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nằm ở mức cận trần quốc gia, sẽ không có sự khác biệt nào đáng kể về chênh lệch tín dụng.
Phóng viên: Những thách thức mà các ngân hàng Việt Nam phải đối mặt trong việc sử dụng xếp hạng tín nhiệm một cách hiệu quả là gì? Giải pháp nào để giải quyết những thách thức đó, thưa ông?
Ông Lê Hồng Khang: Theo tôi, thách thức chính trong việc sử dụng xếp hạng tín nhiệm và cách giải quyết những thách thức này, đó là:
Thứ nhất, cần cải thiện việc áp dụng và ứng dụng của nhà đầu tư khi có các kết quả xếp hạng tín nhiệm được công bố. Thực tế, đây là lĩnh vực mới tại Việt Nam, việc am hiểu và áp dụng xếp hạng tín nhiệm mới chủ yếu được áp dụng tại các định chế tài chính và đầu tư lớn, trong đó có các công ty bảo hiểm, quỹ bảo hiểm, quỹ đầu tư trái phiếu, quỹ hưu trí...
Thứ hai, các đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa tại Việt Nam có lịch sử hoạt động chưa lâu. Hiện có 3 đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa bao gồm FiinRatings, VIS Rating và SaiGon Ratings và số lượng các tổ chức tín dụng tham gia xếp hạng tín nhiệm nội địa còn hạn chế. Cách làm hiện này là chúng tôi thực hiện đánh giá tín dụng cho các nhà đầu tư tổ chức dựa trên thông tin đại chúng và chưa có sự thiết lập quan hệ xếp hạng chính thức với các ngân hàng. Thực tế, mới chỉ có FiinRatings công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm Techcombank và VietCredit, dự kiến trong thời gian tới chúng tôi sẽ công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm một số ngân hàng nữa. Cùng với hai đơn vị còn lại, khi số lượng công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với các ngân hàng nhiều hơn, chúng tôi tin rằng thị trường sẽ dần áp dụng, nhất là cho hoạt động giao dịch trái phiếu thứ cấp trên HNX và dần hình thành rõ nét đường cong lãi suất trái phiếu ngân hàng và doanh nghiệp tại Việt Nam.
Thứ ba, nhiều ngân hàng đều đã thực hiện xếp hạng tín nhiệm theo thang điểm quốc tế bởi các tổ chức như Moody’s, S&P và Fitch. Việc thực hiện bổ sung xếp hạng tín nhiệm nội địa bởi các tổ chức trong nước cũng sẽ phát sinh thêm chi phí và nguồn lực ở mức nhất định. Rõ ràng, đây là hai hệ thống khác nhau và được thiết kế với mục đích khác nhau. Tuy nhiên, kinh nghiệm khi làm việc với các ngân hàng Việt Nam, chúng tôi khuyến khích họ sử dụng những thông tin và dữ liệu đã được họ sử dụng cho việc xếp hạng tín nhiệm với các tổ chức quốc tế, nhằm tránh việc phải soạn lập nhiều thông tin với cùng mục đích, qua đó giảm chi phí và nguồn lực cho hoạt động này.
Thứ tư, thách thức không nhỏ theo chúng tôi là hoạt động xếp hạng tín nhiệm không chỉ xác định mức xếp hạng tín nhiệm ban đầu của một tổ chức hoặc về một công cụ nợ đó, mà nó có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực trong suốt quá trình tham gia xếp hạng tín nhiệm. Những thay đổi này của đơn vị xếp hạng tín nhiệm không chỉ bị chi phối bởi các yếu tố nội tại của doanh nghiệp, mà trong nhiều trường hợp thì đó là bối cảnh và chu kỳ chung của ngành. Do đó, chúng tôi luôn nỗ lực nhất có thể trong việc minh bạch hóa phương pháp và tiêu chí xếp hạng tín nhiệm khi thực hiện, thường xuyên chủ động cập nhật và trao đổi với doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dịch vụ, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp có thể nảy sinh từ việc tham gia xếp hạng tín nhiệm.
Phóng viên: Qua nghiên cứu và khảo sát, ông có đánh giá như thế nào về sức mạnh tài chính của các ngân hàng Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới?
Ông Lê Hồng Khang: Về cơ bản, các ngân hàng Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với nhiều thị trường trên thế giới và cả trong khu vực ASEAN. Điều này có được do mức độ bao phủ dịch vụ ngân hàng của Việt Nam còn thấp và nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn vốn tài trợ từ hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, điểm yếu chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam là mức độ an toàn vốn thấp. Cụ thể, hệ số an toàn vốn (CAR) của hầu hết các ngân hàng Việt Nam đang trong khoảng từ 8% tới 15%. Tuy nhiên, kể cả mức 15% này cũng vẫn thuộc ngưỡng thấp nhất khi so với các ngân hàng lớn trong khu vực. Do vậy, việc một số ngân hàng trong thời gian gần đây có các hoạt động tăng vốn để cải thiện mức đệm vốn là cần thiết nhằm đảm bảo duy trì hoạt động ổn định của hệ thống ngân hàng trước những diễn biến không thuận lợi của thị trường, đặc biệt trong thời gian gần đây khi chất lượng tài sản toàn ngành cho thấy sự suy giảm tương đối rõ rệt.
Phóng viên: Để được nâng hạng tín nhiệm, theo ông, các ngân hàng, cần có sự chuẩn bị như thế nào? Đâu là yếu tố quyết định giúp nâng hạng tín nhiệm?
Ông Lê Hồng Khang: Cơ sở để đưa ra được xếp hạng tín nhiệm ngành Ngân hàng phụ thuộc phần lớn vào môi trường vĩ mô mà các ngân hàng đang hoạt động, cũng như các yếu tố nội tại của ngành đang được hưởng lợi hoặc phải đối mặt. Do đó, các ngân hàng tại Việt Nam cần có sự chuẩn bị nhằm cải thiện quy mô/đệm vốn, qua đó giúp cải thiện về tình hình thanh khoản trong bối cảnh một số ngân hàng đang đối diện với những áp lực đáng kể về thanh khoản. Ngoài ra, việc ưu tiên giải ngân vào các ngành nghề có mức độ rủi ro vừa phải cũng như ưu tiên công tác quản trị rủi ro, xử lý nợ xấu cũng sẽ là những yếu tố có lợi giúp nâng hạng tín nhiệm của các ngân hàng.
Phóng viên: Trong năm 2024, ông có dự cảm như thế nào về kinh tế Việt Nam nói chung, hệ thống ngân hàng Việt Nam nói riêng? Để vượt qua các khó khăn, thách thức đó cần những giải pháp, chính sách cụ thể gì, thưa ông?
Ông Lê Hồng Khang: Mặc dù các yếu tố nền tảng vĩ mô có dấu hiệu khởi sắc và làm cơ sở cho ngành Ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng và ổn định trong năm 2024, tuy nhiên, những thách thức mà chúng tôi cho là khá lớn sẽ vẫn còn phải đối mặt đó là: nợ xấu gia tăng và tác động của tín dụng và trái phiếu bất động sản. Mặc dù các chính sách có thể hỗ trợ cho việc giãn, hoãn và hạch toán nhưng chúng tôi kỳ vọng các giải pháp tháo gỡ pháp lý và thanh khoản BĐS quay trở lại sẽ là tiền đề cho việc giải quyết vấn đề nợ xấu ngân hàng.
Ngoài ra, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua sẽ góp phần cải thiện chất lượng quản trị, minh bạch và làm lành mạnh hóa hơn ngành Ngân hàng trong nhiều năm tới đây.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Hải (thực hiện)
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|