Nâng cao vị thế và làm đẹp thêm phẩm chất phụ nữ ngân hàng thời kì mới

(Banker.vn) Giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng đặt ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho phụ nữ nói chung và nữ cán bộ ngân hàng nói riêng. Để khẳng định được vị thế mà vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam, những nữ cán bộ ngân hàng vừa phải cân bằng được công việc và gia đình, vừa phải biết cống hiến và hưởng thụ, vừa nâng cao trí tuệ lại vừa rèn giũa vẻ đẹp nội tâm. Đó là cả một hành trình không hề đơn giản để phụ nữ ngân hàng trở thành những nữ cán bộ năng động, sáng tạo, chủ động thích ứng trong thời đại mới.

Giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng đặt ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho phụ nữ nói chung và nữ cán bộ ngân hàng nói riêng. Để khẳng định được vị thế mà vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam, những nữ cán bộ ngân hàng vừa phải cân bằng được công việc và gia đình, vừa phải biết cống hiến và hưởng thụ, vừa nâng cao trí tuệ lại vừa rèn giũa vẻ đẹp nội tâm. Đó là cả một hành trình không hề đơn giản để phụ nữ ngân hàng trở thành những nữ cán bộ năng động, sáng tạo, chủ động thích ứng trong thời đại mới.
 
Phụ nữ ngân hàng thời kì mới - tiếp nối truyền thống của “Những cây lau bằng thép”


Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh được ví là “những cây lau bằng thép”1, điều này vẫn được lưu giữ, truyền lại cho những thế hệ phụ nữ Việt Nam, trong đó có những nữ cán bộ ngân hàng. Các chị là những người phụ nữ rất duyên dáng, mềm mại trong đời sống, trong ứng xử nhưng cũng là những con người rất mạnh mẽ, kiên quyết, sắc sảo trong công việc, trong đấu tranh vì công bằng xã hội. Trong giai đoạn chiến tranh, Hồ Chủ tịch đã tặng phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”; trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước, phụ nữ Việt Nam phấn đấu rèn luyện và xây dựng bốn phẩm chất quan trọng: “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”2.

Tiêu chí của phụ nữ ngân hàng thời đại mới sẽ không chỉ là học thức, trí tuệ, bản lĩnh, mà còn là sự chủ động, cân bằng và lạc quan trong cuộc sống để hướng tới xây dựng hình ảnh người phụ nữ mới

Trong hơn 70 năm xây dựng và phát triển của ngành Ngân hàng, nhất là khi đất nước và toàn Ngành bước vào giai đoạn đổi mới, phụ nữ ngân hàng ngày càng khẳng định được năng lực, vai trò, vị thế quan trọng trong sự phát triển của ngành Ngân hàng. Với tỉ lệ lao động nữ ngành Ngân hàng chiếm khoảng 60%, tham gia trên tất cả các lĩnh vực, từ hoạch định, điều hành chính sách, tham gia các hoạt động kinh doanh, đến công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, các hoạt động đoàn thể, chính trị - xã hội và thực hiện các nghiệp vụ khác nhau của Ngân hàng Trung ương, ngân hàng thương mại. Trong đó, tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp là 39% (so với mục tiêu quốc gia là 25% trở lên); vị trí lãnh đạo cấp cao là 27%; vị trí lãnh đạo, quản lí cấp trung khoảng 53%; tỉ lệ nữ tiến sĩ của Ngành là 59%, nữ thạc sĩ là 63,3%. Đặc biệt, lần đầu tiên ngành Ngân hàng có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là nữ. Những con số này đã khẳng định được vai trò, vị thế quan trọng của phái nữ trong mọi lĩnh vực hoạt động của ngành Ngân hàng.

Trong những năm qua, nữ cán bộ ngân hàng không chỉ hoàn thành xuất sắc công việc chuyên môn, nhiệm vụ chính trị của Ngành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế đất nước mà các chị còn tích cực tham gia các phong trào thi đua của Ngành như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Phụ nữ giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà”… với những việc làm cụ thể, thiết thực ở mọi cương vị công tác. Nữ cán bộ ngân hàng còn tích cực tham gia và có đóng góp quan trọng trong các hoạt động xã hội, các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và các hoạt động cộng đồng.

Trong thời kì mới, cán bộ nữ xác định mình cần phải tiếp nối, duy trì, phát huy những phẩm chất tốt đẹp đó, vừa phải nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, vừa phải rèn luyện văn hóa, đạo đức để trở thành những nữ cán bộ ngân hàng chuyên nghiệp, tinh thông, đạo đức, trí tuệ.
 
Phụ nữ ngân hàng tiếp tục phấn đấu trong thời đại công nghệ mới

Trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động đến từng quốc gia, ngành nghề, gia đình và từng cá nhân trong xã hội, trong đó có người phụ nữ. Ngành Ngân hàng lại là một ngành kinh tế quan trọng, dẫn dắt nền kinh tế đất nước, do đó đặt ra nhiều thách thức, yêu cầu về đổi mới công nghệ, về mức độ cạnh tranh, đòi hỏi mỗi cán bộ phải không ngừng học tập, ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực công tác và hoạt động ngân hàng. Tiêu chí đối với những người phụ nữ ngân hàng thời đại mới sẽ không chỉ là học thức, trí tuệ, bản lĩnh, mà còn là sự chủ động, cân bằng và lạc quan trong cuộc sống để hướng tới xây dựng hình ảnh người phụ nữ mới: Năng động, khí chất, trí tuệ, nhân hậu và có tầm nhìn mới.

Từ những thay đổi tất yếu trong thời đại mới, phụ nữ ngân hàng cũng cần nâng cao giá trị bản thân với nhận thức mới, quyết tâm mới và tác phong mới. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Non sông gấm vóc Việt Nam đều do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức thêu dệt mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Quan điểm của Bác vẫn giữ nguyên giá trị đến ngày nay. Phụ nữ vẫn giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với gia đình và xã hội. Xã hội và gia đình có tốt đẹp hơn, phát triển hơn cũng đều chịu ảnh hưởng lớn từ phụ nữ. Bởi vậy, mỗi cá nhân nữ cán bộ ngân hàng cần phải thay đổi bản thân, tiếp cận khoa học công nghệ, tiếp thu những giá trị mới, tiến bộ trên cơ sở duy trì những giá trị truyền thống tốt đẹp; tự tin, năng động, thường xuyên trau dồi kiến thức, rèn luyện tác phong công nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; có nhận thức đúng đắn về các giá trị gia đình tốt đẹp trong thời đại mới để xây dựng gia đình bình đẳng, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Đây là thách thức lớn đối với phụ nữ ngân hàng vì không chỉ cần hoàn thành tốt công việc mà còn phải thực hiện thiên chức của người vợ, người mẹ trong cuộc sống gia đình. Nhưng chính những thách thức đó lại biến thành động lực để nữ cán bộ ngân hàng càng nỗ lực hơn trong công việc và cuộc sống gia đình. Các chị đã làm tốt vai trò của người vợ, người mẹ, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con trở thành những công dân có ích cho xã hội. Rất nhiều con em cán bộ ngân hàng đã đạt được các giải thưởng quốc tế và trong nước về các lĩnh vực học tập, thể thao, sáng tạo nghệ thuật,…

Bên cạnh các yếu tố cá nhân, thì yếu tố xã hội, cộng đồng, cụ thể là ngành Ngân hàng cũng rất quan trọng trong việc góp phần xây dựng đội ngũ nữ cán bộ ngân hàng chuyên nghiệp, năng động, đạo đức, trí tuệ, văn minh. Mỗi đơn vị trong Ngành cần có định hướng, hành động cụ thể để xây dựng nguồn nhân lực nữ phát triển tốt nhất, tạo điều kiện để phụ nữ được tham gia toàn diện, hiệu quả vào các hoạt động ngân hàng.

Có thể nói, phụ nữ ngành Ngân hàng hội tụ nhiều phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, vừa giữ được hình ảnh người phụ nữ truyền thống duyên dáng, đảm đang, nhân hậu, vừa tiếp thu được những giá trị mới năng động, sáng tạo, trí tuệ, thích ứng với bối cảnh mới. Những người phụ nữ ngân hàng thời kì mới vừa truyền thống, vừa hiện đại; trong công việc là những cán bộ có tri thức, năng động, chuyên nghiệp, tận tâm; trong xã hội là những người phụ nữ có trách nhiệm cộng đồng; trong gia đình là những người phụ nữ đảm đang, nhân hậu. Họ thực sự là điểm tựa tinh thần vững chắc trong gia đình, là những cán bộ gương mẫu, trách nhiệm, là những công dân có ích, thực sự là những bông hoa ngát hương làm đẹp cho đời, cho cuộc sống để xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, văn minh và phát triển bền vững.

Nhận xét của Tổng Thư ký Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế trong chuyến đi nghiên cứu phong trào phụ nữ Việt Nam năm 1968.
Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kì họp thứ X (khóa X)

Phạm Liên
Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục