Nâng cao vai trò của bảo hiểm tiền gửi trong quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng

(Banker.vn) TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, để tăng cường vai trò của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) trong quá trình cơ cấu lại TCTD, cần nghiêm túc nghiên cứu để tiến tới sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi sao cho đồng bộ với khuôn khổ pháp lý hiện hành, phù hợp với thực tiễn và hướng tới thông lệ quốc tế.

Phóng viên: Xin ông nhận định khái quát kết quả đã đạt được và tồn tại cần khắc phục trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2021 vừa qua?

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia

TS. Cấn Văn Lực: Giai đoạn 2011-2021 vừa qua, chúng ta đã ngày một hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD. Năng lực tài chính của các TCTD được nâng cao đáng kể khi vốn điều lệ của các TCTD tăng mạnh, nhất là giai đoạn 2016-2021; từ 488 nghìn tỷ đồng cuối năm 2016 lên hơn 775 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2021, đến tháng 5/2022 đã đạt hơn 790 nghìn tỷ đồng (tức là gấp 1,62 lần). Hệ số an toàn vốn (CAR) duy trì khoảng 11%-13%.

Hoạt động của hệ thống TCTD được lành mạnh hóa, tín dụng tăng trưởng khá tốt, bình quân giai đoạn khoảng 14,8%/năm; riêng năm 2022, đến hết tháng 6/2022, tín dụng đã tăng 9,35% so với cuối năm 2021; thu nhập phi tín dụng (hoạt động bán chéo bảo hiểm, dịch vụ ngân hàng số, thanh toán, kinh doanh ngoại hối...) cũng tăng tích cực, hiện nay chiếm đến gần 25% tổng thu nhập, từ mức 19,7% năm 2016. Khả năng sinh lời khá cao, tăng 25-30%/năm trong giai đạn 2016-2020, riêng năm 2021, LNTT đạt 198,8 nghìn tỷ đồng, tăng 31,9% so với năm 2020; 6 tháng đầu năm 2022 đạt 131 nghìn tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, tốc độ xử lý nợ xấu trung bình khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng (giai đoạn từ 15/8/2017 đến hết tháng 12/2021), gấp 1,6 lần so với mức 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng của giai đoạn 2012-2017. Nhận thức của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan như công an, tòa án, địa phương đối với công tác xử lý nợ xấu được cải thiện rõ rệt.

Đi kèm với những kết quả đã được, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là: (i) Việc tăng vốn cho các ngân hàng thương mại (NHTM), đặc biệt là NHTM có sở hữu Nhà nước chi phối còn nhiều khó khăn, trong khi đó, quy mô, hiệu quả, năng lực tài chính của các NHTM Việt Nam còn thấp so với khu vực; (ii) Quá trình cơ cấu lại các TCTD phi ngân hàng (gồm 16 công ty tài chính, 19 công ty cho thuê tài chính, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), 04 tổ chức tài chính vi mô v.v.) còn nhiều thách thức; (iii) Vai trò của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) còn mờ nhạt; (iv) Công tác xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc trong bối cảnh nợ xấu tiềm ẩn đang gia tăng giai đoạn hậu dịch COVID-19; (v) Vấn đề chuyển đổi số trong ngành tài chính – ngân hàng tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức như hành lang pháp lý chưa theo kịp, vấn đề an ninh mạng, an toàn và bảo mật thông tin còn nhiều rủi ro, …

Phóng viên: Vậy mục tiêu cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 là gì, thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Như chúng ta đã biết, ngày 8/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 689/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025". Theo đó, giai đoạn này, chúng ta đặt ra 03 mục tiêu chính, gồm: tạo bước chuyển rõ rệt, thực chất trong cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu; phấn đấu đến năm 2025 giảm số lượng các TCTD, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém, không để phát sinh những ngân hàng yếu kém mới, hệ thống các TCTD lành mạnh và phát triển bền vững; phát triển hệ thống các TCTD theo hướng các TCTD trong nước đóng vai trò chủ lực, hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch, đáp ứng các chuẩn mực về an toàn hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật và tiệm cận với thông lệ quốc tế, hướng tới đạt trình độ phát triển của top ASEAN–4; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; nâng cao năng lực tài chính của TCTD; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD có liên quan.

Phóng viên: Với những mục tiêu nêu trên, ông có gợi ý giải pháp chính sách cụ thể gì không, thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Có thể thấy, còn rất nhiều việc phải làm. Tôi đề xuất, trước hết, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng như: tiến tới luật hóa xử lý nợ xấu; bổ sung và sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các TCTD, Luật BHTG, xây dựng khung pháp lý thử nghiệm cho các mô hình kinh doanh mới (fintech, ngân hàng số, tiền kỹ thuật số,...). Đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại thị trường tài chính và các TCTD, lành mạnh hóa các TCTD hướng tới đạt chuẩn thông lệ quốc tế. Có khung chính sách và xây dựng phương án xử lý cụ thể nhằm hạn chế rủi ro hệ thống và mạng lưới an toàn hệ thống. Nâng cao năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính – tiền tệ, theo hướng các cơ quan quản lý, giám sát cần độc lập, được trao quyền nhiều hơn; đặc biệt, cần làm rõ và tăng vai trò của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Đồng thời, các tổ chức TCTD cần tích cực chuyển đổi số, không ngừng nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, an ninh mạng, thông tin, dữ liệu hệ thống,...

Phóng viên: Như ông vừa đề cập, ông nhận định thế nào về vai trò của BHTGVN trong quá trình cơ cấu lại các TCTD thời gian qua và sắp tới?

TS. Cấn Văn Lực: Có thể nói, vai trò của Bảo hiểm tiền gửi ngày một rõ nét hơn qua các văn bản pháp lý thời gian qua. Cụ thể, trong Luật các TCTD sửa đổi 2017 nêu rõ BHTGVN phối hợp với Ban kiểm soát đặc biệt, TCTD được kiểm soát đặc biệt để xây dựng phương án phá sản trình NHNN xem xét; phối hợp với Ban kiểm soát đặc biệt đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi các TCTD được kiểm soát đặc biệt; các TCTD được kiểm soát đặc biệt được áp dụng biện pháp phục hồi là vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% của Bảo hiểm tiền gửi từ Quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN; BHTGVN có quyền mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ quá trình cơ cấu lại các TCTD. Tới Quyết định 689/QĐ-TTg (6/2022) gần đây có yêu cầu: nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các TCTD, Luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan theo hướng nghiên cứu, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia sâu hơn, có hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại TCTD yếu kém.

Và mới đây nhất, theo Quyết định 1382/QĐ-NHNN (8/2022) ban hành Kế hoạch hành động thực hiện đề án “Cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định 689 (6/2022): BHTGVN phải tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan theo hướng bổ sung chức năng, nhiệm vụ của  BHTGVN được tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém; nghiên cứu sửa đổi luật Bảo hiểm tiền gửi để sử dụng nguồn tiền kết dư phí bảo hiểm để xử lý QTDND yếu kém,...

Theo đó, BHTGVN được giao nhiệm vụ cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt; mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ; tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi QTDND, tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính; tham gia xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, tham gia Ban kiểm soát đặc biệt,... Có nghĩa là trong quy định của pháp luật, vai trò của Bảo hiểm tiền gửi đã được nhấn mạnh, làm rõ hơn; vấn đề là thực tế triển khai thực hiện như thế nào.

Phóng viên: Ông có đề xuất giải pháp gì nhằm phát huy vai trò của BHTGVN trong qúa trình cơ cấu lại các TCTD, thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Những nội dung hoạt động trên như tôi đã nêu đều là những chức năng, nhiệm vụ chưa được quy định tại Luật BHTG. Và để tăng cường vai trò của cơ chế Bảo hiểm tiền gửi cũng như của BHTGVN trong quá trình cơ cấu lại các TCTD, chúng ta cần nghiêm túc nghiên cứu để tiến tới sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi sao cho đồng bộ với khuôn khổ pháp lý hiện hành, phù hợp với thực tiễn và hướng tới thông lệ quốc tế. Việc tạo dựng khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho hoạt động BHTG, phù hợp với với nhu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế giúp nâng cao vị thế và vai trò của BHTGVN. Từ đó, BHTGVN có thể tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Tôi cho rằng về phía BHTGVN cũng cần tích cực và chủ động nâng cao hiệu quả phối hợp trong hoạt động nghiệp vụ cũng như chú trọng nâng cao trình độ, năng lực nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và thực thi kế hoạch  “chuyển đổi số” để có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Cơ quan quản lý cũng cần quan tâm tạo điều kiện cho BHTGVN tăng năng lực tài chính, có cơ chế dự phòng rủi ro, xây dựng mạng lưới an toàn hệ thống và cơ chế phối hợp xử lý khủng hoảng tài chính – tiền tệ, nếu có.

Trong tương lai, BHTGVN cũng cần học hỏi mô hình tổ chức Bảo hiểm tiền gửi “đa chức năng” hơn để có thể trở thành kênh giám sát từ phía thị trường đối với hệ thống các TCTD, có đủ thông tin và dữ liệu để phân loại các tổ chức tham gia BHTGVN trên cơ sở mức độ rủi ro, có khả năng phân tích định vị toàn ngành cho thấy mức độ rủi ro cụ thể, từ đó phát hiện từ sớm từ xa những dấu hiệu bất thường trong hoạt động tài chính – ngân hàng nhằm tạo động lực để các tổ chức này quản lý rủi ro một cách chủ động, hiệu quả và sâu xa hơn nữa là nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền trong quá trình cơ cấu lại và phát triển các TCTD thời gian tới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Ngọc (thực hiện)

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục