Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Chủ tịch VASB phát biểu chỉ đạo cuộc họp |
Mới đây, tại trụ sở Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), VASB đã tổ chức buổi họp lấy ý kiến về nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin trước giao dịch của người nội bộ, người có liên quan. Tham dự buổi họp có lãnh đạo Hiệp hội và đại diện của các công ty chứng khoán thành viên.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các công ty chứng khoán được yêu cầu triển khai các phương án thực hiện kiểm soát nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin trước giao dịch của người nội bộ và người có liên quan tại các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên 3 sàn UPCoM, HOSE và HNX.
Đây là nhiệm vụ được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đưa ra trong cuộc họp ngày 18/8 cũng như Công văn số 5876/UBCK-VP ngày 25/8/2023.
Theo Chủ tịch VASB Nguyễn Thanh Kỳ, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ mà UBCKNN giao phó, một số công ty chứng khoán hội viên đã gặp phải khó khăn. Do đó, với vai trò là cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức kinh doanh trên thị trường chứng khoán, VASB đã tổ chức cuộc họp nội bộ nhằm lắng nghe ý kiến, đánh giá của hội viên để giải quyết vướng mắc. Đồng thời có các kiến nghị thiết thực tới các cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo việc thực hiện trách nhiệm của các tổ chức kinh doanh chứng khoán vừa thuận lợi, vừa hiệu quả trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật.
Cuộc họp được điều hành bởi bà Hoàng Hải Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội tập trung vào hai nội dung chính. Thứ nhất là chia sẻ kinh nghiệm giữa các công ty chứng khoán trong việc xây dựng hệ thống công nghệ kiểm soát công bố thông tin của người nội bộ, người có liên quan.
Thứ hai là thảo luận về các vấn đề pháp lý khi triển khai hoạt động này bao gồm: cơ sở pháp luật, trách nhiệm và rủi ro pháp lý của các công ty chứng khoán trong quan hệ với khách hàng.
Theo báo cáo tại cuộc họp, phần lớn các công ty đều đã thiết lập được hệ thống công nghệ cảnh báo về nghĩa vụ công bố thông tin cho người nội bộ và người có liên quan khi thực hiện giao dịch trên thị trường cơ sở, tuy nhiên, chỉ dừng lại ở mức độ cơ bản.
Ví dụ, tại một công ty chứng khoán lớn, khi khách hàng đặt lệnh, hệ thống sẽ nhận diện xem họ có thuộc diện phải báo cáo, công bố thông tin hay không, từ đó đưa ra cảnh báo và yêu cầu xác nhận. Chỉ khi khách hàng xác nhận đã thực hiện công bố thông tin, hệ thống mới hoàn tất đặt lệnh.
Hay như một công ty chứng khoán hội viên khác của VASB cũng đang thực hiện “chặn cứng” (có tên trong danh sách người nội bộ và người có liên quan là không được đặt lệnh, muốn đặt lệnh thì phải đưa ra bằng chứng về việc đã thực hiện công bố thông tin tại các sở giao dịch chứng khoán).
Tuy nhiên, cả hai đơn vị này thừa nhận, hoạt động xác minh bằng chứng của khách hàng được nhân sự thực hiện một cách thủ công, chưa thể tự động hoá nên không thể loại trừ rủi ro hay bỏ sót.
Đáng chú ý, các công ty chứng khoán đều chỉ ra những vướng mắc liên quan đến vấn đề cập nhật dữ liệu. Hiện nay, họ đang triển khai hệ thống trên cơ sở dữ liệu “tự có” (thông tin khách hàng cung cấp, danh sách mà các sở giao dịch cung cấp trước đây) và cần nguồn dữ liệu từ phía các cơ quan quản lý như UBCKNN hay Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).
Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán cũng nhấn mạnh, việc cập nhật dữ liệu này phải có tính chất “real-time” (chuyển tiếp thông tin gần như ngay lập tức hoặc có độ trễ cực ngắn) để họ có thể đảm bảo được quyền sở hữu tài sản – quyền tối cao của khách hàng khi có những thay đổi mới về "mối liên quan" xảy ra, từ đó tránh phát sinh tranh chấp về mặt pháp lý.
Một khó khăn khác cũng được nêu ra tại cuộc họp đó là yêu cầu về việc phải ngăn chặn giao dịch có giá trị nhỏ hơn 50 triệu/ngày hoặc khối lượng giao dịch/tháng nhỏ hơn 200 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 200 triệu/tháng.
Các công ty chứng khoán cho biết, họ chỉ kiểm soát được khối lượng giao dịch của các tài khoản nội bộ chứ chưa thể kiểm soát nếu nhà đầu tư mở nhiều tài khoản và thực hiện cùng lúc ở các công ty khác nhau. Theo đó, hoạt động này cần đến vai trò của các cơ quan quản lý.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện một công ty chứng khoán cho rằng, để triển khai hoạt động kiểm soát giao dịch của người nội bộ và người có liên quan, quan trọng nhất vẫn là cơ sở pháp lý. Vị này đặt vấn đề, công ty chứng khoán với vai trò là nơi giữ tài sản của khách hàng, luôn phải đảm bảo quyền sở hữu tài sản của khách hàng là quyền tối cao.
Do đó, cơ sở pháp lý cho việc thực hiện kiểm soát giao dịch của khách hàng phải hết sức vững chắc, để tránh trường hợp vi phạm những nghĩa vụ phải thực hiện trong hợp đồng với khách hàng.
Thảo luận về vấn đề này, đại diện của các công ty chứng khoán cho rằng, hiện tại, vẫn chưa có đầy đủ căn cứ pháp lý để công ty chứng khoán ngăn chặn nhà đầu tư đặt lệnh.
Cụ thể, theo Luật Chứng khoán, công ty chứng khoán có nghĩa vụ giám sát giao dịch chứng khoán theo quy định của Bộ Tài chính. Còn theo các văn bản hướng dẫn triển khai luật là các thông tư 120, 121, 95, các điều khoản mới chỉ đề cập đến nghĩa vụ và trách nhiệm của công ty chứng khoán như: theo dõi số dư chứng khoán, số dư tiền, kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của giao dịch, giám sát việc tuân thủ quy định, báo cáo khi phát hiện sai phạm,… mà chưa đề cập đến quyền hạn của công ty chứng khoán, mà cụ thể là đây là quyền chặn giao dịch khi nhà đầu tư chưa thực hiện công bố thông tin.
Đại diện Bộ phận Pháp chế Chứng khoán KB kiến nghị, chỉ nên hướng trách nhiệm của công ty chứng khoán ở mức “cảnh báo”, tức là nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định về công bố thông tin thì báo cáo lên UBCKNN và các sở giao dịch.
Mặt khác, các công ty chứng khoán cũng chỉ ra rằng, hoạt động kiểm soát nghĩa vụ công bố thông tin được họ thực hiện trên cơ sở dữ liệu mà VSD cung cấp. Trong khi đó VSD tổng hợp dữ liệu từ hai sở giao dịch chứng khoán, còn hai sở này thì nhận thông tin từ tổ chức phát hành và tổ chức phát hành công bố thông tin theo báo cáo của người nội bộ.
Điều này có thể dẫn tới những tranh chấp giữa các bên khi có vi phạm xảy ra. Do đó, theo các công ty chứng khoán, thông tư cần phải quy định rõ ràng về trách nhiệm của các bên liên quan, để có thể bảo vệ quyền lợi và giúp công ty chứng khoán tránh khỏi những tranh chấp không đáng có.
Toàn cảnh cuộc họp |
Nhìn chung, các công ty chứng khoán tham dự cuộc họp với tinh thần nỗ lực cao độ để có thể đáp ứng yêu cầu của UBCKNN về việc xây dựng hệ thống công nghệ kiểm soát nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin. Những khó khăn, vướng mắc nói trên đều được đại diện các công ty chứng khoán nhìn nhận một cách cởi mở.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện một công ty chứng khoán thẳng thắn chia sẻ: “Xét về vấn đề kỹ thuật, nếu như pháp lý nhà nước đã yêu cầu thì tất nhiên, công ty chứng khoán phải làm và cũng sẽ không tránh khỏi khó khăn. Nhưng khó là khó chung, vướng là vướng chung. Các công ty chứng khoán buộc phải nỗ lực hết mình và cùng nhau tìm giải pháp”.
Hoan nghênh tinh thần của các công ty chứng khoán hội viên, bà Hoàng Hải Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VASB nhấn mạnh, sự trao đổi, thảo luận giữa các công ty chứng khoán vốn có hoạt động gắn liền với thực tế đã giúp phát hiện những vấn đề bị bỏ sót.
Trên cơ sở những ý kiến tại cuộc họp, Hiệp hội sẽ đưa ra những kiến nghị xác đáng tới cơ quan quản lý và giảm thiểu rủi ro pháp lý cho công ty chứng khoán. Cụ thể, liên quan tới các vấn đề pháp lý, sẽ nêu rõ các trường hợp loại trừ trách nhiệm cho công ty chứng khoán; kiến nghị vai trò trung tâm dữ liệu của các sở giao dịch chứng khoán; đề nghị liên thông cơ sở dữ liệu để các bên có thể cập nhật kịp thời về nghĩa vụ công bố thông tin của nhà đầu tư.
Về mặt kỹ thuật, Hiệp hội sẽ trình bày các trường hợp cụ thể về rủi ro tranh chấp có thể xảy ra trong quá trình vận hành hệ thống công nghệ kiểm soát giao dịch đồng thời kiến nghị hướng dẫn cách thức triển khai đối với các thị trường khác, ngoài thị trường cơ sở.
Thái Hà
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|