Nâng cao quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo thực thi các điều ước quốc tế

(Banker.vn) Công tác phối hợp giữa 3 Bộ trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông sản chủ lực được thực hiện ráo riết trong thời gian qua.
Những lưu ý cho doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ EVFTA đặt ra nhiều cam kết về sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý

3 bộ hợp tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực

Thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021 của Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021 trong việc phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài, thời gian qua 3 Bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ nhằm hỗ trợ các vùng, sản phẩm chủ lực của các địa phương đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.

Ông Lê Huy Anh – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Hoạt động này nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và các chủ thể liên quan trong việc sử dụng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là nông sản và đặc sản các vùng miền ở nước ngoài.

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi mạnh mẽ, nhiều sản phẩm rau, quả được xuất khẩu và từng bước chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Tuy nhiên để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm, vùng trồng không chỉ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở trong nước mà còn phải cả thị trường xuất khẩu.

Nâng cao quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo thực thi các điều ước quốc tế
Ông Lê Huy Anh thông tin về công tác sở hữu trí tuệ trong thực thi các điều ước quốc tế

Chúng ta đã thành công trong đăng ký chỉ dẫn địa lý Vải Lục Ngạn và Thanh Long Bình Thuận tại thị trường Nhật Bản năm 2021. Tuy nhiên, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại thị trường nước ngoài khá tốn kém và thông thường phải thông qua luật sư cùng với đó là khó khăn về nguồn lực trong triển khai thực hiện”- ông Huy Anh cho biết.

Cũng theo ông Huy Anh, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ có đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ để có thêm nguồn lực trong tổ chức thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu đặc biệt là chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất khẩu đi nước ngoài.

Để hỗ trợ các địa phương trong đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thời gian qua, trong khuôn khổ Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ, Cục đã triển khai các hoạt động tư vấn về sở hữu trí tuệ, khảo sát thực địa đối với các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu theo đề xuất của các địa phương; hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch, đánh giá tiềm năng và điều kiện bảo hộ ra nước ngoài cho các sản phẩm chủ lực của các tỉnh Lạng Sơn, Đồng Tháp, Quảng Nam, Lào Cai, Gia Lai; tìm kiếm chuyên gia, đặt hàng nghiên cứu các quy định pháp luật về hồ sơ đăng ký chủ trì, thực tiễn thẩm định đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu của một số cơ quan sở hữu trí tuệ như Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, EU, Mỹ…

Về phía Bộ Công Thương, trước đó tại cuộc họp Tổ công tác triển khai Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ra nước ngoài theo Nghị quyết số 48/NQ-CP, ông Tạ Mạnh Cường, Trưởng phòng Phát triển năng lực xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết: Cục đã tham mưu và trình Lãnh đạo Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1973/QĐ-BCT ngày 29/9/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai Kế hoạch 3926/KH-BKHCN-BCT-BNNPTNT nêu trên; xây dựng và làm 8 sản phẩm video clip của 03 ngành hàng (hạt tiêu, hạt điều, dừa) và 5 sản phẩm chỉ dẫn địa lý như: Trà Tân Cương và trà Mộc Châu, xoài Yên Châu, quả vải Thanh Hà và quả vải Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận, cà phê tại một số tỉnh: Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên…

Tuy nhiên ông Lê Huy Anh cũng đề nghị các doanh nghiệp, địa phương đã đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài thì cần lưu ý đến vấn đề sử dụng. Bởi quy định của nhiều quốc gia trong một thời gian nhất định nếu không sử dụng thì nhãn hiệu đó sẽ vô hiệu lực. Ngoài ra một số nước chỉ cần đăng ký điện tử không nhất thiết phải qua luật sư nên các tổ chức, cá nhân trước khi đăng ký cần có sự tư vấn và hiểu biết nhất định.

Về phía Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ưu tiên hỗ trợ thời hạn đăng ký thông qua việc ưu tiên giải quyết các hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm chủ lực của các địa phương đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời, thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ 2022, chúng tôi sẽ đồng hành với các đối tác từ tư vấn, đăng ký cho đến thực thi”- ông Huy Anh khẳng định.

Tham gia đàm phán và bảo đảm thi hành các điều ước quốc tế

Năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng và hoàn thiện Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ và công tác đàm phán đảm bảo thi hành các điều ước quốc tế, hiệp định thương mại.

Nâng cao quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo thực thi các điều ước quốc tế
Các sản phẩm chủ lực xuất khẩu sẽ được ưu tiên về thời hạn đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý (Ảnh: minh họa)

Theo ông Huy Anh, để đảm bảo các điều kiện nhằm thực hiện hiệu quả các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và văn bản hướng dẫn thi hành, Cục Sở hữu trí tuệ đã và đang triển khai một loạt các công việc như rà soát, sửa đổi, bổ sung quy trình, quy chế thẩm định đơn đăng ký xác lập quyền cho từng đối tượng sở hữu công nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ tra cứu, đào tạo thẩm định viên để thẩm định nhãn hiệu âm thanh; nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, cổng dịch vụ công trực tuyến, kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia đáp ứng nhu cầu nộp đơn trực tuyến ngày càng tăng của người dân, doanh nghiệp…

Đặc biệt, trong hơn 10 năm trở lại đây, Cục đã dành nhiều sự quan tâm trong công tác đàm phán các điều ước quốc tế có nội dung về sở hữu trí tuệ và triển khai thi hành các nghĩa vụ về sở hữu trí tuệ trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

Chỉ tính riêng trong năm 2033, Cục tiếp tục tham gia đàm phán nội dung sở hữu trí tuệ trong các điều ước quốc tế với nhiều đối tác như: Đàm phán FTA giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA); Hiệp định ASEAN-Canada (ACaFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (CEPA); Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ dương – Thái Bình dương (IPEF); tham gia đàm phán xây dựng các văn kiện pháp lý về nguồn gen, tri thức truyền thống và các hình thức biểu đạt văn hóa truyền thống của WIPO/IGC…; đàm phán về việc gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh (đàm phán đã kết thúc; các cơ quan của Việt Nam đang tiến hành các thủ tục để trình Quốc hội phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định) và Trung Quốc.

Cùng với việc đàm phán các điều ước quốc tế mới, Cục cũng phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thi hành các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập như Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ (BTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…

Năm 2023 Cục Sở hữu trí tuệ đã hỗ trợ và cấp 202 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và 07 Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù của địa phương. Cục cũng đã tích cực tham gia triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chương trình OCOP..

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương