Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp tại 5 thành phố trung ương

(Banker.vn) 5 thành phố trung ương đang tăng cường nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp trong quá trình tận dụng các FTA, phát triển thị trường.
Bộ Công Thương: Phổ biến chính sách, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp Nhóm hàng xuất khẩu nào đối diện nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại?

Chủ động hỗ trợ xử lý, ứng phó các vụ điều tra

Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã mang lại những lợi ích thiết thực, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội cho 5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, nhờ các FTA, tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa của các địa phương đạt những con số rất ấn tượng thời gian qua.

Theo đó, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều của 5 thành phố giai đoạn 2021- 2022 ước đạt 449.015 triệu USD. Trong đó xuất khẩu ước đạt 189.539 triệu USD; nhập khẩu ước đạt 259.476 triệu USD. Tính riêng 8 tháng năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của 5 thành phố chiếm tỷ trọng gần 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, ước giảm là 7,8% (mức giảm chung của cả nước là 10%); kim ngạch nhập khẩu chiếm tỷ trọng 50% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, ước giảm 12,9% (mức giảm chung của cả nước là 16,2%).

Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp 5 thành phố trung ương

5 thành phố tập trung nâng cao cao năng lực ứng phó các biện pháp phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.

Ảnh TTXVN

Trong quá trình thực hiện hội nhập kinh tế, bên cạnh những cơ hội phát triển thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp của 5 thành phố trung ương đồng thời đang phải đối diện với thách thức rất lớn từ xu hướng gia tăng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ các quốc gia. Trong khi đó, quy mô năng lực ứng phó của các doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế. Vì vậy, thời gian qua, 5 thành phố trung ương đã tăng cường nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp thông quy việc triển khai các hoạt động, chương trình đa dạng.

Đơn cử, Sở Công Thương 5 thành phố đã chủ động tham mưu để UBND ban hành văn bản chỉ đạo các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 2/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Đặc biệt, thường xuyên và kịp thời thông báo danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp do Bộ Công Thương cung cấp đến các sở, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội trên địa bàn; phối hợp với Bộ Công Thương xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại có liên quan đến hàng hóa, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương 5 thành phố còn tăng cường tuyên truyền, tổ chức các hội nghị tập huấn cho các doanh nghiệp trên địa bàn về phòng vệ thương mại. Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo “Các biện pháp phòng vệ thương mại trong các hiệp định thương mại tự do - kinh nghiệm đối với ngành dệt may - da giày; Hội nghị “Mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và thích ứng các rào cản thương mại trong tình hình mới; Hội thảo “Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”; TP. Hà Nội tổ chức “Hội nghị nâng cao hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại trong bối cảnh sau đại dịch cho các doanh nghiệp xuất khẩu; phát hành cẩm nang tuyên truyền về phòng vệ thương mại trong các FTA thế hệ mới. Còn tại TP. Hải Phòng đã tổ chức “Phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do”, “Phòng vệ thương mại và chống gian lận xuất xứ đối với thị trường Hoa Kỳ”.

Đáng chú ý, thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” trên địa bàn, TP. Hà Nội đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành nhằm triển khai có hiệu quả công tác phòng vệ thương mại; thường xuyên và kịp thời thông báo danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp do Bộ Công Thương cung cấp đến các sở, ngành, doanh nghiệp, Hiệp hội trên địa bàn thành phố; phối hợp với Bộ Công Thương xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại có liên quan đến sản phẩm, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, hàng năm TP. Hà Nội phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị tập huấn cho các doanh nghiệp trên địa bàn để nâng cao hiệu quả sử dụng công cụ phòng vệ thương mại trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều FTA thế hệ mới. Qua đó, giúp doanh nghiệp nắm bắt và chủ động trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng, cách thức sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại được pháp luật cho phép để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.

Đánh giá từ 5 thành phố, việc tổ chức các hoạt động về phòng vệ thương mại đã giúp doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng của các địa phương nắm bắt và chủ động trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng, cũng như cách thức sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại được pháp luật cho phép để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.

Tăng cường cảnh báo sớm

Hiện, khó khăn đối với các địa phương trong quá trình thực thi FTA cũng như ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đó lá số lượng cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thực thi các FTA còn rất hạn chế, chủ yếu là kiêm nhiệm. Kinh nghiệm và chuyên môn về việc thực thi các FTA còn hạn chế do chưa được đào tạo chuyên sâu, chủ yếu phải tự nghiên cứu và tìm hiểu. Trong khi nội dung các cam kết quốc tế, những quy định có liên quan trong đó có phòng vệ thương mại được ban hành trong nước và tại các nước thành viên FTA... khá phức tạp.

Về phía doanh nghiệp, nhân lực có chuyên môn về thương mại quốc tế, nắm rõ các kiến thức về quy tắc xuất xứ, hải quan, cam kết tại các FTA, tìm kiếm thông tin thị trường xuất nhập khẩu, phòng vệ thương mại… chưa được quan tâm và có bộ phận chuyên trách. Do đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của 5 thành phố khó nắm bắt, tận dụng được cơ hội từ các FTA cũng như ứng phó hiệu quả với các vụ kiện về phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Vì vậy, thời gian tới, để có thể tận dụng được những cơ hội và hạn chế những thách thức phòng vệ thương mại trong quá trình thực thi các cam kết từ FTA thế hệ mới, Sở Công Thương 5 thành phố đã có kế hoạch triển khai các giải pháp quan trọng, quan tâm hơn đến những quy định về quy tắc xuất xứ, tìm hiểu xem làm thế nào để đáp ứng được quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan, trên cơ sở đó để xây dựng những cái chiến lược cũng như là kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp; đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo sớm để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại.

Đơn cử, theo Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, đơn vị sẽ tư vấn hỗ trợ chuyên sâu, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp cam kết về đầu tư, sở hữu trí tuệ, môi trường, thương mại điện tử, tiêu chuẩn lao động, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan và phòng vệ thương mại. Qua đó, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung toàn thành phố; góp phần đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2022 - 2030 khoảng 9-10%/năm, trong đó, giai đoạn 2022-2025 tăng trưởng bình quân 8-9%/năm; giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng bình quân 10-11% theo kế hoạch đề ra.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương