Nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hồ Chí Minh

(Banker.vn) Sớm nhận thực được ý nghĩa của việc cấp tín dụng đối với sự phát triển của DNNVV, tại TP. Hồ Chí Minh, những năm qua, việc cung cấp tín dụng cho các DNNVV được lãnh đạo và ngành Ngân hàng thành phố đặc biệt quan tâm tạo điều kiện.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã và đang khẳng định vị trí và vai trò trong nền kinh tế về đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, về sự phát triển, về tạo công ăn việc làm… và tính năng động với thị trường. Đặc biệt, trong những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế (do khủng hoảng; do đại dịch…), mặc dù DNNVV luôn là những doanh nghiệp chịu tác động ảnh hưởng đầu tiên và chịu tác động ảnh hưởng lớn do những hạn chế nội tại của nhóm doanh nghiệp này song với khả năng linh hoạt và năng động, dễ chuyển đổi hoặc điều chỉnh sản xuất kinh doanh, các DNNVV cũng là những doanh nghiệp vượt khó đầu tiên, phục hồi và tăng trưởng.

Dễ nhận thấy điều này trong năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát và tác động ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế xã hội đất nước nói chung và các DNNVV nói riêng. Nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất tiêu dùng, y tế, giáo dục, công nghệ và chế biến đã có những điều chỉnh, thay đổi sản xuất kinh doanh, tạo ra những sản phẩm phù hợp nhu cầu và trong điều kiện đại dịch để ổn định, tăng trưởng và phát triển. Có được những thay đổi đó ở các DNNVV, không thể không nhắc tới vai trò vô cùng quan trọng của ngành Ngân hàng trong việc cung cấp vốn và dịch vụ tài chính.  

Sớm nhận thực được ý nghĩa của việc cấp tín dụng đối với sự phát triển của DNNVV, tại TP. Hồ Chí Minh, những năm qua, việc cung cấp tín dụng cho các DNNVV được lãnh đạo và ngành Ngân hàng thành phố đặc biệt quan tâm tạo điều kiện.

Ngành Ngân hàng thành phố đã nỗ lực thực hiện hệ thống các giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng đối với DNNVV theo đúng quy định của luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa:Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách của Chính phủ về hỗ trợ tổ chức tín dụng tăng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Theo đó, ngành Ngân hàng nói chung và trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng đã tổ chức triển khai và thực hiện tốt các hoạt động, chương trình nhằm hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng thuận lợi. Nhìn lại 3 năm sau khi thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố liên tục tăng trưởng và tăng trưởng ở mức cao. Năm 2018 (năm đầu tiên thực hiện luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa), tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 39%; năm 2019 tăng: 28%. Riêng năm 2020, dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, song tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn tăng tới 15%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn: 10,35%.

Xu hướng tăng trưởng tích cực này gắn liền và trực tiếp từ các hoạt động và các nhóm giải pháp của Ngân hàng Nhà nước và ngành Ngân hàng thành phố trong quá trình thực hiện hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, quá trình đổi mới để cải thiện và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp nói chung, DNNVV riêng.

Điều đó thể hiện rõ nhất ở các nội dung sau:

Thứ nhất, môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện cho DNNVV phát triển, quá trình này kích thích nhu cầu vay vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đối với DNNVV. Trong đó Luật Hỗ trợ DNNVV là một trong yếu tố tác động tích cực.

Thứ hai, cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng của Ngân hàn Nhà nước thời gian qua liên tục tạo điều kiện thuận lợi để cho doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng tiếp cận thuận lợi vốn tín dụng ngân hàng theo hướng: hỗ trợ tạo điều kiện về vốn và giải quyết kịp thời khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Hiệu quả cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ DNNVV có thể thấy rất rõ và nổi bật, nhất là trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế. Trong đó, việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ suốt giai đoạn vừa qua đã tạo lập niềm tin vững chắc cho doanh nghiệp, cho người dân, góp phần quan trọng trong định hướng phát triển của doanh nghiệp. Niềm tin đó cùng với chính sách hỗ trợ về lãi suất nhằm giảm chi phí hoạt động; hỗ trợ cơ cấu lại nợ nhằm giảm áp lực trả nợ và cho vay mới với lãi suất thấp nhằm hỗ trợ về vốn để sản xuất kinh doanh đã giúp doanh nghiệp nói chung, DNNVV riêng duy trì, ổn định và phục hồi tăng trưởng. Nhờ vậy, nhiều DNNVV trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có kết quả kinh doanh ấn tượng trong bối cảnh đại dịch. Bên cạnh đó, các chương trình tín dụng của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước và của UBND thành phố được tổ chức triển khai thực hiện tốt, phát huy hiệu quả. Dư nợ tín dụng ngắn hạn bằng tiền đồng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tổng dư nợ tín dụng cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên (gồm DNNVV; xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng dư nợ tín dụng của chương trình, chiếm trên 70%.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, với các nội dụng về đổi mới quy trình giao dịch; nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng; đổi mới phong cách giao dịch và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực hoạt động dịch vụ, lĩnh vực tín dụng… Điều này góp phần giảm chi phí giao dịch, chi phí thời gian và chi phí cơ hội cho DNNVV, qua đó tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và toàn xã hội. Tới nay, khi sử dụng nhiều dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp có thể “ngồi tại nhà” để giao dịch, rất thuận lợi và tiết kiệm thời gian.

Thứ tư, tổ chức tốt những chương trình hành động cụ thể, thiết thực nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng. Phải kể tới các chương trình như kết nối ngân hàng doanh nghiệp; đối thoại doanh nghiệp và sự phối hợp của sở ngành, quận huyện cùng ngành Ngân hàng để trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận vốn vay ngân hàng. Trong đó, chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp đã trở thành mô hình điểm và bài học giá trị thực tiễn trong tổ chức và triển khai cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà nước. Chỉ tính riêng trong năm 2020 thông qua chương trình đã kết nối, hỗ trợ cho gần 30.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn vay vốn, với tổng số tiền: 483.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi; xử lý 751 trường hợp khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp thông qua kênh đối thoại doanh nghiệp; đường dây nóng và phản ánh từ hiệp hội doanh nghiệp, các sở ban ngành và quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Những chủ trương và hành động cụ thể nêu trên đã có tác động tích cực, hiệu ứng lan tỏa lớn đến cộng đồng doanh nghiệp, không chỉ giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp đối với cơ chế chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước và UBND thành phố mà còn là những bài học kinh nghiệm thực tiễn quý báu trong quá trình thực hiện trách nhiệm nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, giúp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với DNNVV và thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng về phát triển khu vực kinh tế tư nhân, tạo động lực cho tăng trưởng, cũng như khơi dậy khát vọng phát triển trong giai đoạn 2021-2025 như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Nguyễn Đức Lệnh

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ 

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục